Một cây xăng ở đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp (TPHCM) phải ngừng bán vì chưa nhập hàng về kịp. Một cây khác thì chỉ có một trụ mở bán nên người dân xếp hàng dài để chờ tới lượt.
Cơ quan quản lý thị trường tiến hành kiểm tra cây xăng treo biển hết hàng, ngưng bán... (Ảnh: DMS).
Theo thống kê chưa đầy đủ từ Tổng cục Quản lý thị trường, tính từ 28/1 đến 20/2, lực lượng này đã kiểm tra, giám sát, ký cam kết đối với hàng nghìn cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước.
Tại TPHCM, trong ngày 20/2, các đội thuộc Cục Quản lý thị trường TPHCM đột xuất kiểm tra nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố, làm rõ thực tế có hay không tình trạng đầu cơ, găm hàng trước kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21/2.
Qua kiểm tra một số cửa hàng xăng dầu ở quận Gò Vấp, Quận 12, TP Thủ Đức, cơ quan quản lý thị trường cho biết hầu hết cửa hàng đều hoạt động ổn định, chỉ có vài cây xăng tạm ngưng bán do nguồn cung giảm, không nhập hàng về đúng tiến độ.
Cụ thể, một cây xăng ở đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp của Công ty TNHH TM DV Biên Khoa ngưng bán. Nhân viên công ty này cho biết cửa hàng ngưng bán do chưa nhập hàng về kịp. Công ty nhập xăng về bán 1-2 ngày là hết do "nhiều người mua đổ đầy bình".
Còn tại cây xăng trên giao lộ Phạm Văn Chiêu - Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp, cả trăm người dân xếp hàng để chờ tới lượt đổ xăng, do 3 trụ xăng tại đây chỉ mở bán 1 trụ vì chỉ có một nhân viên đứng bán.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM, cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp Sở Công Thương thành phố kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các cây xăng, mọi hành vi vi phạm quy định pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm.
"Đa số các cửa hàng của hệ thống các doanh nghiệp có thương hiệu trên địa bàn thành phố hoạt động ổn định. Thực tế, chúng tôi đi kiểm tra nhiều cây xăng trên địa bàn thậm chí trên cùng tuyến đường thì đều bán hàng bình thường, có nơi còn thưa thớt người mua. Người dân có thể yên tâm nguồn cung ứng xăng dầu và không phải lo lắng", ông Nguyễn Tiến Đạt khẳng định.
Trong khi đó, tại Gia Lai, để đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho người sử dụng, Cục Quản lý thị trường tỉnh này đã chỉ đạo tất cả các đội lập mỗi đội hai đoàn kiểm tra tiến hành ký cam kết "không đóng cửa, bán hàng đúng thời gian niêm yết, niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết…".
Còn ở Bình Định, tính từ ngày 10/2 đến 20/2, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, giám sát và ký cam kết đối với 290 cửa hàng. Chỉ tính riêng trong ngày 20/2, đơn vị đã kiểm tra và giám sát đối với 44 cửa hàng trên địa bàn toàn tỉnh. 100% các cửa hàng kiểm tra trong ngày đều mở cửa bán hàng và chấp hành tốt các quy định trong kinh doanh xăng dầu.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, từ ngày 28/1 đến ngày 20/2, cơ quan chức năng đã làm việc với 60 trạm xăng dầu tại thời điểm kiểm tra có tình trạng ngưng hoạt động kinh doanh hoặc có hoạt động kinh doanh nhưng treo bảng hết xăng. Các đoàn kiểm tra ghi nhận, xác minh và xử lý theo quy định.
Trước đó trao đổi với Dân trí về việc có một số cây xăng chỉ bán giới hạn 30.000 đồng/xe máy, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết đã nắm được thông tin và Bộ vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra và quản lý thị trường.
"7-10 ngày nữa, tình hình sẽ tốt hơn do hàng được các đầu mối bổ sung nhiều hơn từ nguồn nhập khẩu và kỳ điều hành sắp tới sau thời gian giữ bình ổn cho người dân và doanh nghiệp dịp Tết theo chủ trương chung của Chính phủ", lãnh đạo Vụ thị trường trong nước cho biết.
Trong lúc có thể thiếu hụt cục bộ, lãnh đạo Vụ này khuyến cáo người dân và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu mua đủ lượng cần thiết, không tích trữ mặt hàng với tâm lý giá sẽ tăng. Việc không tích trữ cũng để đảm bảo về phòng cháy chữa cháy có thể gặp phải.
Theo dantri.com.vn