Các khu công nghiệp miền trung rộn ràng vào xuân

Thứ 3, 15.02.2022 | 08:37:00
519 lượt xem

Ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp lớn ở miền trung đã đồng loạt trở lại sản xuất với khí thế sôi nổi, rộn ràng khi các địa phương kiểm soát dịch hiệu quả, mở cửa trở lại các hoạt động, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, từng bước phục hồi và tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.

Dây chuyền sản xuất ô-tô của Thaco Chu Lai tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Sáng mồng 7 tháng Giêng, hơn 9.500 cán bộ, công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Thaco (Công ty cổ phần Thaco) tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, đã trở lại cơ sở sản xuất. Phó Tổng Giám đốc Thaco Nguyễn Quang Bảo cho biết: Ngay những ngày đầu xuân mới, trước khi trở lại làm việc, toàn bộ cán bộ, công nhân, người lao động được xét nghiệm, kịp thời phát hiện các ca nhiễm Covid-19 để cách ly điều trị theo quy định. Ngoài việc duy trì thực hiện nghiêm ngặt quy định 5K, Thaco tổ chức xét nghiệm nhanh định kỳ và test ngẫu nhiên cho người lao động, để kịp thời phát hiện, cách ly điều trị ca nhiễm, không để dịch bùng phát, lây lan diện rộng; đồng thời kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn dịch từ bên ngoài xâm nhập vào khu vực sản xuất.

Theo kế hoạch, năm 2022, Thaco sẽ cấu trúc lại toàn diện để trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành, với định hướng các ngành chủ lực bao gồm sản xuất ô-tô, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, logistics, đầu tư-xây dựng và thương mại-dịch vụ, chuyển đổi số. Riêng Thaco Chu Lai đặt mục tiêu phát triển thành hệ sinh thái đa ngành tiêu biểu của Thaco tại Quảng Nam-miền trung, kết nối hai miền nam-bắc, Tây Nguyên và Lào, Campuchia. Năm 2022, Thaco Chu Lai phấn đấu sản xuất 128 nghìn xe các loại (tăng 54% so năm 2021), cung ứng ra thị trường hơn 125 nghìn xe, tổng doanh thu hơn 13 nghìn tỷ đồng (tăng gấp hai lần năm 2021), nộp ngân sách hơn 30 nghìn tỷ đồng; trong đó, nộp tại Quảng Nam 22.300 tỷ đồng, tăng 43% so năm 2021.

Tại Đà Nẵng, thành phố hiện có sáu khu công nghiệp, một khu công nghệ cao và một khu công nghệ thông tin tập trung với hơn 70 lao động, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao các khu công nghiệp Đà Nẵng Phạm Trường Sơn cho biết, đến thời điểm này, người lao động trong các khu công nghiệp Đà Nẵng đều được tiêm đủ hai mũi vắc-xin nên mọi người đều yên tâm làm việc. Ngày 7/2, hầu hết các doanh nghiệp trở lại hoạt động, với hơn 82% số công nhân, đến ngày 14/2 có 100% số người lao động trở lại làm việc.

Tất cả các doanh nghiệp đều tổ chức xét nghiệm, phát hiện sớm các ca nhiễm để cách ly điều trị, hạn chế dịch lây lan. Tại lễ ra quân đầu xuân (ngày 7/2), Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng đã cho xuất xưởng lô hàng 2.000 máy tính bảng đầu tiên của năm 2022, nhằm hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong lộ trình sản xuất những sản phẩm công nghệ mang dấu ấn “Make in Việt Nam” của Tập đoàn Trung Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Thảo, Phó Tổng Giám đốc Trungnam Group chia sẻ: Với tiến độ xây dựng và những tín hiệu tích cực từ thu hút đầu tư của các đối tác quốc tế, nhất là việc hợp tác triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu tập trung (Data Center) với đối tác Singapore góp phần quan trọng trong khớp nối hoàn chỉnh hệ sinh thái, khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng đang hướng tới trở thành Khu Công nghệ thông tin tập trung quy mô và hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam. Trong đó, có năm nhà máy quy mô lớn từ 4.000-6.000 m2/sàn đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị đi vào hoạt động trong tháng 3 tới, tạo việc làm cho gần 2.000 lao động kỹ thuật cao; bốn căn biệt thự mẫu thuộc khu chuyên gia đã hoàn thành và sẽ đồng loạt triển khai hoàn thiện 60 căn biệt thự còn lại theo tiêu chuẩn 5 sao.

