Lễ hội Đại Phan của người Sán Dìu

Thứ 2, 14.02.2022 | 08:31:21
819 lượt xem

Lễ hội Đại Phan là một lễ tục đẹp của cộng đồng người Sán Dìu (Vân Đồn, Quảng Ninh). Lễ hội được phục dựng năm 2008 sau lần tổ chức cuối cùng vào năm 1944.

Đại Phan là một lễ hội của cộng đồng người Sán Dìu, được tổ chức để cầu mong cho dân làng được an yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, xua đuổi tà ma... Xa xưa, lễ hội này thường được tổ chức vào cuối năm và diễn ra trong khoảng 5 ngày 4 đêm. Lễ hội Đại Phan truyền thống bắt đầu bằng lễ rước thành hoàng làng, dựng cây phan (cây nêu), hát soọng cô, leo gươm (leo dao), lội qua than hồng, cấp sớ điệp sắc phong cho thầy cúng...

Lễ hội Đại Phan của người Sán Dìu
Thầy mo thực hiện nghi lễ trong lễ hội Đại Phan năm 2008. 

Đáng chú ý trong lễ hội này là lễ leo dao và lội qua than hồng. Trong lễ leo dao, thầy cúng chuẩn bị hai cái cây gắn lưỡi dao, mô phỏng hình bông lúa, gọi là cây dương và cây âm. Dao gắn trên cây đều mới rèn, sắc lẹm, từng sử dụng trong lễ chém súc hiến tế diễn ra vào ngày thứ hai của buổi lễ. 12 lưỡi dao gắn trên cây tượng trưng cho những tầng trời. Các lưỡi dao gắn theo dạng bậc thang để tái hiện truyền thuyết Vua Cóc của người Sán Dìu. Đến giờ đã định, các cây dao được dựng lên. Chủ lễ bắt quyết, các thầy cúng giơ gan bàn chân để đóng triện đỏ rồi bắt đầu đặt chân lên các lưỡi dao sắc để lên đỉnh cây mà không bị đổ máu.

Ở phía trên, họ sẽ vẩy thóc gạo ra tứ phía để người ở dưới đón lấy, tượng trưng sự ban ơn của trời cho dân bản được no ấm, mùa màng bội thu. Tiếp theo, họ đọc các bài cúng, ­­­tống đạt nguyện vọng, cầu thiên vương ban phúc lành. Sau đó, họ đi xuống, xuống đến đâu chặt đứt các dây buộc, gỡ bỏ lưỡi dao đến đó. Nghi lễ lội qua than hồng cũng vậy. Các thầy cúng với đôi chân trần bước qua than hồng rất điệu nghệ mà không bị bỏng chân. Người Sán Dìu tin rằng, khi thực hiện những hoạt động này mong ước của họ sẽ được bề trên nghe hiểu và linh ứng phò trợ cho cuộc sống. Ngày nay, khi tái hiện những hoạt động này, nhiều người xem cảm thấy rất hồi hộp. Nhưng đây cũng là những nét độc đáo bí truyền của người Sán Dìu.

Trước khi được phục dựng năm 2008, lễ hội Đại Phan diễn ra lần cuối vào năm 1944. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Quốc Thái, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh, người trực tiếp tham gia phục dựng lễ hội Đại Phan cho biết: “Khi phục dựng, lễ hội Đại Phan được nhiều du khách quan tâm. Các hoạt động trong lễ hội này đã xuất hiện tại lễ hội Carnaval Hạ Long các năm 2012, 2013, 2014, 2018 và nhiều sự kiện khác của tỉnh Quảng Ninh”.

Hai năm nay, do đại dịch Covid-19 nên huyện Vân Đồn chỉ tổ chức lễ hội Đại Phan trong phạm vi hẹp, chủ yếu là thực hiện một phần nghi lễ. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo này vẫn không hề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngày 26-6-2020, UBND huyện Vân Đồn đã ban hành Quyết định số 2427/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Sán Dìu huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2022”. Đây là cơ sở quan trọng để góp phần gìn giữ kho tàng văn hóa của các dân tộc trong tỉnh Quảng Ninh.


NGỌC THẢO - TRẦN MINH/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/le-hoi-dai-phan-cua-nguoi-san-diu-685271

  • Từ khóa