Cần có chính sách ưu đãi cụ thể để phát triển công nghiệp điện ảnh

Thứ 3, 29.03.2022 | 00:00:00
707 lượt xem

Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng 29-3, một số ý kiến đề nghị như vậy. Hội nghị được tiến hành dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Các chính sách ưu đãi của Nhà nước với điện ảnh theo dự thảo luật

Theo Báo cáo một số vấn đề về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, kết quả tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai cho thấy, một số ý kiến đề nghị quy định chính sách đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh cần có chính sách đột phá hơn để phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Một số ý kiến đề nghị bổ sung một số chính sách cụ thể.

Cần có chính sách ưu đãi cụ thể để phát triển công nghiệp điện ảnh
 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: DUY LINH

Có một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc Nhà nước đầu tư, hỗ trợ xây dựng trường quay hiện đại gắn với du lịch, giải trí. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, việc xây dựng trường quay hiện đại cung cấp dịch vụ sản xuất phim rất quan trọng, cần kinh phí lớn, tuy nhiên, trong tình hình hiện nay rất khó thu hút, huy động nguồn lực xã hội.

Để bảo đảm khai thác tối đa hiệu quả đầu tư các trường quay, cần có cơ chế gắn kết trường quay với các hoạt động du lịch, giải trí. Do vậy, quy định như dự thảo luật cho phép Nhà nước có thể đầu tư, hoặc hỗ trợ xây dựng trường quay.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, khoản 2 và khoản 3 Điều 5 dự thảo luật có nội dung như sau: Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động: Sản xuất phim thực hiện theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị của Nhà nước về đề tài lịch sử, cách mạng, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam; phát hành, phổ biến phim, cung cấp kinh phí tổ chức, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật chiếu phim phục vụ vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn; phục vụ trẻ em, lực lượng vũ trang và phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại, giáo dục khác.

Nhà nước cũng đầu tư, hỗ trợ cho việc tổ chức Liên hoan phim Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề tại Việt Nam; giải thưởng và cuộc thi phim cấp quốc gia, quốc tế; liên hoan phim, chương trình phim, tuần phim Việt Nam tại nước ngoài. Nhận chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kịch bản phim, phim có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao để tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu, lưu trữ và phục vụ nhiệm vụ chính trị; biên tập, dịch, làm phụ đề phim để phục vụ hoạt động giới thiệu đất nước, con người Việt Nam.

Cùng với đó, Nhà nước đầu tư, hỗ trợ phát triển hoạt động lý luận, phê bình điện ảnh; tuyên truyền, giới thiệu, định hướng thẩm mỹ điện ảnh; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong hoạt động điện ảnh; xây dựng và quảng bá thương hiệu điện ảnh quốc gia; xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ sản xuất, phát hành, phổ biến, lưu chiểu và lưu trữ phim của cơ quan nhà nước; xây dựng trường quay hiện đại cung cấp dịch vụ sản xuất phim gắn với hoạt động du lịch, giải trí.

Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật.

Cần có chính sách ưu đãi cụ thể để phát triển công nghiệp điện ảnh
 Đại biểu Đồng Ngọc Ba phát biểu. Ảnh: DUY LINH

