Kinh tế dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng

Thứ 4, 30.03.2022 | 15:20:52
508 lượt xem

Dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn trong quý II/2022 nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác điều hành, đặc biệt là áp lực lạm phát.

Linh kiện điện tử là mặt hàng có sự tăng trưởng trong quý I. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài (Hà Nội). (Ảnh MINH HÀ)

Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế-xã hội quý I/2022 diễn ra ngày 29/3, Tổng cục Thống kê đã đánh giá, phân tích các số liệu về những điểm sáng, những mặt hạn chế của bức tranh kinh tế-xã hội ba tháng đầu năm và nhận diện những rủi ro, thách thức nền kinh tế đang phải đối mặt.

Sản xuất phục hồi ấn tượng

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, quý I/2022 tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,03% so cùng kỳ. Mức tăng tuy vẫn thấp hơn so với trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 (GDP quý I/2019 tăng 6,85%) nhưng đều cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020 và năm 2021 (GDP quý I/2020 tăng 3,66%, quý I/2021 tăng 4,72%).

Điểm tích cực là cùng với động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đến từ công nghiệp chế biến, chế tạo, hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế đều có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Giá trị tăng thêm toàn ngành sản xuất tăng 7,07% so cùng kỳ, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,79% nhờ sự tăng trưởng ấn tượng của các sản phẩm linh kiện điện tử, ô-tô, thép… Ngành khai khoáng cũng tăng trưởng dương trở lại sau thời gian dài tăng trưởng âm. Tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 36,7% so cùng kỳ, đưa tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%. Để hỗ trợ cho sản xuất trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Trong tháng 3/2022, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa hồi phục mạnh mẽ, đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2022 đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 809 triệu USD.

Điểm đáng lưu ý của bức tranh kinh tế quý I là sự khởi sắc rõ nét của khu vực thương mại, dịch vụ sau hai năm suy giảm vì đại dịch Covid-19. Hoạt động thương mại và dịch vụ sôi động trở lại, số lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh do chính sách mở cửa du lịch và các hãng hàng không nối lại nhiều đường bay quốc tế. Hoạt động vận tải hàng hóa ghi nhận mức tăng tích cực nhưng riêng vận tải hành khách còn gặp nhiều khó khăn. Một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung là hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; vận tải, kho bãi; bán buôn, bán lẻ… Đây cũng là những ngành đang phục hồi tốt về việc làm cho người lao động.

Những thách thức phải đối mặt

Mặc dù chịu ảnh hưởng từ sự leo thang của giá nguyên, nhiên, vật liệu thế giới và xung đột Nga-Ukraine nhưng lạm phát của nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2022 vẫn "ngược chiều" thế giới.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I/2022 tăng 1,92% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 0,81%. Lý giải nguyên nhân Việt Nam kiềm chế tốt lạm phát trong bối cảnh áp lực lạm phát đang nóng lên đối với nhiều nền kinh tế, Vụ trưởng Thống kê giá Nguyễn Thu Oanh cho biết, có sự khác nhau về danh mục hàng hóa, dịch vụ tính CPI của mỗi quốc gia. Rổ hàng hóa, dịch vụ tính CPI của Mỹ và nhiều nước châu Âu bao gồm điện, ga, dịch vụ vui chơi giải trí… nên vừa qua chịu tác động mạnh từ việc tăng giá nhiên liệu thế giới. Trong khi đó, lương thực, thực phẩm chiếm 28% tỷ trọng trong rổ hàng hóa tiêu dùng tính CPI của Việt Nam, là nhóm hàng luôn được bảo đảm sản xuất và giữ nguồn cung ứng dồi dào, một số mặt hàng giảm giá sâu. Bên cạnh đó, một số địa phương miễn, giảm học phí và đặc biệt là sự điều hành quyết liệt của Chính phủ trong chính sách giảm thuế, phí theo Chương trình phục hồi kinh tế và chủ động điều hành giá xăng dầu... khiến mặt bằng giá trong nước cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cảnh báo, khác với quy luật hằng năm là CPI sau Tết Nguyên đán giảm, CPI tháng 3/2022 đã tăng cao nhất kể từ năm 2012 đến nay; giá nguyên, nhiên, vật liệu cho sản xuất cũng tăng cao nhất 10 năm qua. Áp lực lạm phát sẽ dồn vào những quý còn lại do tác động của quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam và nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài, khiến mục tiêu kiềm chế lạm phát khoảng 4% không còn dễ dàng như dự báo ban đầu.

Về triển vọng tăng trưởng, Vụ trưởng Hệ thống Tài khoản quốc gia Lê Trung Hiếu cho biết, các tổ chức quốc tế hiện đã điều chỉnh giảm dự báo về tăng trưởng toàn cầu trước tác động của đại dịch Covid-19 và chiến sự Nga-Ukraine. Cập nhật kịch bản dự báo tăng trưởng năm 2022, Tổng cục Thống kê cho biết một số chỉ tiêu có thể khác so với kịch bản trước đây. Cụ thể, theo kịch bản thấp (xung đột Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp), tăng trưởng GDP quý II/2022 sẽ cao hơn 0,1 điểm phần trăm, tăng trưởng quý IV thấp hơn 0,1 điểm phần trăm. Theo kịch bản cao (tiêm chủng mũi 3 trong nước được hoàn thành, xung đột Nga-Ukraine sớm hạ nhiệt), tăng trưởng quý II sẽ cao hơn 0,2 điểm phần trăm so dự báo. Như vậy, theo cả hai kịch bản, tăng trưởng kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn trong quý II, mục tiêu tăng trưởng được dự báo vẫn có khả năng đạt 6% đến 6,5% như đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Tuy nhiên, việc đạt mức tăng trưởng 6,5% như mục tiêu đặt ra cho năm 2022 là một thách thức lớn. Tổng cục Thống kê đề nghị Chính phủ kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, có phương án điều tiết nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, hạn chế tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân. Đồng thời, Chính phủ thúc đẩy sản xuất trong nước, tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu trong nước, đẩy mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, khẩn trương khôi phục thị trường du lịch...


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/kinh-te-dan-tro-lai-quy-dao-tang-truong-691221/

  • Từ khóa