Bộ Công an đang khẩn trương phối hợp các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai việc thực hiện Ðề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Ðề án 06). Mục tiêu cao nhất của Ðề án 06 chính là để người dân và doanh nghiệp được hưởng những tiện ích từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân gắn chíp, chuyển đổi cách làm thủ tục hành chính từ thủ công sang môi trường điện tử.
Ðại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Chính phủ triển khai Ðề án 06 chủ trì buổi họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án.
Ngày 6/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký, ban hành Quyết định số 06/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án 06. Ðề án đã xác định bảy quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng với năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng nhiệm vụ trong năm 2022 và giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
Kèm theo đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và danh mục 52 nhiệm vụ cụ thể thực hiện với phân công trách nhiệm và các mốc thời gian hoàn thành rất cụ thể để thực hiện Ðề án.
Nỗ lực cao độ để bảo đảm tiến độ đề án
Mục tiêu tổng thể của Ðề án 06 là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ năm nhóm tiện ích gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Giữ vai trò cơ quan Thường trực Ðề án 06, ngay sau khi kết thúc Hội nghị của Chính phủ triển khai đề án (ngày 18/1/2022), dù sát Tết Âm lịch, Bộ Công an vẫn tích cực triển khai hàng loạt nhiệm vụ cấp bách để chuẩn bị nền tảng cho việc thực hiện Ðề án 06. Ðặc biệt, riêng bộ phận Thư ký Tổ công tác Chính phủ triển khai Ðề án 06 là Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) gần như các cán bộ, chiến sĩ không có khái niệm nghỉ Tết.
Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng C06 cho biết, những ngày sát Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, C06 phối hợp các đơn vị giúp lãnh đạo Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ tham mưu với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam chủ trì bốn buổi làm việc (trong đó có ngày họp vào 27 Tết) với cơ quan Thường trực đề án và bộ, ngành, đoàn thể, ngân hàng, nhà mạng… để đôn đốc, chỉ đạo các nhiệm vụ, không để thời gian nghỉ Tết Nguyên đán làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện công việc.
Ðồng thời, C06 tham mưu với Ðại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ triển khai Ðề án 06 giao ban hai buổi/tháng với các bộ, ngành để họp bàn, đánh giá, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Nhờ đó, các công việc dù khó khăn nhưng cũng từng bước vượt qua và thực hiện hiệu quả.
Là một đơn vị trực thuộc C06, hoạt động liên tục trong quá trình thực hiện Ðề án 06, từ trước, trong và ngay sau Tết Nguyên đán, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư liên tục hoàn thành những khối lượng công việc rất lớn. Mới đây nhất, từ ngày 25/2, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư đã thực hiện cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân thông qua nghiệp vụ cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân trên toàn quốc.
Tài khoản định danh điện tử chứa đựng thông tin của công dân. Khi thực hiện các dịch vụ công được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia, hệ thống sẽ tự động điền thông tin vào đúng nơi trong các biểu mẫu đăng ký, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và giảm nhiều khâu thủ tục. Và hơn hết, công dân có thể thay thế căn cước công dân vật lý và nhiều loại giấy tờ mà công dân đã đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế…, cũng như thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, chuyển tiền...
Theo Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (C06, Bộ Công an), ngay trong tháng 3 này, dự kiến sẽ triển khai cấp định danh điện tử cho công dân tại thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh; tới đầu tháng 4, sẽ tiến hành triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc.
Khi hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động sẽ có nhiều tiện ích phục vụ người dân, thông qua việc tích hợp các loại giấy tờ lên tài khoản định danh giúp công dân giảm bớt các giấy tờ tùy thân, chỉ cần sử dụng ứng dụng định danh điện tử quốc gia là có thể bảo đảm các thông tin về giấy tờ để sử dụng thay thế giấy tờ vật lý truyền thống cũng như trên môi trường điện tử.
