Hội Người cao tuổi đã thu hút đông đảo người trong độ tuổi tham gia tổ chức Hội, với số hội viên lên tới 9,7 triệu người.
Quang cảnh buổi gặp mặt.
Thời gian qua, công tác xây dựng tổ chức Hội Người cao tuổi được chú trọng. Hội đã thu hút được đông đảo người cao tuổi tham gia. Tổng số hội viên hiện có là 9,7 triệu người, sinh hoạt tại 10.367 Hội Người cao tuổi cơ sở.
Đây là thông tin được chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí diễn ra ngày 1/4 do Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam tổ chức.
Trước đó, để đưa tinh thần, nội dung của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi gặp mặt các đại biểu dự Đại hội lần thứ VI Hội Người cao tuổi Việt Nam, Nghị quyết Đại hội lần thứ VI Hội Người cao tuổi Việt Nam vào cuộc sống, ngày 18/2/2022, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 52/KH-HNCT về tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội lần thứ VI Hội Người cao tuổi Việt Nam.
Theo đó, Hội Người cao tuổi Việt Nam mở đợt tuyên truyền sâu rộng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; hưởng ứng thực hiện bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi gặp mặt các đại biểu dự Đại hội lần thứ VI Hội Người cao tuổi Việt Nam; Nghị quyết Đại hội lần thứ VI Hội Người cao tuổi Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 tới người cao tuổi, tổ chức Hội Người cao tuổi các cấp và toàn xã hội.
Chương trình nhằm giúp cán bộ, hội viên, người cao tuổi; các cấp hội người cao tuổi nắm vững những nội dung cơ bản, những điểm mới, những định hướng của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ về công tác người cao tuổi và Hội Người cao tuổi. Đồng thời, tạo sự thống nhất về tư tưởng hành động trong các cấp hội và sự ủng hộ của toàn xã hội thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VI Hội Người cao tuổi Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.
Thông qua tuyên truyền, hướng tới tạo sự chuyển biến sâu sắc của cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác người cao tuổi và Hội Người cao tuổi các cấp; thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ công tác Hội Người cao tuổi và phong trào người cao tuổi.
Ngày 24/9/1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam. Qua hơn 27 năm hình thành và phát triển, Hội Người cao tuổi Việt Nam đã chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất với Đảng, Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác Hội, về pháp luật, chế độ chính sách liên quan đến người cao tuổi.
Nhiều văn bản quan trọng đã được ban hành như: Luật Người cao tuổi và các nghị định, thông tư liên quan; Chương trình Hành động quốc gia về người cao tuổi; Quyết định của Chính phủ về nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đến năm 2025; Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam; chế độ trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế cho người cao tuổi.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết gắn với đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng”; có giải pháp thiết thực, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và chương trình công tác của Hội trong nhiệm kỳ 2021-2026; phát huy kinh nghiệm, trí tuệ, uy tín của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội nghị quán triệt, triển khai Chương trình hành động sẽ diễn ra vào ngày 7/4 theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại Hà Nội và điểm cầu ở các địa phương.
Tổng số hội viên của Hội Người cao tuổi Việt Nam hiện có 9,7 triệu người, có gần 12 triệu người cao tuổi cả nước; sinh hoạt tại 10.367 Hội Người cao tuổi cơ sở, 88.412 chi hội, 171.982 tổ hội; 100% xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội Người cao tuổi; 13 tỉnh/thành phố, 116 huyện/thị xã, thành phố thuộc tỉnh có mô hình Hội Người cao tuổi, có Ban Chấp hành; 50 tỉnh/thành phố, 589 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đang hoạt động theo mô hình ban đại diện.
Hội Người cao tuổi luôn là lực lượng nòng cốt trong công tác chăm sóc người cao tuổi. Vai trò của người cao tuổi luôn được đề cao trong công cuộc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; người cao tuổi góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc; tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo, giữ gìn trật tự an ninh, phòng - chống tội phạm, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi được đẩy mạnh.
Hiện nay, số lượng người cao tuổi của Việt Nam chiếm gần 12% dân số. Xu hướng già hóa dân số của Việt Nam ngày càng tăng. Theo đó, cứ sau 3 năm lại tăng thêm 1% dân số là người cao tuổi. Dự kiến đến 2035, Việt Nam có khoảng 25% dân số là người cao tuổi.
Trên toàn quốc, hiện có hơn 3,2 triệu người cao tuổi đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Hơn 800 nghìn người cao tuổi đang hưởng chế độ người có công. Gần 1,9 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, trong đó hơn 10 nghìn người cao tuổi được chăm sóc ở cơ sở trợ giúp xã hội, người cao tuổi từ đủ 75 đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo... được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mức trợ cấp từ năm 2010 đến 2020 tăng 4 lần.
HÀ DUNG/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/9-7-trieu-nguoi-tham-gia-hoi-nguoi-cao-tuoi-691654/