Đặt mục tiêu đến năm 2030, 60% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội

Thứ 5, 03.03.2022 | 08:24:59
291 lượt xem

Dự thảo Chiến lược phát triển ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu, phấn đấu đến năm 2030, có 60% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Sản xuất tại nhà máy của Tập đoàn Sunhouse. (Ảnh minh họa: Đăng Duy)

Phát triển lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội

Ngày 2/3, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Từ định hướng đặt ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030 của đất nước, yêu cầu đặt ra từ thực tiễn cho thấy sự cần thiết phải xây dựng Chiến lược phát triển ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (sau đây gọi tắt là Chiến lược).

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, cơ quan này đã chủ động xây dựng Đề án khoa học "Chiến lược phát triển ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Qua đó, tổng kết lý luận, thực tiễn xây dựng Tờ trình, dự thảo Quyết định, dự thảo Chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự thảo Chiến lược mới của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặt ra các mục tiêu quan trọng dưới đây.

Trước hết, phấn đấu đến năm 2030 đạt 60% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 97,1% dân số.

Phấn đấu đạt 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết không phụ thuộc vào địa giới hành chính; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt tối thiểu 95%...

Trong tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Toàn bộ các hoạt động quản lý, điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp đều vận hành trong “Hệ sinh thái số 4.0” (hệ thống công nghệ thông tin có năng lực xử lý tập trung và tích hợp cao, trên nền tảng công nghệ mới), không phụ thuộc vào địa bàn hành chính, có thể truy cập mọi nơi, mọi lúc…

Các giải pháp chủ yếu cũng được xây dựng. Theo đó, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ chủ động, tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Đồng thời, đầu tư các quỹ bảo hiểm theo hướng độc lập, minh bạch, chuyên nghiệp, đa dạng, an toàn, bền vũng và hiệu quả; cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Những nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông cũng cần đổi mới toàn diện; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số…

Cần các giải pháp cụ thể

Chia sẻ về giải pháp phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý Thu-Sổ, thẻ, đề nghị nên bổ sung rõ phần trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan, qua đó bảo đảm tính khả thi, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện trong thực tiễn.

“Bên cạnh đó, các giải pháp về truyền thông cần cụ thể hơn, hướng tới các nhóm đối tượng cụ thể, có tiềm năng, khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu của cơ quan bảo hiểm xã hội đang quản lý. Qua đó đạt mục tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”, ông Hào nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, đề nghị bổ sung thêm nội dung về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại địa phương.

Còn ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất nghiên cứu biện pháp quản lý chặt chẽ hơn về thông tin người hưởng lương hưu tại cơ sở, trong đó, trách nhiệm chủ yếu thuộc về cơ quan bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đẩy mạnh thực hiện v ứng dụng, sử dụng biên lai điện tử để thuận lợi hơn cho người dân.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách. Đây cũng là tiền đề quan trọng để khâu tổ chức thực hiện đạt hiệu quả, nhất là với thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Quá trình xây dựng các mục tiêu cũng phải làm rõ bối cảnh, đánh giá các tác động để bảo đảm tính khả thi; các giải pháp trọng tâm cũng phải xây dựng hết sức cụ thể, định lượng hóa rõ các nhiệm vụ, đi cùng với là xác định nguồn lực kinh phí thực hiện, đầu tư cơ sở hạ tầng, mô hình tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo Chiến lược trước khi trình Thủ tướng phê duyệt. Trong đó, chú trọng kế thừa các quan điểm, định hướng lớn, các mục tiêu phát triển đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quán triệt thực hiện về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổng kết thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm, xây dựng các giải pháp cụ thể có tính khả thi cao, định lượng, định tính, có lộ trình triển khai để khắc phục những hạn chế đang còn tồn tại, tránh nêu chung chung. Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu tổng hợp, cố gắng tiếp thu tất cả các ý kiến, giải trình rõ những nội dung cần xem xét phân tích thêm; các đơn vị trực thuộc, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phát huy tinh thần trách nhiệm, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp để dự thảo Chiến lược được hoàn thiện ở mức tốt nhất.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/bhxh-va-cuoc-song/dat-muc-tieu-den-nam-2030-60-luc-luong-lao-dong-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-687699/

  • Từ khóa