Chăm sóc sức khỏe tinh thần học sinh

Thứ 2, 14.03.2022 | 00:00:00
963 lượt xem

Sức khỏe học đường là một trong những mối lo ngại của nhiều phụ huynh. Để phòng tránh và hạn chế ảnh hưởng của bệnh học đường tới sức khỏe và công việc học tập của học sinh, nhất là giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, nhiều chương trình chăm lo sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ em được đưa ra.

Phát sinh nhiều bệnh học đường

Vụ việc hai học sinh Trường Trung học phổ thông Lê Thánh Tôn và Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Thọ (TP Hồ Chí Minh) tự tử chưa kịp lắng xuống, thì mới đây tại Trường Trung học cơ sở (THCS) bán trú xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) lại xảy ra việc 3 học sinh lớp 7 ăn lá ngón tự tử. Áp lực nào khiến các em muốn tự kết thúc sinh mạng như vậy?

Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ các em đang tuổi ăn tuổi lớn thì chẳng có gì áp lực, thế nhưng thực tế những vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ lại ảnh hưởng lớn đến tâm lý các em. Nếu không có hướng giải tỏa, không được hỗ trợ để đối diện sẽ dần khiến các bạn trẻ rơi vào trạng thái rối loạn về tâm lý, dẫn đến những cái kết đau thương. Ngày nay, trẻ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần. Việc gia tăng gánh nặng học tập, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, những thay đổi về điều kiện kinh tế, xã hội cũng là nguy cơ phát sinh nhiều bệnh học đường.

Chăm sóc sức khỏe tinh thần học sinh
        Học sinh Trường Trung học phổ thông FPT tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời.

Phó giáo sư (PGS), Tiến sĩ (TS) Trần Thành Nam, Trưởng khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục-Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: “Thực tế trong hai năm trường học đóng cửa, tỷ lệ trẻ bị cận thị, béo phì, tổn thương sức khỏe tâm thần, lo âu, trầm cảm tăng cao. Thậm chí có những em ở lớp nhỏ đến bây giờ còn không biết đọc, biết viết, mất khả năng tập trung, nghiện game, suy giảm khả năng nhận thức...”.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có khoảng 50% trẻ ở độ tuổi vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần; hơn 40% học sinh mắc tật khúc xạ; gần 90% học sinh mắc bệnh răng miệng; 7-15% học sinh mắc bệnh cong vẹo cột sống... Những căn bệnh này ảnh hưởng đến khả năng học tập, hoạt động sinh hoạt, vui chơi và chất lượng sống của học sinh, để lại hậu quả lâu dài. Về giáo dục thể chất và thể thao trường học, năm học 2019-2020 có tới 69% học sinh chưa tham gia hoạt động thể dục, thể thao; 76,5% học sinh không đạt tiêu chuẩn đánh giá xếp loại sức khỏe thể lực theo tuổi.

Đồng hành và giải tỏa áp lực cho học sinh

Lo lắng, căng thẳng hay chỉ đơn giản buồn chán là dấu hiệu chứng tỏ trẻ em đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, những dấu hiệu này đôi khi bị cha mẹ bỏ qua, không lưu tâm. Bởi vậy, các chuyên gia tâm lý đều khuyến cáo cha mẹ hãy dành thời gian cho con, lắng nghe và kết nối với con. Điều quan trọng nhất là bản thân cha mẹ cũng cần kiểm soát cảm xúc, luôn giữ tinh thần tích cực để cùng nhau vượt qua đại dịch.

Hiện nhiều học sinh đang học trực tuyến tại nhà nên ít tham gia các hoạt động thể chất, rất dễ rối loạn tâm lý và cong vẹo cột sống. Bác sĩ Nguyễn Phương Thúy, Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội, khuyến nghị: "Phụ huynh nên để ý đến con hơn, nhắc nhở khi thấy con ngồi sai tư thế. Đặc biệt, nên khuyến khích con tham gia 60 phút hoạt động thể chất mỗi ngày. Những hoạt động này không chỉ giúp tăng cường thể lực, giảm các bệnh cột sống mà còn ít nhiều giải tỏa áp lực cho các em".

Hiểu được ý nghĩa của việc giảm áp lực cho học sinh sau mùa dịch căng thẳng, Trường Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội đã có những đổi mới sáng tạo trong dạy học. Trường đã tổ chức các sự kiện ngoại khóa trực tuyến mang tính kết nối và tương tác cao như tham gia sản xuất dẫn chương trình hoặc ghi âm các sản phẩm âm nhạc tại nhà. Trường cũng thiết kế 18 tiết hoạt động trải nghiệm mỗi tháng thông qua Trung tâm Trải nghiệm sáng tạo STEM. Cô Nguyễn Vân Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội cho biết: “Giúp các con trở lại trường hứng thú và vui vẻ, được trải nghiệm những kiến thức mà các con đã được học trong quá trình học online, trường đã thay đổi hình thức dạy và đánh giá. Với mục tiêu tăng hỗ trợ, giảm áp lực, các hoạt động sẽ thúc đẩy niềm đam mê khám phá của học trò”.

Quan tâm sức khỏe tinh thần học sinh không thể thiếu công tác tư vấn tâm lý học đường. Để mở một phòng tư vấn không khó, tùy điều kiện mỗi nơi, các trường chỉ cần bố trí một phòng, trang bị một số tài liệu, tủ sách, bàn ghế và treo biển “Phòng tư vấn tâm lý”. Tuy nhiên, ai sẽ tư vấn, tư vấn những vấn đề gì, tư vấn ra sao, liệu học sinh có tin tưởng đến các phòng tư vấn học đường để nói ra những vấn đề mà các em gặp phải, giúp giải quyết được tận gốc vấn đề. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, học sinh từ 15 đến 18 tuổi dù sự phát triển về thể chất đã tương đối ổn định nhưng lại chưa đủ trưởng thành về mặt tâm lý. Sự thay đổi từ vị trí phụ thuộc của trẻ con sang vị trí tự quyết của người lớn đặt các em vào tâm trạng nhiều khi không ổn định. Do đó, phòng tham vấn tâm lý học đường phải triển khai khá nhiều việc. Trong điều kiện khó có biên chế, các trường có thể huy động phụ huynh đóng góp, chỉ vài nghìn đồng một tháng là có thể hợp đồng với một chuyên gia tâm lý về cộng tác với trường về lĩnh vực này. Không phải tất cả học sinh qua phòng tâm lý một lần là có thể tốt lên ngay nhưng nếu em nào có vấn đề, giáo viên chủ nhiệm và chuyên gia tâm lý sẽ hỗ trợ, giúp học sinh sớm ổn định về tâm lý, sức khỏe tinh thần.

Chính sự đồng hành của cha mẹ, gia đình và nhà trường sẽ giúp phát hiện sớm những sang chấn về mặt sức khỏe tâm thần của con em mình, từ đó có biện pháp kịp thời để giúp các em có một đời sống tinh thần khỏe mạnh.


ĐẶNG NGUYỄN/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/cham-soc-suc-khoe-tinh-than-hoc-sinh-688684

  • Từ khóa