Hối hận vì học ngành "lấp chỗ trống" mà không chịu học nghề

Thứ 6, 25.03.2022 | 09:18:27
750 lượt xem

Trên diễn đàn giới trẻ lại xôn xao trước chia sẻ muốn bỏ học của bạn Y.N, sinh viên năm nhất của một trường đại học tại Hà Nội.

Đừng cố học đại học bằng mọi giá

Theo N., em thi điểm kém nên trượt hết cả nguyện vọng 1 và 2, chỉ đỗ nguyện vọng cuối cùng. Trong khi đó, N. chỉ đăng ký nguyện vọng 3 cho có, lấp vào chỗ trống mà chưa từng nghĩ sẽ học trường đó, ngành học đó.

Nhưng khi không đậu nguyện vọng 1 và 2, N. quyết định học theo nguyện vọng 3 mà không đi học trung cấp hay cao đẳng cùng ngành mình yêu thích vì sợ bạn bè chê học nghề là dốt, lo cha mẹ thất vọng.

Đến nay, sau gần 1 năm học ngành mình chọn đại, N. mới cảm thấy hối hận vì không phù hợp nên em không thích học, kết quả học tập không khả quan nên em thấy việc học rất nặng nề, áp lực. Nhưng bỏ học vào lúc này thì N. không dám vì sợ cha mẹ trách đã lãng phí mấy chục triệu đồng tiền học phí cho 2 học kỳ đã qua.

N. hoang mang: "Em hiện tại đang rất mông lung, không biết nên bỏ hay cố đấm ăn xôi mà học tiếp?".

Hối hận vì học ngành lấp chỗ trống mà không chịu học nghề - 1

Học và làm đúng nghề mình yêu thích, phù hợp năng lực bản thân thì dễ thành công hơn là cố lấy bằng cấp cao (Ảnh minh họa: Hutech).

Theo các chuyên gia hướng nghiệp, tình trạng sinh viên bỏ học giữa chừng do chọn sai ngành, không phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân thường xuyên xảy ra.

Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng thường trực Trường Cao đẳng Nova, nhận định: "Hiện công tác hướng nghiệp tốt hơn trước rất nhiều nhưng vẫn còn một bộ phận học sinh chưa được định hướng nghề nghiệp rõ ràng".

Ông cho rằng, việc chọn học không đúng ngành nghề khiến các em không chuyên tâm học, không theo nổi chương trình nên tỷ lệ sinh viên bỏ học giữa chừng tại các trường cao đẳng, đại học rất cao. Thậm chí có em học xong, ra trường làm việc không phù hợp nên nghỉ, đi học ngành khác. Đó là sự lãng phí thời gian và tài sản cho gia đình và cả xã hội.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, cũng đồng tình: "Mỗi người có suy nghĩ, đam mê, sở thích, kỳ vọng vào tương lai khác nhau và những khả năng, biệt tài riêng mang "cá tính". Do đó, chọn được ngành nghề phù hợp với riêng bản thân mình là rất quan trọng".

Học đúng nghề để vào đời tốt hơn

Ông Trần Anh Tuấn đánh giá việc nhiều bạn trẻ có tư tưởng cố học đại học bằng mọi giá, chê học nghề là rất sai lầm. Bởi không có ngành nào hay, ngành nào dở; hay bằng đại học là tốt, bằng nghề là dở, quan trọng là phù hợp với bản thân.

Theo ông Tuấn, hiện thị trường lao động và các doanh nghiệp đang quan tâm tới tay nghề, kỹ năng, trình độ thực tế và thái độ làm việc chứ không chỉ quan tâm tới bằng cấp như trước đây.

Tiến sĩ Trần Mạnh Thành nhấn mạnh việc chọn đúng nghề để học sẽ tạo bước đà cho các em sinh viên vào đời tốt hơn. Do đó, công tác hướng nghiệp được các hệ thống giáo dục nghề nghiệp cực kỳ xem trọng.

"Tại trường tôi, sinh viên năm nhất sẽ được học môn tổng quan về ngành mà các em đăng ký. Giảng viên chia sẻ về nội dung học, khi học ngành này ra trường các em sẽ làm nghề gì, những vị trí việc làm nào, thu nhập ra sao, điều kiện làm việc thế nào, tố chất con người, năng lực thế nào phù hợp với nghề… Từ đó, các em xác định lại xem mình có phù hợp hay không", thầy Thành nói.

Ngay sau khóa học tổng quan ngành, sinh viên sẽ tham gia khóa thực tập nhận thức ngành. Các em được đưa đến các doanh nghiệp tham quan hoạt động nghề thực tế tại đây; nghe những người làm nghề, quản lý ngành này chia sẻ về công việc khó khăn thế nào, thu nhập chính và phụ ra sao, cơ hội thăng tiến và tăng cao thu nhập bằng cách nào, những áp lực mình phải chịu khi làm nghề…

Theo Tiến sĩ Mạnh Thành, những môn hướng nghiệp này sẽ giúp sinh viên hiểu hơn về ngành nghề mình đã chọn, xem xét có phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân hay không để có quyết định học tiếp hay thay đổi ngành.

Khi trường triển khai thực tập nhận thức nghề cho thấy có nhiều sinh viên đã lựa chọn lại ngành học sau các khóa học này. Thầy Thành kể, có trường hợp sinh viên ngành công nghệ thực phẩm đi thực tập nhận thức tại cơ sở chế biến thực phẩm mới biết em bị dị ứng mùi hương, không thể làm việc trong môi trường này. Em đã kịp phát hiện và chuyển ngành.

Tiến sĩ Mạnh Thành chia sẻ: "Với các em chuyển ngành, trường sẽ căn cứ vào các môn mà em đã học để tư vấn những ngành nghề liên quan cho các em chọn. Mình đào tạo theo quy chế tín chỉ nên trường có thể chuyển kết quả những môn mà các em đã học sang ngành mới, không phải học lại để tránh lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức của các em".


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/hoi-han-vi-hoc-nganh-lap-cho-trong-ma-khong-chiu-hoc-nghe-20220324182050566.htm

  • Từ khóa