Vị thế mới của Việt Nam trong thu hút vốn FDI

Thứ 2, 21.02.2022 | 08:24:40
574 lượt xem

Hai năm chống chịu với đại dịch Covid-19, hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam vẫn thiết lập kỷ lục mới nhờ tận dụng các cơ hội lớn từ những hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA,...

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. (Ảnh Nguyễn Đức)

Sau dòng chảy thương mại, sẽ là cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng vốn đầu tư từ các thị trường này vào Việt Nam.

Kỳ vọng bứt phá

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, ngay từ đầu năm 2022, hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) diễn ra khá sôi động tại 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều dự án tiếp tục mở rộng quy mô, đi vào giai đoạn hoạt động ổn định tại Việt Nam. Đơn cử, trong tháng 1, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so cùng kỳ. Trong đó, vốn điều chỉnh tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đều tăng mạnh. Cụ thể, có 71 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với mức vốn tăng thêm hơn 1,27 tỷ USD, tăng 54,3% về số dự án tăng vốn và tăng gần 2,7 lần về số vốn so cùng kỳ.

Nhà đầu tư cũng thực hiện 206 lượt góp vốn mua cổ phần tại doanh nghiệp Việt Nam, tăng 6,2% với tổng giá trị vốn góp đạt 443,5 triệu USD, tăng 2 lần so cùng kỳ. Riêng tổng vốn đăng ký của các dự án mới giảm mạnh (hơn 70%) do không có dự án tỷ đô nhưng đáng mừng là số lượng dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng 2,2 lần so cùng kỳ. Bên cạnh đó, hàng loạt dự án đã tăng vốn, mở rộng quy mô trong những ngày đầu năm mới. Như dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Trung Quốc) tăng vốn đầu tư thêm 260 triệu USD tại Nghệ An; dự án thương mại và dịch vụ GE Việt Nam (Hàn Quốc) tăng vốn thêm 216,9 triệu USD tại Bắc Ninh; dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (JNTC-Hàn Quốc) tăng vốn 163 triệu USD tại Phú Thọ.

Vị thế mới của Việt Nam trong thu hút vốn FDI -0

Công nhân Công ty cổ phần Daikin Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long II (Hưng Yên) lắp ráp máy điều hòa nhiệt độ. (Ảnh SONG TOÀN)

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Vafie) cho biết: Năm 2022, Việt Nam có thể thu hút khoảng 40 tỷ USD vốn FDI đăng ký và 21-22 tỷ USD vốn thực hiện như mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Con số này được đưa ra dựa trên cơ sở dự báo của các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước cũng như tiến trình cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và đặc biệt là những chuyển động tích cực trong thu hút FDI thế hệ mới.

Theo đó, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo năm 2022, dòng vốn FDI toàn cầu có thể tăng lên 1,2 nghìn tỷ USD và trở về mức trước đại dịch vào năm 2023. Báo cáo riêng của UNCTAD về khu vực ASEAN công bố cuối năm 2021 cũng có những dự báo lạc quan, trong đó Việt Nam vẫn là quốc gia thu hút FDI thành công, là điểm đến hứa hẹn với nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, các cuộc khảo sát của Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), Phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham)... gần đây cũng cho thấy 60-65% doanh nghiệp thành viên đang hoạt động tại Việt Nam có ý định mở rộng hoạt động trong năm 2022.

Đổi mới cách xúc tiến đầu tư

Vị thế của Việt Nam trong thu hút vốn FDI hiện nay đã khác. Với định hướng thu hút vốn FDI thế hệ mới, hướng đến các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, tác động lan tỏa tới kinh tế-xã hội, những năm gần đây, nhiều địa phương đã nói không với các dự án nhỏ, công nghệ lạc hậu. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng không còn đem dự án đi “mặc cả” ở nhiều tỉnh, thành phố để so bì ưu đãi. Có rất nhiều dự án nếu địa phương “gật đầu”, nhà đầu tư sẵn sàng vào rất nhanh như dệt may, da giày nhưng đã không được lựa chọn vì không đáp ứng được các yêu cầu của “bộ lọc” mới. Đến nay, Việt Nam đã ký và thực thi hơn 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, giúp Việt Nam liên tục đạt kỷ lục mới về xuất nhập khẩu và lọt vào danh sách 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Nhắc đến những thành công trong xuất nhập khẩu mà Việt Nam đạt được nhờ tận dụng cơ hội lớn từ các FTA và đặc biệt là những năm đầu thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), GS, TSKH Nguyễn Mại bày tỏ tiếc nuối vì xu hướng đầu tư từ các thị trường Mỹ và châu Âu vào Việt Nam chưa mạnh mẽ như dòng chảy thương mại. “Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp Việt Nam mới quan tâm đến thương mại và chưa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư từ các thị trường này. Nhưng cũng có một thực tế khách quan là thương mại bao giờ cũng đi trước đầu tư. Hy vọng sau dòng chảy thương mại mở rộng theo các FTA, sắp tới sẽ là dòng chảy đầu tư quốc tế mạnh mẽ với nguồn vốn chất lượng cao”, vị chuyên gia nói.

Tuy nhiên trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế. Vì vậy, cạnh tranh thu hút FDI đang ngày càng gay gắt giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động. Để tiếp tục có sự hấp dẫn nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, gần đây, Bộ đã có nhiều cuộc tọa đàm với lãnh đạo cấp cao các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia để trao đổi về kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/vi-the-moi-cua-viet-nam-trong-thu-hut-von-fdi-686388/

  • Từ khóa