Ngành dệt may: Đơn hàng tấp nập, doanh nghiệp vẫn nhiều lo lắng

Thứ 3, 29.03.2022 | 08:54:37
493 lượt xem

Với kịch bản tích cực nhất mà ngành dệt may đề ra khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam sẽ cán mốc 42-43,5 tỷ USD. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý III/2022 nhưng chưa thể dự đoán được thị trường sẽ ra sao sau đó, vì phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch bệnh.


Ngành dệt may: Đơn hàng tấp nập, doanh nghiệp vẫn nhiều lo lắng - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý III/2022. Ảnh minh họa

Nhiều tín hiệu khởi sắc từ thị trường dệt may thế giới

Theo phân tích mới đây từ Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), năm 2021, ngành dệt may đã về đích với 39 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 11,2% so với năm trước. Tuy nhiên, xét về thị phần, dệt may Việt Nam không có sự cải thiện.

Trong số các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam năm 2021, ngoài thị trường Hoa Kỳ có sự phục hồi bằng năm 2019 với khoảng 100 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc, các thị trường lớn còn lại của dệt may Việt Nam khả năng phục hồi thấp, thậm chí thấp hơn năm 2020. Điều này tiếp tục là thách thức cho ngành trong năm 2022.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ nội tại như: Chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây; bất lợi về tỷ giá khiến dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ; mất cân đối lao động, doanh nghiệp khu vực phía nam vẫn thiếu lao động, trong khi khu vực này chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.

Dù thị trường dệt may đang khởi sắc, nhưng nhiều đối thủ của dệt may Việt Nam như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ… cũng tăng tốc và có nhiều nỗ lực để bù đắp những thiếu hụt về kim ngạch trong năm 2021.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), với kịch bản tích cực nhất, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam sẽ đạt khoảng 42-43,5 tỷ USD.

Cơ sở để đưa ra mục tiêu này, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2022, dự báo tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường. 

Song, tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU... đã mở cửa trở lại, đặc biệt là Việt Nam đã có chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 128/NQ-CP.

Thêm vào đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị trường.

Ông Trương Văn Cẩm cho rằng, điểm sống còn với doanh nghiệp dệt may là phải có đơn hàng, đủ lực lượng lao động và kiểm soát được dịch COVID-19. Các doanh nghiệp muốn lao động gắn bó phải chăm lo đời sống, bảo đảm việc làm cùng các chế độ phúc lợi.

"Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý III/2022 nhưng chưa thể dự đoán được thị trường sẽ ra sao sau đó vì phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch bệnh.

Hơn nữa, cái khó của ngành dệt may là nguyên phụ liệu đầu vào, đặc biệt là vải, dệt nhuộm. Tại một số địa phương vẫn cảm thấy ngành dệt nhuộm gây ô nhiễm nên không mặn mà với các dự án phát triển lĩnh vực này. Ngành dệt may đang phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường... để đáp ứng phần nào về nguồn nguyên liệu cho ngành", ông Trương Văn Cẩm chia sẻ.

Ngành dệt may: Đơn hàng tấp nập, doanh nghiệp vẫn nhiều lo lắng - Ảnh 3.

Việt Nam là lựa chọn ưu tiên khi khách hàng lớn, đơn hàng lớn trên thế giới quay trở lại đặt hàng dệt may. Ảnh: MOIT

Thách thức còn nhiều

Là doanh nghiệp "anh cả" trong lĩnh vực dệt may Việt Nam, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, con số dự báo ngành dệt may Việt Nam nói chung có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm 2022 hoàn toàn có cơ sở.

Bởi lẽ, thế giới dự báo tổng cầu dệt may năm 2022 tăng khoảng 3%. Cùng với đó, sau thời gian dịch bệnh vừa qua, việc giữ được sự liên tục vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu là một lợi thế. Việt Nam là điểm đến ưu tiên khi khách hàng lớn, đơn hàng lớn trên thế giới quay trở lại đặt hàng.

"Tháng 1 vừa qua, một tổ chức quốc tế đánh giá 27 quốc gia sản xuất dệt may với mức độ hấp dẫn khi đặt hàng năm 2022, Việt Nam đứng đầu, đạt 59/75 điểm, quốc gia thứ 2 là Thổ Nhĩ Kỳ đạt 54 điểm, Trung Quốc đạt 54 điểm.

