Buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam Bộ diễn biến phức tạp

Thứ 4, 16.02.2022 | 08:41:02
650 lượt xem

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, tình hình buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam vẫn diễn biến phức tạp. Các lực lượng chức năng tiếp tục mật phục bắt nhiều vụ vận chuyển hàng lậu, đồng thời tuyên truyền để người dân không tiếp tay cho buôn lậu.


Lực lượng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang thu giữ thuốc lá điếu từ các vụ buôn lậu. (Ảnh VIỆT TIẾN)

Các mặt hàng mà bọn tội phạm vận chuyển trái phép qua tuyến biên giới các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp là đường cát, mỹ phẩm, thuốc lá, xăng dầu…

Căng thẳng chống buôn lậu trên đường bộ và trên biển

Một tối tại vùng biên giới thuộc thành phố Châu Đốc (An Giang), chúng tôi bắt gặp nhiều xe gắn máy vận chuyển hàng lậu chạy với tốc độ cao hướng ra quốc lộ 91 về thành phố Long Xuyên. Tiếng xe gắn máy nổ rền vang trong đêm tối. Theo ghi nhận của phóng viên, địa bàn trọng điểm của hàng lậu tập trung trên các tuyến huyện Tịnh Biên-Châu Đốc, Tịnh Biên-Tri Tôn. Còn tuyến đường thủy có các tàu, thuyền gỗ lợi dụng bóng đêm, chở hàng hóa hợp pháp nhưng thực chất là để ngụy trang cất giấu hàng lậu. Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang, các đối tượng buôn lậu không hoạt động ồ ạt mà vận chuyển nhỏ lẻ, cất giấu rất tinh vi, vận chuyển hàng với số lượng vừa phải. Ngoài việc dùng thuyền máy, thuyền gỗ để chuyển hàng lậu từ Campuchia về Việt Nam, các đối tượng còn cho hàng lậu vào túi ni-lông rồi thả trôi theo kênh, sông để tấp vào biên giới Việt Nam, sau đó báo tin cho đồng bọn đến lấy.

Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, tình hình buôn lậu có chiều hướng giảm về số vụ nhưng vẫn diễn biến phức tạp, do giá cả một số mặt hàng chênh lệch lớn giữa trong và ngoài nước. Các mặt hàng tuồn từ Campuchia vào nội địa chủ yếu là thuốc lá, vàng, mỹ phẩm, đồ điện tử... Để đối phó, các đối tượng cử người theo dõi, canh coi hoạt động của lực lượng chống buôn lậu ngay tại đồn, chốt để thông báo cho nhau đối phó và thay đổi địa điểm. Khi bị bắt giữ, chúng thường bỏ hàng chạy thoát thân. Đối tượng chủ hàng, đầu nậu không trực tiếp thực hiện mà chỉ đạo từ xa cho các đối tượng đai vác, vận chuyển thuê cho nên rất khó bắt giữ. Qua nắm tình hình, lực lượng chức năng xác định hiện nay trên địa bàn biên giới An Giang phía ngoại biên có 35 kho, điểm tập kết chứa hàng hóa còn hoạt động. Trong nội biên có 14 kho, điểm tập kết chứa hàng hóa còn hoạt động. Có 31 chủ hàng, đầu nậu còn lén lút hoạt động.

Tỉnh Kiên Giang có đường biên giới trên bộ và cả trên biển giáp với nước bạn Campuchia. Trước, trong và sau Tết, tội phạm lợi dụng đường mòn, lối mở trên bộ đưa hàng hóa đến điểm tập kết rồi thuê người dân địa phương vác hàng lậu tuồn qua biên giới. Theo ghi nhận, mặc dù lực lượng chứng năng lập chốt mật phục tại chân cầu Tô Châu, thành phố Hà Tiên nhưng các đối tượng vẫn rất liều lĩnh. Sau khi hàng lậu chủ yếu là thuốc lá điếu và đường cát được tuồn qua biên giới, các đối tượng thồ hàng chất lên những chiếc xe gắn máy được độ lại rất mạnh về động cơ, điều khiển chạy với tốc độ cao, tiếng pô gầm rú rất lớn, đưa hàng đến các điểm tập kết đã định sẵn. Sau đó, hàng lậu tiếp tục được vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ. Ở trên biển, sau khi lấy hàng lậu từ tỉnh Kampốt, thành phố Kép (Campuchia), đối tượng sử dụng vỏ máy tốc độ cao chạy vòng qua đường cửa khẩu chính ngạch rồi vào bờ đất liền để đưa vào nội địa.

