Hướng tới vị thế trung tâm năng lượng sạch của toàn quốc

Thứ 5, 24.03.2022 | 14:43:06
789 lượt xem

Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, trong đó chú trọng các dự án sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Tỉnh đã có nhiều giải pháp thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời tận dụng các lợi thế, nguồn lực nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương theo hướng bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Ðại Thắng (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra trang trại điện gió B&T tại huyện Quảng Ninh.

Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi ý kiến với đồng chí Vũ Ðại Thắng, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình về chủ đề này.

Phóng viên: Thưa đồng chí, thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị, tỉnh Quảng Bình có chủ trương, chính sách gì và đã đạt được những kết quả nào?

Ðồng chí Vũ Ðại Thắng: Tỉnh Quảng Bình nằm ở khu vực miền trung, có rừng và biển, với bờ biển dài hơn 116 km, là nơi có khí hậu khá đa dạng, mang đậm tính chất nhiệt đới gió mùa, được các chuyên gia về lĩnh vực năng lượng đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo; cộng thêm yếu tố thuận lợi về vị trí địa-kinh tế, hệ thống giao thông đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không, có đường điện truyền tải 500 kV bắc-nam đi qua đã đem lại cho tỉnh lợi thế vượt trội để phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, như: Ðiện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện khí... Với tiềm năng và lợi thế đó, tỉnh Quảng Bình xác định phát triển năng lượng là một trong những ngành kinh tế trọng tâm của tỉnh. Quan điểm này cũng được Bộ Công thương ủng hộ và thống nhất định hướng quy hoạch, phát triển tỉnh Quảng Bình trở thành trung tâm năng lượng lớn của cả nước, trong đó chú trọng phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng sạch.

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 36-CTr/TU ngày 13/10/2020; trong đó đề ra mục tiêu cụ thể: "Cân đối cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trên địa bàn tỉnh và đóng góp cho nhu cầu phát triển năng lượng quốc gia, góp phần đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030. Phát triển đa dạng các loại hình năng lượng; ưu tiên phát triển điện khí, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch".

Phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh cũng được Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025 khẳng định là một trong những ngành chủ lực, mũi nhọn trên cơ sở khai thác, phát huy tốt các lợi thế so sánh; cùng với các ngành du lịch, thủy sản, chế biến gỗ… góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa nhiệm vụ này bằng Chương trình hành động số 02-CTr/TU ngày 9/12/2020 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, với định hướng phát triển tối đa nguồn điện từ năng lượng tái tạo, phát triển điện khí nhằm hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu triển khai các dự án năng lượng tái tạo, điện khí theo hướng phát triển đồng bộ, hợp lý, đa dạng hóa các loại hình năng lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Với quyết tâm chính trị đó, đến nay, Quảng Bình đã đạt được một số kết quả bước đầu, như: Thu hút đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Cụm trang trại điện gió B&T, công suất 252 MW; Nhà máy điện mặt trời Dohwa, công suất 49,5 MWp; triển khai xây dựng Trung tâm điện lực Quảng Trạch, công suất 2.400 MW; hoàn thành 472 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 45 MWp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục xúc tiến đầu tư và kiến nghị Bộ Công thương tính toán để xem xét đưa sản lượng hơn 6.000 MW điện gió, hơn 1.200 MW điện mặt trời, 3.000 MW điện khí, các dự án điện sinh khối, điện rác và nhiều nguồn năng lượng tái tạo khác vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, có xét đến năm 2045.

Phóng viên: Cùng với sự nhập cuộc của các nhà đầu tư tham gia phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, Quảng Bình đã tạo được nhiều cơ hội việc làm và thu hút vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tỉnh đã tận dụng lợi thế này như thế nào? Trong thời gian tới, tỉnh đề ra nhiệm vụ, giải pháp gì để gắn phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo đảm an sinh?

Ðồng chí Vũ Ðại Thắng: Xuất phát từ quyết tâm đưa Quảng Bình trở thành điểm đến "An toàn, khác biệt và hiệu quả" đối với các nhà đầu tư, tỉnh chủ trương tập trung cao vào công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2021, lãnh đạo tỉnh cam kết 10 nội dung nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, đã tạo động lực thúc đẩy các nhà đầu tư hào hứng nhập cuộc trên nhiều lĩnh vực, trong đó có năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Kết quả này góp phần nâng cao uy tín của tỉnh, đồng thời tạo cái nhìn thiện cảm của các nhà đầu tư trong nước và thế giới đối với môi trường đầu tư của Quảng Bình.

Sự hình thành các dự án năng lượng tái tạo lớn đã góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Nhất là, việc đi vào vận hành các nhà máy điện công nghệ cao đã thu hút nhiều lao động là con em Quảng Bình có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, cống hiến cho quê hương. Ðây cũng là điều kiện tốt để phát triển nguồn nhân lực trình độ cao theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 17. Mặt khác, cơ sở hạ tầng của các dự án năng lượng tái tạo được xây dựng mới đồng bộ, hiện đại tạo nên điểm nhấn và là một trong những cơ sở hình thành chuỗi giá trị trong các ngành du lịch, dịch vụ, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ,… tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Song hành với cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh luôn coi công tác bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ xuyên suốt. Triển khai các dự án kinh tế phải đi cùng với bảo vệ môi trường, bảo vệ lợi ích của nhân dân. Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo chính là thể hiện chủ trương đó. Tuy nhiên, để hoàn thành tốt mục tiêu phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tỉnh cần tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, sớm hoàn thành Quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó chú trọng kết hợp giữa quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo với quy hoạch các ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp phụ trợ. Công tác quy hoạch đóng vai trò rất quan trọng, do đó cần phải đi đầu, đi trước một bước, thực hiện mọi việc đều phải tuân thủ quy hoạch. Quy hoạch tốt sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển đồng bộ, hài hòa của tỉnh.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển các nguồn cung năng lượng tái tạo theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững, phù hợp lợi thế đặc thù của địa phương. Khuyến khích đầu tư các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích đầu tư các dự án công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng và hiệu quả về kinh tế-xã hội; không cấp phép đầu tư đối với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn nhiều năng lượng, ảnh hưởng đến sinh kế của nhân dân. Thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển du lịch, tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống. Nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp môi trường, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, nông nghiệp sạch gắn với ngành năng lượng. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh.

Thứ ba, phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng bền vững; chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng kết nối khu vực. Khuyến khích liên kết giữa lực lượng nghiên cứu và phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực năng lượng thông qua các chương trình khoa học và công nghệ; lồng ghép hoạt động nghiên cứu và phát triển xã hội học trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng.

Thứ tư, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển năng lượng tái tạo, tạo sự đồng tình, thống nhất cao; thực hiện tốt vai trò định hướng, xây dựng chính sách gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ thực hiện. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các đối tượng chịu tác động của chính sách vào quá trình xây dựng và giám sát thực hiện chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển năng lượng của tỉnh.

Thứ năm, tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư quan tâm công tác giải quyết việc làm cho người dân vùng dự án, hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, đóng góp vào quỹ phúc lợi xã hội tại địa phương, bảo đảm an toàn trong thực hiện dự án và công tác bảo vệ môi trường,… Ðưa các tiêu chí về thực hiện chính sách an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm vào điều kiện lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/chinhtri/huong-toi-vi-the-trung-tam-nang-luong-sach-cua-toan-quoc-690380/

  • Từ khóa