Triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, tại phiên họp thứ 9 vào sáng mai (16/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức chất vấn 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, tài nguyên và môi trường (TN&MT).
Tại phiên họp thứ 9 diễn ra vào sáng mai (16/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Trên cơ sở các nguồn thông tin và tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp đề xuất chất vấn của đại biểu Quốc hội thông qua văn bản tập hợp kiến nghị của 52 đoàn đại biểu Quốc hội; phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội; ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2; ý kiến về kinh tế-xã hội được đại biểu Quốc hội quan tâm từ kỳ họp thứ 2 đến trước phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề lớn.
Theo đó, nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực công thương gồm các nội dung: Tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua.
Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.
Giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường gồm các nội dung: Việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân; việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này.
Việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp. Vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19; vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Phiên chất vấn sẽ được tổ chức tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối truyền hình trực tuyến với 63 đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo nhóm vấn đề; người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn; mỗi lượt có 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút; người được chất vấn trả lời không quá 3 phút/1 nội dung chất vấn.
Trong quá trình chất vấn, đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận đối với người trả lời chất vấn để làm rõ những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng; thời gian tranh luận không quá 2 phút. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu khai mạc và kết thúc toàn bộ phiên chất vấn.
Phiên chất vấn được phát thanh trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, truyền hình trực tiếp trên Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam, tổng thuật trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ./.
Nguyễn Hoàng/baochinhphu.vn