Quan điểm về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thứ 6, 11.03.2022 | 09:11:50
663 lượt xem

Nhằm tiếp tục tìm hiểu, quán triệt và lan tỏa nội dung cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số bài viết của các học giả, nhà khoa học góp phần làm rõ hơn nội dung và ý nghĩa, giá trị của cuốn sách.


Sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành năm 2022 có nhiều nội dung phân tích, đánh giá, chỉ đạo về những vấn đề lý luận, thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây được xem là cẩm nang quý báu cho thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian tới.

1. Bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nhà nước pháp quyền là thành tựu của văn minh nhân loại, phản ánh trình độ phát triển cao về tổ chức, hoạt động nhà nước, về pháp luật và thực hiện pháp luật. Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, thực tế này phù hợp xu thế vận động và phát triển của nhà nước, pháp luật đương đại, đồng thời phù hợp thực tiễn Việt Nam.

Khác với nhà nước pháp quyền tư sản, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang xây dựng mang bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, mà theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là “công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân. Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân đã tạo ra cơ chế vận hành hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để cơ chế này thực sự có hiệu quả đòi hỏi Nhà nước Việt Nam phải phát huy tốt vai trò của các chủ thể trong hệ thống này, đặc biệt vai trò của nhân dân. Cho nên, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải thật sự là nhà nước dân chủ, như Tổng Bí thư đã chỉ rõ, “Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân...; có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội”.

Sự vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tuân thủ nghiêm túc “nguyên tắc pháp quyền”, giải quyết tốt mối quan hệ giữa “Nhà nước, thị trường và xã hội”, từ đó nhà nước tạo lập, dẫn dắt, kiến tạo môi trường (chính trị, pháp lý, xã hội) để các chủ thể kinh tế-xã hội hoạt động thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh, phát huy tối đa năng lực, sức sáng tạo và nguồn lực, lợi thế của mình. Để thực hiện được định hướng này, Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ mục tiêu, đó là: “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động”.

Đây là một trong những mục tiêu quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được Đảng ta chỉ rõ trong Đại hội XIII, điều này thể hiện rõ ý Đảng, lòng dân và yêu cầu “hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045”. Chính vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng “Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa-một nhà nước thực sự kiến tạo khuôn khổ thể chế, pháp luật cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc”.

Như thế, bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, “lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”. Những phân tích của Tổng Bí thư về bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã làm sáng tỏ quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Định hướng xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế; tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Thứ nhất, về hoàn thiện hệ thống thể chế.

Ở nước ta hiện nay, hoàn thiện hệ thống thể chế có tầm quan trọng trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới hệ thống chính trị và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, đồng bộ, định hướng xã hội chủ nghĩa, theo Tổng Bí thư cần phải “Giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước, nhất là về thể chế, chính sách”.

Trên phương diện khoa học pháp lý, thể chế của một quốc gia chính là hệ thống pháp luật, các thủ tục, chính sách, các văn bản quản lý nhà nước tạo ra “sự minh bạch hơn, tin cậy hơn, giảm các rủi ro trong quá trình tương tác với nhau”, điều này có ý nghĩa đặc biệt trong vận hành nền kinh tế, tổ chức, vận hành nhà nước và quản trị quốc gia. Giáo sư Daron Acemoglu (Viện Công nghệ Massachusetts) và giáo sư James A.Robinson (Đại học Harvard), tác giả của cuốn sách “Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói: Tại sao các quốc gia thất bại”, đã cho rằng, nguồn gốc nghèo đói và thịnh vượng xuất phát từ chất lượng thể chế.

Chính vì thế, Tổng Bí thư cho rằng hoàn thiện hệ thống thể chế nhằm “Giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân” sẽ khơi thông những điểm nghẽn nội tại trong cơ chế quản lý và phát triển đất nước, đây thật sự trở thành một trong những đột phá, có ý nghĩa then chốt trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Thực tế trong những năm qua, hệ thống thể chế ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên hệ thống pháp luật còn có những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội mà thực tiễn đòi hỏi. Chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương phép nước có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ; xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước, thêm vào đó tình trạng hệ thống thể chế thiếu tính khả thi, thiếu tính công khai, minh bạch và thiếu tính ổn định vẫn còn xảy ra làm cản trở tiến trình đổi mới và phát triển đất nước.

Do vậy, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế cần thực hiện theo quan điểm của Tổng Bí thư, đó là “đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành nghiêm túc, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững”.

Thứ hai, về hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước.

(1) Đối với cơ quan thực hiện quyền lập pháp: nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp và giám sát tối cao là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Quốc hội hiện nay. Theo Tổng Bí thư, Quốc hội cần “Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật... Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế-xã hội”. Nhiệm vụ này góp phần vào quá trình xây dựng, hoàn thiện đồng bộ, đầy đủ hệ thống thể chế phục vụ tốt cho thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh mới của đất nước. Bên cạnh đó, Quốc hội cần phải “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn... Chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát”.

(2) Đối với cơ quan nhà nước thực hiện quyền hành pháp: nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước thực hiện quyền hành pháp sẽ tận dụng được thời cơ, vượt qua thách thức để thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Vì thế, theo Tổng Bí thư, Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền các cấp cần “xây dựng tổ chức, bộ máy và cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh...

Chú trọng hơn nữa đến việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành”; bên cạnh đó phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa các cấp, kết hợp chặt chẽ với kiểm tra, giám sát giữa các chủ thể trong và ngoài hệ thống nhằm “bảo đảm cả hệ thống tổ chức bộ máy luôn luôn vận hành một cách đồng bộ, thống nhất; tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây”.

(3) Đối với cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền tư pháp: xây dựng nền tư pháp liêm chính, độc lập, dân chủ, hiện đại bảo vệ công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể pháp luật là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của nhà nước pháp quyền, vì thế trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Tổng Bí thư đã yêu cầu ngành nội chính “cần tập trung xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, để qua đó nâng cao chất lượng hoạt động giải quyết các vụ việc, vụ án, bảo đảm quyền tiếp cận công lý của các chủ thể pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước hiệu quả.

Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước hiệu quả không chỉ giúp cho việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước hiệu lực, hiệu quả, an toàn, đồng thời ngăn chặn sự tùy tiện của nhà nước, đẩy lùi hiện tượng “tha hóa” quyền lực nhà nước, bảo vệ chủ quyền nhân dân. Thực tiễn Việt Nam hiện nay, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước chưa hoàn thiện, chưa tạo ra được “cái phanh” an toàn để kiềm chế bánh xe quyền lực nhà nước.

Chính vì thế, để tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước hiệu lực, hiệu quả, rất nhiều lần Tổng Bí thư đã chỉ đạo phải “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” thể chế, theo tinh thần chỉ đạo đó, Tổng Bí thư đã yêu cầu phát huy vai trò tích cực của người dân trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch và “Khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch”.

Những phân tích, tổng kết, đánh giá sắc bén của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lý luận và thực tiễn Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã thể hiện tầm tư duy lý luận sắc sảo, có tính thuyết phục cao, từ đó truyền cảm hứng và lan tỏa rộng rãi đến toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong thực hiện những nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.


PGS, TS TRƯƠNG HỒ HẢI

https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/quan-diem-ve-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-trong-cuon-sach-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-688754/

  • Từ khóa