Khu công viên sinh thái, công viên thể thao cũng đã sẵn sàng. Các tiện ích khác như: Club House, khu công viên trung tâm... cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Trung tâm Nghiên cứu sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao Surface Mount Technology thuộc tập đoàn Trung Nam sẽ tham gia sâu hơn vào khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), phân khúc mang giá trị gia tăng cao nhưng đòi hỏi khắt khe về trình độ cũng như về tiềm lực tài chính. Đây là động lực để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng tới hình thành nền kinh tế bền vững và có hàm lượng chất xám cao, mở ra một chu kỳ mới cho lĩnh vực công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin gắn liền với nền kinh tế số của thành phố Đà Nẵng và cả nước.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chính chia sẻ, năm 2022, Đà Nẵng sẽ cố gắng vượt qua những khó khăn, thách thức, triển khai các dự án trọng điểm, mang tính chất đột phá, như xây dựng bến cảng Liên Chiểu; khu đô thị làng Đại học Đà Nẵng; tuyến đường cao tốc La Sơn-Túy Loan (đoạn Hòa Liên-Túy Loan); nâng cấp, mở rộng nhà ga hành khách T1, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; Khu Du lịch Làng Vân; nâng cấp mở rộng quốc lộ 14B (đoạn Túy Loan-Hòa Khương); đường vành đai phía tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh; đường vành đai phía tây 2; Nhà máy nước Hòa Liên,... Đây đều là những công trình, dự án động lực, trọng điểm có tác động kích thích, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội cho Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Vì thế việc các doanh nghiệp đồng loạt ra quân sản xuất đầu năm là hành động thiết thực, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương của thành phố.

Cũng như Đà Nẵng, Quảng Nam, ngay từ những ngày đầu năm, không khí ra quân, thi đua lao động sản xuất ở Quảng Ngãi diễn ra sôi nổi. Với tinh thần phấn chấn, hàng chục nghìn kỹ sư, công nhân Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất khẩn trương làm việc sau những ngày nghỉ Tết cổ truyền. Trưởng phòng Nhân sự Công ty Lưu Thanh Tùng cho biết, thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch nhưng công ty vẫn duy trì sản xuất ổn định, bảo đảm việc làm và thu nhập, mức thưởng Tết tăng hơn trước nên người lao động rất phấn khởi, lao động với quyết tâm cao nhằm khẳng định vị thế về chất lượng và sản lượng của Thép Hòa Phát tại thị trường trong nước và quốc tế. Ngay sau Tết, Hòa Phát ký hợp đồng xuất khẩu lô thép cuộn cán nóng đầu tiên với khối lượng 35 nghìn tấn sang Italia.

Tại cảng PTSC Dung Quất, hàng trăm công nhân đang làm việc khẩn trương, liên tục bốc dỡ thiết bị máy móc từ tàu Han Zhi (Panama) vừa cập cảng, kịp bàn giao cho khách hàng. Phó Giám đốc cảng PTSC Dung Quất Huỳnh Văn Thanh hồ hởi nói: “Với tinh thần phục vụ khách hàng 24/24 giờ, PTSC Dung Quất huy động đầy đủ phương tiện, nhân lực làm việc bất kể ngày đêm, giải phóng nhanh hàng hóa, rút ngắn thời gian tàu nằm tại cảng”. Năm 2021, cảng PTSC Dung Quất đạt tăng trưởng cao, với mức hàng hóa xuất, nhập khẩu thông qua cảng đạt ba triệu tấn. Đây là tiền đề để năm 2022, Công ty cổ phần Dịch vụ dầu khí Quảng Ngãi PTSC mở rộng bến cảng số 3.

Để bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất, chính quyền các địa phương miền trung luôn đặt công tác bảo đảm an toàn dịch bệnh tại các khu, cụm công nghiệp lên hàng đầu; gắn công tác phòng, chống dịch với phục hồi kinh tế. Tại các doanh nghiệp, ngoài việc tiếp tục tiêm đủ ba mũi vắc-xin, thực hiện 5K cũng đã chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó từng mức độ dịch bệnh, không để dịch bùng phát trong cơ sở sản xuất, không làm đứt gãy sản xuất, tiếp tục hỗ trợ cho các ngành sản xuất phát triển, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp. Tinh thần vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được các địa phương, doanh nghiệp quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/cac-khu-cong-nghiep-mien-trung-ron-rang-vao-xuan-685682/

  • Từ khóa