Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Danh mục 3 bộ sách đã chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Đây là thời điểm ngành giáo dục đẩy nhanh tiến độ tiếp cận sách để các nhà trường, giáo viên tìm hiểu, nghiên cứu các bộ sách, kịp thời đóng góp, loại bỏ những “hạt sạn” không đáng có trong sách giáo khoa (SGK).
Giảm độ khó
Danh mục SGK lớp 3 được phê duyệt lần này có 43 sách của 11 môn học và hoạt động giáo dục; lớp 7 gồm 40 SGK của 12 môn học và hoạt động giáo dục; lớp 10 gồm 44 SGK của 14 môn học và hoạt động giáo dục. Theo các nhà biên soạn Chương trình GDPT mới, nhiều môn học đã giảm bớt các nội dung khó, hàn lâm và thay đổi về cách tiếp cận.
Chia sẻ về những điểm mới của môn Toán-môn học mà trước đây nhiều học sinh hay nói là khó và khô, GS, TSKH Đỗ Đức Thái, Chủ biên Chương trình GDPT mới môn Toán cho biết: Từng bài học trong môn Toán lớp 3, lớp 7 và lớp 10 đã cụ thể hóa những nhu cầu cần đạt một cách rõ ràng, rành mạch và trong sáng về mặt sư phạm. Chẳng hạn, trong mạch kiến thức thống kê ở trung học cơ sở, đối với lớp 6, 7, 8 không có vẽ biểu đồ, nội dung đó ở lớp 9. Nếu chúng ta bám sát, hiểu được, cụ thể hóa được những yêu cầu của môn Toán, chúng ta sẽ không bắt học sinh vẽ biểu đồ từ lớp 6. Môn Toán lớp 12 cũng vậy, sẽ bỏ hết những phần kỹ thuật tính toán khó vì tích phân khi ứng dụng trong cuộc sống là những tích phân tính toán đơn giản.
Giáo viên Trường THCS Bế Văn Đàn, Hà Nội chuẩn bị sách giáo khoa cho năm học 2021-2022. |
Nhìn chung, nội dung mang hướng giảm tải. Nhưng giảm tải phải được hiểu là bỏ những kiến thức hàn lâm, giữ lại những phần cần thiết cho học sinh trong cuộc sống, nền tảng cơ bản cho bậc học cao hơn, không cắt bỏ một cách cơ học, không đúng về mặt sư phạm, GS, TSKH Đỗ Đức Thái nhấn mạnh.
Với tư cách là Chủ biên Chương trình GDPT mới môn Ngữ văn, PGS, TS Đỗ Ngọc Thống cho hay các bộ sách đi theo tinh thần “đưa cuộc sống vào bài học, mang bài học vào cuộc sống”. Điểm mới của môn Ngữ văn là thay đổi cách tiếp cận. Trước đây chạy theo nội dung, theo thể loại, hết dân gian, đến trung đại rồi đến hiện đại. Tuy nhiên, sách mới tổ chức sách theo trục kỹ năng, giúp giáo viên và học sinh hình dung được các kỹ năng cần đạt được. Đồng thời, văn phong rõ ràng, diễn đạt trung thành, bám sát các hoạt động thực tiễn.
Tôi thường nói với giáo viên, các thầy cô dạy gì cũng được nhưng học sinh đọc văn bản phải hiểu, phải viết được, diễn đạt trung thành ý nghĩ của cá nhân và người nghe hiểu được; văn phong trong sáng, rõ ràng, áp dụng được nhiều kiến thức vào cuộc sống. Theo tôi, đổi mới phải bám sát cuộc sống, vì đây là văn hóa phổ thông, không phải đào tạo ra nhà phê bình văn học hay nhà văn”, PGS, TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.
Giảm thiểu “sạn” trong sách
Thời gian qua, vấn đề đổi mới chương trình, SGK luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Những vấn đề chưa tốt cũng được dư luận đưa ra để hoàn thiện, từ khâu biên soạn nội dung đến phân phối sách, giá cả; việc đưa chương trình SGK mới vào áp dụng, ở những khu vực khó khăn, đồng bào dân tộc ít người, thiếu thốn thiết bị, công nghệ thông tin...
Qua hoạt động giám sát thực hiện chương trình SGK mới, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: Về khâu biên soạn, chúng ta đã rút kinh nghiệm SGK lớp 1 để nội dung đưa vào SGK vừa bảo đảm mục tiêu của chương trình nhưng cũng giảm thiểu thấp nhất “sạn” trong sách. Tính chuẩn mực trong SGK là một trong những yếu tố phải đặt lên trên hết.
Nhìn nhận vấn đề này, GS, TSKH Đỗ Đức Thái cho biết: Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quá trình biên soạn SGK trước đây đều tiến hành thực nghiệm ở nhà trường phổ thông ít nhất 10% số lượng tiết học cả năm đó. Người làm sách đã thực nghiệm ở các trường phổ thông trên các vùng miền khác nhau ở đất nước. Việc đó cho phép người biên soạn đánh giá xem bản thảo dự định khả thi trong cuộc sống như nào và cần điều chỉnh ra sao cho tốt hơn. Sau khi hội đồng thẩm định phê duyệt, bản thảo được đưa cho các giáo viên, cơ quan giáo dục toàn quốc để góp ý. Qua đó, chúng tôi nhận được sự góp ý của 63 tỉnh, thành phố và rất nhiều thầy cô. Chúng tôi xem xét giải trình từng ý kiến.
“Như môn Toán, bản giải trình kéo dài cả trăm trang. Những bản giải trình này cố gắng làm cho bộ SGK không mắc phải "sạn" trong quá trình biên soạn. Đối với môn Toán, tôi hy vọng không còn "sạn" nữa”, GS, TSKH Đỗ Đức Thái chia sẻ.
Giáo viên là người nắm bắt rất rõ tâm lý của học sinh, đặc điểm năng lực của từng học sinh và cũng là người tiếp cận trực tiếp các bộ SGK. Họ sẽ chủ động tiếp cận, chọn lọc nội dung kiến thức phù hợp của các bộ SGK để giảng dạy học sinh. Vì vậy, giáo viên chính là người góp ý, kênh tham mưu rất tốt cho việc lựa chọn sách. Theo cô Phan Hồng Hạnh, giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) việc tôn trọng ý kiến của giáo viên trong lựa chọn SGK mới vô cùng quan trọng. Cô Hạnh bày tỏ mong muốn SGK có tính ổn định để giáo viên yên tâm dạy học, từ đó có phản hồi, đóng góp cho các nhà xuất bản biên soạn, xuất bản để những năm tiếp theo các bộ sách đổi mới phù hợp hơn nữa.
Rút kinh nghiệm từ năm trước, có lẽ tinh thần chủ động tiếp cận, nghiên cứu SGK mới cần được đẩy nhanh và mạnh hơn ở các địa phương. Để công tác tập huấn, phát hành sách được triển khai đúng tiến độ. Làm sao trước thềm năm học mới, các thầy cô, nhất là những lớp đầu cấp như lớp 10 được tập huấn tốt.
THU HÀ/qdnd.vn