Sửa đổi chính sách bảo hiểm y tế phải bám sát thực tiễn

Thứ 2, 28.03.2022 | 08:32:17
480 lượt xem

Sau sáu năm triển khai, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 đã bộc lộ một số những bất cập, không còn phù hợp thực tiễn...


Bảo hiểm xã hội Việt Nam lấy ý kiến các đơn vị nghiệp vụ về sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế. (Ảnh THANH HẰNG)

Ngày 1/1/2015, Luật Bảo hiểm y tế chính thức có hiệu lực, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và có những thay đổi quan trọng đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại nước ta. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan cũng nhận thấy nhiều hạn chế, bất cập mà Luật Bảo hiểm y tế cần phải sửa đổi.

Sửa đổi phải bám sát thực tiễn

Tại cuộc họp lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) với các đơn vị trong Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Văn Phúc cho biết, tháng 7/2021, Bộ Y tế có Tờ trình số 983/TTr-BYT gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), trong đó tập trung năm chính sách chính cần sửa đổi cùng các mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện. Trong quá trình tham gia góp ý cho dự thảo, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã chỉ ra một số điểm cần bổ sung, các điểm chưa phù hợp thực tiễn mà Dự thảo Luật đề cập.

Theo đó, về chính sách mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, cần rà soát tất cả các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đang được quy định tại các văn bản hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan để không bỏ sót như: Nhóm đối tượng là người tham gia kháng chiến, nghệ nhân, nghèo đa chiều, dân quân tự vệ thường trực... Đồng thời, đề nghị cân nhắc việc đưa các đối tượng chưa đủ giấy tờ tùy thân hay chứng minh về nhân thân vào quy định là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế trong Luật, bởi tất cả các đối tượng đều phải được xác nhận về nhân thân theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Về chính sách mở rộng phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho rằng, cần đánh giá tác động của việc mở rộng phạm vi quyền lợi đồng thời với các chính sách khác, như: Lộ trình điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, bệnh Covid-19 được chuyển sang nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm B, khả năng điều chỉnh tăng mức đóng bảo hiểm y tế trong thời gian tới để bảo đảm được nguyên tắc phạm vi quyền lợi phù hợp khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế... Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị cân nhắc về đề xuất quy định gói bảo hiểm y tế bổ sung theo nguyên tắc phi lợi nhuận do tổ chức bảo hiểm y tế cung cấp. Bởi, khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ ra, điều đó sẽ không bảo đảm công bằng trong tài chính y tế đối với người dân tham gia bảo hiểm y tế. Do đó, chỉ quy định các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại tham gia cung cấp các gói bảo hiểm y tế bổ sung.

Về chính sách đa dạng loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị bổ sung quy định giao Bộ Y tế ban hành các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của các cơ sở cung ứng dịch vụ y tế được tham gia vào hệ thống cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Về chính sách nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành bảo hiểm y tế, ý kiến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị làm rõ nội hàm của giám định bảo hiểm y tế. Hiện nay, hoạt động này của Bảo hiểm xã hội Việt Nam bản chất là thực hiện kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế. Và, quy trình giám định bảo hiểm y tế mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang thực hiện là các quy trình kiểm tra, đối chiếu hồ sơ đề nghị thanh toán với chỉ định trên hồ sơ bệnh án, để xác định sự phù hợp các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về khám, chữa bệnh và các văn bản khác có liên quan (đấu thầu mua sắm, quy định về giá...). Vì vậy, “hoạt động giám định thực chất là hoạt động kiểm soát chi phí của cơ quan chi trả - cơ quan Bảo hiểm xã hội”.

Phải bảo đảm sự bền vững của chính sách

Tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, việc phân tích rõ hơn mục tiêu tổng quát của việc xây dựng văn bản luật này là để thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân bền vững. Vì vậy, các góp ý cho Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) từ các đơn vị nghiệp vụ cần bảo đảm tính khả thi, thống nhất và đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội.

Tham gia góp ý kiến, các đơn vị nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng chỉ ra những vấn đề cần làm rõ hơn trong Dự thảo Luật như: Thống nhất quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; đánh giá tác động đến Quỹ Bảo hiểm y tế, cũng như việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế khi mở rộng đối tượng; các quy định giám sát, cơ chế tài chính bảo đảm quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế hiệu quả, phù hợp thực tiễn...

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế tiếp thu các ý kiến đóng góp, thống nhất quan điểm chung của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tích cực phối hợp Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đúng tiến độ, đạt hiệu quả. Các kiến nghị phải bảo đảm căn cứ từ thực tế, dự báo các tác động của chính sách với mục tiêu lớn nhất là hướng về người dân, bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người dân.


Nguyên Khang/nhandan.vn

https://nhandan.vn/bhxh-va-cuoc-song/sua-doi-chinh-sach-bao-hiem-y-te-phai-bam-sat-thuc-tien-690923/

  • Từ khóa