Đây là 2 tiền đề khách quan do nội lực của ngành dệt may Việt Nam, sức hấp dẫn và sự cạnh tranh của ngành, đạt mục tiêu tăng trưởng gần như gấp đôi so với tổng cầu thế giới, cải thiện thị phần của dệt may Việt Nam trên trường quốc tế", ông Lê Tiến Trường cho biết.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT Vinatex cũng cho rằng "thách thức còn nhiều". Vì, ngay trong những tháng đầu năm đã diễn ra rất nhiều tín hiệu khác nhau của thị trường từ giá dầu lên, khủng hoảng chính trị Nga- Ukraine, Ngân hàng trung ương châu Âu, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất… những sức ép này sẽ làm thay đổi tổng cầu thế giới diễn ra rất nhanh.

"Có rất nhiều yếu tố có thể làm thay đổi hoạch định, theo dự báo giá dầu trên thế giới có nhóm nói lên tới 140-150 USD/thùng thì kinh tế thế giới sẽ không có tăng trưởng- đây là kịch bản xấu với các ngành sản xuất xuất khẩu phụ thuộc tổng cầu thế giới. Cũng có nhóm dự báo giá dầu ở mức 82-85 USD/thùng, thì có thể tăng trưởng 4,1% so với 5,7% của năm trước. Mục tiêu Việt Nam đạt hơn 43 tỷ USD xuất khẩu dệt may là tương đối khả thi ở kịch bản này", ông Trường phân tích.

Ngược lại, ở kịch bản xấu, đại diện Vinatex cho rằng, một trong những khâu tiết giảm chi tiêu đầu tiên là hàng hóa thời trang.

Bài học năm 2020, khi thế giới bùng phát dịch COVID-19 và đóng cửa toàn cầu thì ngành dệt may thời trang giảm rất lớn. Mặc dù Việt Nam giảm không nhiều, khoảng 8-9% nhưng nhiều quốc gia đã có mức giảm sâu, như: Ấn Độ, Bangladesh giảm khoảng 20%, tổng cầu thế giới cũng giảm mạnh.

"Đây là những bất định chúng tôi vẫn đang theo dõi sát và tìm giải pháp xử lý phù hợp. Mặc dù hiện nay đơn hàng ký đến tháng 6, nhiều đơn hàng hết cả năm những chưa thể khẳng định kết quả năm nay sẽ hoàn thành tốt với mục tiêu đặt ra, bởi rủi ro và biến động thị trường đang diễn ra rất nhanh và phức tạp", Chủ tịch Vinatex chia sẻ.

Nói về việc tiếp cận với những chính sách lớn của Chính phủ về giảm thuế và cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường cho biết: Quốc hội có Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Có thể nói, đây là Nghị quyết quan trọng về gói hỗ trợ cho ngành đông lao động như dệt may: Hỗ trợ tiền nhà 3 tháng, tiền quay trở lại thị trường lao động với công nhân, hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp… tạo hành lang tốt, không khí tốt cho doanh nghiệp sản xuất.

"Chúng tôi đang chờ cách thức triển khai để doanh nghiệp có thể tiếp cận. Bởi mỗi doanh nghiệp có đặc thù riêng, như doanh nghiệp dệt may hiện nay số dự án đầu tư mới không nhiều do dịch bệnh trong 2 năm qua, như vậy hỗ trợ cho đầu tư, doanh nghiệp dệt may sẽ ít được tiếp cận. Còn hỗ trợ cho vay vốn lưu động, hỗ trợ trả lương, lãi suất khoản vay ngắn hạn… thì doanh nghiệp dệt may sẽ tiếp cận tốt hơn, mang lại lợi ích khá hơn cho doanh nghiệp", ông Lê Tiến Trường cho hay.

Chia sẻ thêm, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho rằng: Doanh nghiệp mong đợi nhất là một môi trường vĩ mô ổn định để có thể sớm đánh giá những dự báo đưa vào kế hoạch và giải pháp trong sản xuất kinh doanh. Chúng tôi mong đợi chính sách vĩ mô ổn định, đặc biệt là lãi suất chính thức của hệ thống ngân hàng, để doanh nghiệp cũng được tiếp cận bình đẳng với các quốc gia cạnh tranh khác. Nhiều quốc gia vốn vay chỉ 3-4%, còn chúng ta là 8-10%, thậm chí hơn 10% cho doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới đang làm cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp yếu đi.

"Chúng tôi tiếp cận theo hướng làm sao để trong sân chơi cạnh tranh toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam không bị bất lợi hơn các doanh nghiệp khác do mặt bằng giá và chính sách nội địa. Giải quyết vấn đề này, chắc chắn phát huy được sức mạnh nội lực và quyết tâm của doanh nghiệp, sự sáng tạo của người Việt Nam để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế", ông Trường nói.


Phan Trang/baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/nganh-det-may-don-hang-tap-nap-doanh-nghiep-van-nhieu-lo-lang-102220328173842524.htm

  • Từ khóa