Nhờ tăng cường phối hợp giữa các lực lượng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, mới đây, nhiều vụ vận chuyển hàng lậu tuyến biên giới cả trên bộ và trên biển được triệt phá.

Tuyến biên giới của tỉnh Đồng Tháp do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp quản lý có chiều dài 50,5 km; tiếp giáp tỉnh Prây-veng, Campuchia với nhiều đường mòn lối mở, biên giới trên sông… Thời gian qua, tình hình buôn lậu trên tuyến biên giới này nóng bỏng, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã mật phục bắt nhiều vụ buôn lậu thuốc lá điếu nhập lậu, đường cát.

Nỗ lực đấu tranh phòng, chống

Trên vùng biển Tây Nam, hiện các lực lượng Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, Công an tỉnh Kiên Giang tăng cường phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển. Tại thành phố Phú Quốc, mới đây, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 và Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang thống nhất cam kết chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trinh sát, tuần tra, đấu tranh, xử lý đối tượng có hành vi buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa trên vùng biển Kiên Giang. Theo đó, từ ngày 4/1 đến 25/2, hai đơn vị chỉ đạo khối cơ quan nghiệp vụ phối hợp trinh sát phát hiện, đề xuất sử dụng lực lượng, phương tiện kiểm tra, bắt giữ, xử lý đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an toàn, chặt chẽ và đúng quy định.

“Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu gia tăng, chúng tôi tăng cường tổ chốt lưu động, tuyên truyền và mật phục đường mòn lối mở, bên cạnh đó phối hợp đoàn kết giữa các lực lượng liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ”- Đại tá Lê Văn Luận, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp cho biết. Các lực lượng, chính quyền địa phương cũng đã phân tích xác định các điểm nóng về buôn lậu và vượt biên trái phép cho nên có phương án bố trí phối hợp tăng cường lực lượng trực tại bảy chốt cố định, và nhiều tổ công tác lưu động khác sẵn sàng phối hợp tuần tra khi có yêu cầu. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự Trịnh Văn Bùi cho biết: “Xác định Thường Lạc là địa bàn trọng điểm biên giới, an ninh trật tự diễn biến phức tạp, đặc biệt là buôn lậu nên địa phương phối hợp chặt chẽ các lực lượng liên quan trong phòng, chống buôn lậu, đồng thời bảo đảm công tác chống dịch”.

Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, phần lớn các đối tượng đai vác, vận chuyển thuê là người dân nghèo, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bị các đối tượng chủ đầu nậu lôi kéo, móc nối. Khi họ bị bắt giữ, xử lý thì không đủ khả năng để chấp hành quyết định xử phạt. Về lâu dài, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh An Giang hỗ trợ, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhân dân trong khu vực biên giới; từ đó ổn định đời sống, không tiếp tay vận chuyển hàng lậu cho các chủ hàng, đầu nậu. Ngoài ra, theo Đại tá Trần Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, để giữ gìn an ninh trật tự và phòng, chống buôn lậu cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán, đơn vị duy trì thường xuyên 210 tổ, chốt với 1.492 cán bộ, chiến sĩ trên biên giới tăng cường tuần tra, kiểm soát siết chặt biên giới, vừa quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phòng, chống buôn lậu, vừa phòng, chống dịch Covid-19.

Tại tỉnh Kiên Giang, người dân sống trên địa bàn cặp tuyến biên giới với Campuchia đã cam kết không tiếp tay tội phạm. Anh Ngô Văn Sung, ngụ ấp Rạch Gỗ, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành khẳng định: “Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ đến nhà tôi tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Tôi cũng ký cam kết không tiếp tay buôn lậu và tích cực tố giác hành vi buôn lậu, xuất, nhập cảnh trái phép. Người dân chúng tôi sống ở vùng biên giới luôn mong muốn có cuộc sống hòa bình, ổn định, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm nên luôn chấp hành, thực hiện tốt những phần việc mà Bộ đội Biên phòng đưa ra”.


TIẾN DŨNG và NGHĨA TRINH/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/buon-lau-tren-tuyen-bien-gioi-tay-nam-bo-dien-bien-phuc-tap-685827/

  • Từ khóa