Xây dựng nông thôn mới bằng "hai chân" tại Bắc Giang

Thứ 3, 01.03.2022 | 14:39:00
563 lượt xem

Sau một thời gian xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay diện mạo vùng nông thôn ở Bắc Giang đã có nhiều thay đổi, hệ thống đường giao thông được cứng hóa giúp nhân dân đi lại và vận chuyển nông sản thuận tiện hơn; môi trường vùng nông thôn được bảo đảm; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Ðịa phương xác định tiếp tục xây dựng NTM bằng "hai chân": nơi nào chưa về đích thì phấn đấu hoàn thành, nơi nào đã về đích thì chuyển sang NTM nâng cao.

Chế biến vải thiều xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại huyện Lục Ngạn. (Ảnh ÐẶNG GIANG)

Bắc Giang phấn đấu hết năm 2022 sẽ có thêm chín xã đạt chuẩn NTM; thêm 19 xã NTM nâng cao và thêm 77 thôn đạt NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân khu vực vùng nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang Dương Thanh Tùng cho biết: "Xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả. Theo đó, sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, phát huy lợi thế của mỗi địa phương; hạ tầng kinh tế-xã hội ở vùng nông thôn tiếp tục được cải thiện theo hướng khang trang, sạch đẹp hơn; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên, thu nhập người dân cơ bản ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm; vệ sinh môi trường có chuyển biến tích cực; an ninh, trật tự, an toàn ở nông thôn được giữ vững". Theo thống kê, hết năm 2021, tỉnh Bắc Giang có sáu đơn vị cấp huyện, 138 xã đạt chuẩn NTM, 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 146 thôn NTM kiểu mẫu.

Phó Chánh Văn phòng Ðiều phối NTM Bắc Giang Nguyễn Văn Minh chia sẻ, qua xây dựng NTM, hệ thống đường giao thông nông thôn tiếp tục được mở rộng. Trong năm 2021, toàn tỉnh đã thực hiện cứng hóa, nâng cấp 300 km đường giao thông nông thôn. Cũng trong năm 2021, sản xuất nông nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết, dịch bệnh, nhưng với sự chủ động, tập trung cao, nông nghiệp tỉnh đạt kết quả nổi bật.

Hiện nay, trên địa bàn xuất hiện những mô hình sản xuất quy mô lớn, theo hướng hàng hóa tập trung; giá trị sản xuất đạt 135 triệu đồng/ha; toàn tỉnh có 55 vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Mặt khác, toàn tỉnh đã bố trí 1.397 điểm tập kết rác thải, 163 trong số 184 xã được đầu tư các khu xử lý quy mô, huyện, xã và cụm. Một số huyện như Yên Thế, Lạng Giang, Hiệp Hòa và thành phố Bắc Giang đã phát động và xây dựng mô hình phân loại rác thải tại nguồn, tái chế rác thải làm phân hữu cơ, tái chế rác thải thành xe đạp, làn, xô…hỗ trợ học sinh, hội viên phụ nữ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Theo Bí thư Ðảng ủy xã Nam Dương Bạch Quang Hào, sau một thời gian xây dựng NTM, đến năm 2021 xã đã về đích. Từ xây dựng NTM đã giúp thay đổi bộ mặt vùng nông thôn trên địa bàn. Ðặc biệt, hiện nay toàn xã có 815 ha trồng cây ăn quả, sản lượng, giá trị thu được từ cây trồng này tăng theo từng năm.

Tuy nhiên, việc xây dựng NTM ở Bắc Giang hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn khi tiến độ và kết quả đạt chuẩn NTM giữa huyện miền núi và đồng bằng có sự chênh lệch khá lớn; tại một số địa phương, việc giữ vững các tiêu chí mềm (tiêu chí văn hóa, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh...) còn hạn chế. Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp mặc dù đã chuyển biến tích cực nhưng các chuỗi giá trị sản xuất chưa chặt chẽ, thiếu bền vững cho nên đã ảnh hưởng thu nhập của người dân. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao còn ít.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang Dương Thanh Tùng cho biết, "xác định xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, là nhiệm vụ thường xuyên và của cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy, hiện nay tỉnh Bắc Giang đang xây dựng NTM qua việc đi bằng "hai chân". Nghĩa là địa phương nào chưa về đích sẽ phấn đấu về đích trong thời gian sớm nhất, địa phương nào đã về đích sẽ chuyển sang làm NTM nâng cao, kiểu mẫu". Ðể thực hiện được điều này, thời gian tới tỉnh Bắc Giang sẽ hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn, duy tu, nâng cấp công trình đã đầu tư; có chính sách đột phá, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn những xã đặc biệt khó khăn; chú trọng đầu tư cho các công trình cấp thôn, bản nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Ðẩy mạnh phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững theo chiều sâu. Trên cơ sở đó sẽ triển khai các cơ chế chính sách phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng NTM; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tích tụ ruộng đất hình thành vùng sản xuất tập trung; thực hiện hiệu quả các chính sách, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh; nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp; thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp...


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/xay-dung-nong-thon-moi-bang-hai-chan-tai-bac-giang-687451/

  • Từ khóa