Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, lây lan nhanh cùng với tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường nhưng bức tranh kinh tế-xã hội (KT-XH) quý I-2022 của Việt Nam vẫn cho thấy mức tăng trưởng khá trên các lĩnh vực.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, đây là mức tăng trưởng khá tích cực, sẽ là tiền đề tạo bước đột phá cho tăng trưởng của nền kinh tế trong cả năm. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2022 vẫn là thách thức lớn.
Hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại
Phóng viên (PV): Qua số liệu về tình hình KT-XH quý I, đâu là những điểm chúng ta cần chú ý, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hương: KT-XH nước ta quý I diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu dần được khơi thông. Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng toàn cầu. Giá các loại hàng hóa trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: Thúy Hiền |
Trong bối cảnh đó, tăng trưởng GDP quý I là 5,03%, vượt qua tăng trưởng của quý I-2021 và quý I-2020. Thấy rõ nhất là hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại, nhất là khu vực dịch vụ tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại. Những điểm sáng cần nhắc tới là vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng rất cao, ước đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%, cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư, đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2022; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu (tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước); lạm phát duy trì ở mức thấp... Điều này khẳng định được chúng ta vẫn bảo đảm kết nối cung-cầu với thế giới. Đặc biệt, việc mở cửa du lịch mới thực hiện nhưng đã kích hoạt được cả hệ thống dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ vận tải hàng hóa...
Kết quả này cho thấy, sự điều hành của Chính phủ thời gian qua rất sát sao, quyết liệt, thể hiện qua các chính sách được ban hành. Điển hình như việc nỗ lực bảo đảm nguồn cung năng lượng xăng, dầu trong nước; việc điều hành linh hoạt qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Chính phủ không đẩy tiền ra lưu thông, thay vào đó là giảm trừ trực tiếp cho người được thụ hưởng như việc giảm 2% thuế VAT với mặt hàng thiết yếu; cũng như hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, nhằm giữ được lực lượng lao động cho sản xuất.
PV: Trong quý I, số vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp FDI bị sụt giảm mạnh. Điều này có mang tới cảnh báo gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hương: Theo thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong quý I đạt 8,91 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo tôi, vốn đăng ký đầu tư thực ra cũng rất quan trọng nhưng việc thực hiện được số vốn đã đăng ký là quan trọng hơn cả. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước đối với sự phát triển KT-XH thời gian tới. Như vậy, chúng ta đã và đang giữ chân được các nhà đầu tư.
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: MINH ĐỨC |
PV: Bối cảnh thế giới đang có những tác động rất lớn tới nền kinh tế Việt Nam. Đâu là những thách thức chúng ta cần vượt qua, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hương: Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, nguy cơ lạm phát cao trên toàn cầu; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới. Kinh tế Việt Nam năm 2022 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Thời gian tới, phải tiếp tục bảo đảm ổn định được những nguồn cung quan trọng, như: Năng lượng, nguyên vật liệu như sắt, thép, giá thức ăn chăn nuôi, phân bón...
PV: Nền kinh tế đang được kỳ vọng sẽ tăng tốc phục hồi, vậy theo bà đâu là những giải pháp để đẩy nhanh tiến trình này?
Bà Nguyễn Thị Hương: Theo tôi, các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với những tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH. Đồng thời, cần tập trung giải ngân hết 100% số vốn đầu tư công được giao, tạo động lực thúc đẩy kinh tế; cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng, dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến. Tiếp đến là cần thúc đẩy sản xuất trong nước tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên nhiên vật liệu trong nước. Khẩn trương khôi phục thị trường du lịch, tạo thuận lợi cho lưu chuyển hành khách quốc tế, trong nước, hỗ trợ phù hợp các doanh nghiệp du lịch gắn với an toàn dịch bệnh đón mùa du lịch sắp tới.
Một giải pháp quan trọng nữa là đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
KHÁNH AN/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/muc-tieu-tang-truong-gdp-6-5-van-la-thach-thuc-690432