Những tín hiệu tích cực
Với nỗ lực thực hiện Ðề án 06, sau gần hai tháng triển khai, đến nay các nhiệm vụ cơ bản được thực hiện theo đúng tiến độ đề ra. Và điều đáng mừng là những "trái ngọt" từ việc chuyển đổi số đã hiện hữu trong cuộc sống mà người dân chính là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất.
Trong lĩnh vực giao thông, người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội có thể thực hiện nộp phạt vi phạm giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Công dân chỉ cần cung cấp cho lực lượng chức năng thông tin về căn cước công dân, số điện thoại di động; hệ thống dịch vụ công sẽ tự động gửi mã số quyết định xử phạt để người dân chủ động tra cứu, kiểm tra và chọn hình thức nộp phạt trực tuyến.
Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết, từ ngày 1/3, lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn thành phố triển khai xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông trên hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia ở mức độ 3 và mức độ 4.
Ở cấp độ này, Cảnh sát giao thông sẽ lập và nhập biên bản vi phạm hành chính vào hệ thống phần mềm xử lý vi phạm trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, sau đó hệ thống sẽ tự động ra quyết định xử phạt, gửi số quyết định đến cho người vi phạm qua số điện thoại đăng ký. Từ số (mã) quyết định vi phạm này, người vi phạm có thể vào hệ thống tra cứu thông tin, tiến hành nộp phạt trực tuyến tại nhà mà không cần tốn thời gian đến trụ sở các đơn vị của Cảnh sát giao thông.
Ghi nhận thực tế tại một chốt giao thông, anh Phạm Xuân Trường (trú tại Hà Nội) cho biết, việc nộp phạt trực tuyến tiết kiệm nhiều thời gian đi lại cho người dân. Theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến, Tổ trưởng tổ hành chính xử lý Ðội cảnh sát giao thông số 1, Phòng cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội, trước mắt người dân sau khi nộp phạt trực tuyến vẫn phải đến cơ quan công an nhận lại giấy tờ, tuy nhiên, trong thời gian rất ngắn sắp tới, khi dịch vụ công quốc gia đã kết nối với bưu điện, người dân sẽ không cần đến cơ quan công an lấy giấy tờ nữa mà lực lượng cảnh sát giao thông sẽ chuyển lại giấy tờ qua hệ thống bưu điện đến địa chỉ người dân đăng ký.
Ngày 8/3, tại Bệnh viện đa khoa Ðức Giang (Hà Nội), Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã triển khai tiện ích sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được tích hợp lên thẻ căn cước công dân gắn chíp. Khi người dân đến khám, chữa bệnh tại đây chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân gắn chíp là có thể thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế.
Ðể thực hiện được điều này, Bộ Công an phối hợp Bảo hiểm Xã hội Việt Nam triển khai đồng bộ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp thông tin bảo hiểm y tế lên thẻ căn cước công dân phục vụ người dân và cơ quan y tế xác thực thông tin công dân khi tham gia khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để kết nối và hoàn thiện hệ thống theo định hướng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới khách hàng và người dân với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn.
Theo Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng C06, việc triển khai chuyển đổi số trong thực hiện các thủ tục hành chính đã đạt được những kết quả bước đầu rất khả quan, tỷ lệ người dân được hưởng từ dịch vụ công tăng hơn 50% so với giai đoạn trước khi triển khai Ðề án 06; chất lượng xử lý hồ sơ của cán bộ giải quyết dịch vụ công tăng từ 89% lên 96,52%. Các giải pháp tích hợp các loại giấy tờ vào thẻ căn cước công dân cơ bản hoàn thiện, tạo thuận tiện cho người dân khi tham gia thủ tục hành chính không cần mang quá nhiều giấy tờ như trước đây.
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện Ðề án 06, chắc chắn thời gian tới, người dân và doanh nghiệp sẽ tiếp tục được hưởng thêm nhiều tiện ích từ chuyển đổi số, giúp xã hội tiến tới giai đoạn xã hội số, thông minh, hiện đại, bắt kịp xu thế của thế giới.
Theo nhandan.vn