Chính sách hỗ trợ còn chung chung

Cho ý kiến về nội dung này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba đánh giá, nếu coi điện ảnh là một ngành kinh tế thì các nội dung đưa ra tại dự thảo luật vẫn còn mờ nhạt, quy định còn chung chung. Nếu không cụ thể hóa hơn thì sau này khi thực thi luật sẽ rất khó. Dự thảo luật cũng chưa có đổi mới mạnh mẽ về mục tiêu phát triển công nghiệp điện ảnh. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ rất quan trọng, như về tín dụng, đất đai, đặc biệt là thuế. Đại biểu đề nghị cần có rà soát kỹ để cụ thể hóa hơn thì tốt, không thì phải tính có giải pháp sau khi ban hành luật thì triển khai như thế nào.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà nêu quan điểm, hỗ trợ từ Nhà nước không chỉ liên quan tới ngân sách, mà cần có cơ chế, chính sách (trong đó có cả việc đơn giản hóa thủ tục hành chính) để thu hút được các thành phần kinh tế tham gia vào công nghiệp điện ảnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị cân nhắc thêm các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vì trong Luật Điện ảnh năm 2006 cũng đã có quy định nội dung hỗ trợ này. Nước ta cũng đã có Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa. Rất nhiều dự án liên quan đến ngành điện ảnh đã được đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, những công trình, dự án sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho hoạt động điện ảnh cơ bản là sử dụng không hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà dẫn báo cáo tổng kết 14 năm thi hành Luật Điện ảnh của Chính phủ nêu rõ, trong thời gian qua, phần lớn nguồn đầu tư phát triển hạ tầng, trang thiết bị điện ảnh là từ doanh nghiệp điện ảnh và từ các tập đoàn đầu tư nước ngoài. Đến cuối năm 2020, tổng số phòng chiếu thuộc thành phần kinh tế nhà nước chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại trên 80% là của các thành phần kinh tế khác, chủ yếu là của các nhà đầu tư nước ngoài.

Đầu tư nâng cấp các rạp chiếu phim, trường quay từ ngân sách Nhà nước, công năng sử dụng đều không đạt yêu cầu đề ra, chủ yếu nguồn thu của các cơ sở này là từ các dịch vụ khác.

Trong thực tế, muốn đầu tư vào trường quay yêu cầu phải có nguồn lực rất lớn. Phải có nền điện ảnh chuyên nghiệp, có nguồn tài chính lớn thì mới có thể khai thác, sử dụng các trường quay này. Vừa qua, Nhà nước đã đầu tư cho Hãng phim Giải phóng một trường quay rất lớn nhưng cơ bản cũng không có các nhà sản xuất thuê sản xuất phim, nhiều trang thiết bị chưa được sử dụng.

Trường quay Cổ Loa thiết kế đạt tiêu chuẩn quốc tế, cũng nằm trong quy hoạch xây dựng, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Tại các dự án trường quay, báo chí cũng đã đề cập tới tình trạng quản lý, sử dụng, khai thác đất đai không đúng mục đich.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị xem xét, đánh giá khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Cần có chính sách ưu đãi cụ thể để phát triển công nghiệp điện ảnh
 Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu. Ảnh: DUY LINH

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu xu thế chung trên thế giới. Theo đó, chính sách tài khóa là quan trọng nhất. Các quốc gia ưu tiên phát triển điện ảnh bằng công cụ thuế, bao gồm giảm thuế, miễn thuế, hỗ trợ thuế từ 18-25%, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, New Zealand… Khi tiếp xúc, trao đổi với một số nhà làm phim quốc tế, họ cũng bày tỏ mong muốn có chính sách này.

Về trường quay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, Việt Nam hiện chưa được đầu tư trường quay. Có một số trường quay được đầu tư nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội nhưng đó chưa phải là trường quay quốc gia. Trường quay là đầu tư công giữ vai trò dẫn dắt. Đó là trường quay hiện đại với không gian phù hợp, như một số quốc gia khác, gần đây nhất là Trung Quốc, thì sẽ tạo điều kiện cho điện ảnh và cho tất cả các đoàn làm phim khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, chính sách phát triển điện ảnh là nội dung được kỳ vọng nhiều, cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu nhiều, nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau.

Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh lý giải, chính sách thuế đã được thiết kế một số chính sách cụ thể. Tuy nhiên, qua thảo luận với các cơ quan, như Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài chính, Bộ kế hoạch và Đầu tư đề nghị quy định các nội dung này trong các luật chuyên ngành. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ đề nghị Chính phủ bổ sung các chính sách này khi sửa đổi các luật thuế.


CHIẾN THẮNG/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/can-co-chinh-sach-uu-dai-cu-the-de-phat-trien-cong-nghiep-dien-anh-690100

  • Từ khóa