1/4 sinh viên trong lớp trở thành F0 sau một tuần học trực tiếp

Chủ nhật, 20.02.2022 | 09:31:36
747 lượt xem

Sau một tuần học trực tiếp, nhiều trường đại học đối diện với số lượng sinh viên mắc Covid-19 tăng chóng mặt.

1/4 lớp thành F0 sau một tuần học trực tiếp

Bắt đầu từ ngày 14/2, nhiều trường đại học trên cả nước đã có quyết định cho sinh viên trở lại trường. Tuy nhiên, niềm vui đến trường chưa được bao lâu thì đã bị bủa vây bởi nỗi lo sợ mắc Covid-19.

Lê Thị Mai Hương (19 tuổi) hiện là sinh viên năm nhất tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, cho biết trong tuần đầu đi học, lớp đã có hơn 10 bạn là F0 và F1. Trong bối cảnh như vậy, Hương luôn cảm thấy lo lắng mỗi khi mở khẩu trang để uống nước hay hít thở. Với việc đi học trực tiếp, Hương đã phải tiếp xúc với nhiều người trong không gian kín.

Mai Hương chia sẻ: "Người bạn hôm trước mình vừa mới làm quen và ngồi cạnh trong 4 tiết học, ngày hôm sau đã trở thành F1. Vậy nên sau một tuần học tập tại trường, bản thân mình thấy không an toàn và rất lo lắng".

1/4 sinh viên trong lớp trở thành F0 sau một tuần học trực tiếp - 1

Mai Hương cho biết trong lớp của em có 10 F0 sau một tuần đi học trực tiếp (Ảnh: NVCC).

Đáng chú ý hơn, lớp của Nguyễn Minh (21 tuổi, sinh viên năm thứ 3) có 31 thành viên cũng đã ghi nhận 1/4 số này trở thành F0 sau một tuần đi học trực tiếp. Việc hàng ngày nhận tin bạn bè trở thành F1, F0 đã trở thành một việc thường tình với nữ sinh. Thậm chí, có một học phần của N.M phải hoãn lại vì giảng viên đã mắc Covid-19.

Chia sẻ với Dân trí, Mai Linh (19 tuổi, Học viện Chính sách và Phát triển) cũng cho biết lớp của em hiện vẫn đi học khá đầy đủ. Chỉ có em và một số bạn khác là F0 và F1 nên phải thực hiện cách li theo dõi tại nhà. Mỗi khi tới trường, Linh luôn lo lắng không biết liệu có bạn nào đang ủ bệnh hay không.

1/4 sinh viên trong lớp trở thành F0 sau một tuần học trực tiếp - 2

Việc nhận thông báo bạn cùng lớp dương tính đã không còn quá xa lạ. (Ảnh: N.M)

Theo Mai Hương, lý do các ca dương tính ở Hà Nội tăng nhanh chóng là số lượng người đổ về tăng nhanh. Bên cạnh đó, các chính sách bình thường mới, như mở lại các khu trung tâm thương mại, rạp phim, quán ăn, cùng biến thể mới mạnh mẽ khiến việc nhận biết F0 và xác định nguồn lây càng khó khăn.

Trong tuần đầu quay lại, Nguyễn Minh cảm thấy phương án đi học trực tiếp không thật sự cần thiết vì mọi người đã quen với việc học online. Việc triển khai học trực tuyến sẽ giúp lịch trình sinh viên linh hoạt hơn và giảm căng thẳng không đáng có cho mọi người.

Linh bổ sung: "Theo em, việc đi học nên được thực hiện song song giữa trực tiếp và trực tuyến. Nếu có thể thì nên tạm dừng việc học trực tiếp để kiểm soát dịch trước". Đối với các học phần ưu tiên thực hành, Mai Hương mong nhà trường sẽ xem xét thay đổi thời gian học để sinh viên có điều kiện tốt hơn.

Đối với Hương và Linh - những sinh viên năm nhất, được đến trường sau thời gian dài là một điều hạnh phúc và mới mẻ. Tuy nhiên, cả hai sẵn sàng chờ đợi cơ hội được gặp gỡ, làm quen và học tập với bạn bè khi tình hình dịch được cải thiện.

Một số trường đại học không vội cho sinh viên học trực tiếp

Trong khi một số trường đại học sớm cho học trực tiếp, nhiều trường, như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, vẫn chưa có động thái cho sinh viên đi học trở lại do lo ngại dịch bệnh. Tối 18/2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đăng thông báo khẩn hoãn việc học trực tiếp.

1/4 sinh viên trong lớp trở thành F0 sau một tuần học trực tiếp - 3

Ngay trong tối 18/2, Học viện đã đưa ra thông báo khẩn hoãn việc học trực tiếp (Ảnh chụp màn hình).

Trần Minh Diệu An (sinh viên năm 2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cảm thấy quyết định này của trường rất kịp thời và đúng đắn. Mặc dù nhiều sinh viên mong muốn được "đổi gió" tới trường sau những ngày học online,  nhưng nguy cơ lây nhiễm vẫn còn hiện hữu ở nhiều nơi.

1/4 sinh viên trong lớp trở thành F0 sau một tuần học trực tiếp - 4

Diệu An cảm thấy quyết định của trường là đúng đắn và kịp thời (Ảnh: NVCC).

"Nếu đi học trở lại, sinh viên có thể không may nhiễm bệnh, ảnh hưởng tới các bạn cùng lớp cũng như sức khỏe của bản thân sinh viên. Đặc biệt, những triệu chứng hậu Covid-19 cũng là một vấn đề đáng quan ngại. Điều quan trọng bây giờ chính là sức khỏe, có sức khỏe thì các hoạt động khác mới đạt được hiệu quả cao", An bày tỏ.


Hà Mi/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/14-sinh-vien-trong-lop-tro-thanh-f0-sau-mot-tuan-hoc-truc-tiep-20220219135450279.htm

  • Từ khóa