Đón thời cơ tăng trưởng xuất khẩu gạo

Chủ nhật, 10.04.2022 | 09:50:18
752 lượt xem

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước đạt 715 triệu USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo, nhu cầu dự trữ lương thực của nhiều quốc gia trên thế giới vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới; cùng đó là gạo Việt Nam ngày càng khẳng định được ưu thế, uy tín trên thị trường quốc tế nên cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cho ngành hàng gạo đang rất rộng mở.

Gặt lúa bằng máy trên cánh đồng huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. (Ảnh HÀ ANH)

Tính chung quý I/2022, các thị trường truyền thống như Philippines, Malaysia, Trung Quốc vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt. Ngoài ra, thị trường Liên minh châu Âu (EU) cũng được các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nhờ tận dụng lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Đa dạng thị trường xuất khẩu

Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II (tỉnh Long An) Nguyễn Tuấn Khoa cho biết: Ba tháng đầu năm 2022, Công ty xuất khẩu 10.000 tấn gạo, chủ yếu sang thị trường Philippines, Hồng Công (Trung Quốc), Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE)... Giá gạo xuất khẩu trung bình đạt khoảng 560 USD/tấn. So với nửa cuối năm 2021, mức giá này có giảm 20 đến 30 USD/tấn nhưng vẫn là mức giá khá tốt trong hai năm trở lại đây. Hiện các quốc gia như Philippines và Malaysia cũng đang đẩy mạnh thu mua gạo sau khi cân đối sản lượng mùa vụ của họ cho nên thời gian tới sẽ còn tác động tích cực đến xuất khẩu gạo nói chung của Việt Nam.

Cụ thể, theo cơ quan Thống kê Philippines (PSA), tính đến ngày 1/1/2022, tổng dự trữ gạo của Philippines ở mức 1,859 triệu tấn, giảm 22% so với ngày 1/1/2021 và giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 ở Việt Nam cũng đã dần được kiểm soát, các hoạt động kinh tế, lao động, sản xuất, đi lại, giao nhận hàng hóa... đã khơi thông cũng là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo mở rộng sản xuất, chế biến nên các đơn hàng từ nhà nhập khẩu chắc chắn sẽ tăng.

Trong khi đó, đối với Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Giám đốc Phạm Thái Bình cho biết: Ngoài các thị trường truyền thống, doanh nghiệp vẫn đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU để tận dụng lợi thế từ EVFTA. Mặc dù số lượng gạo vào EU chưa nhiều nhưng giá bán vẫn duy trì ở mức cao, đạt khoảng 1.000 USD/tấn nên đây vẫn là khu vực thị trường giá trị cao và rất tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam khai thác.

Từ hoạt động xuất khẩu gạo khá sôi động những tháng đầu năm 2022 của doanh nghiệp nên các đơn vị liên kết sản xuất lúa gạo trong nước cũng tăng được mức lợi nhuận từ trồng lúa. Giám đốc Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) Đoàn Văn Tài cho biết: Hợp tác xã hiện có 100 ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, hữu cơ theo yêu cầu của doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm. Vụ đông xuân vừa qua, trung bình 1 ha lúa cho lợi nhuận 30 triệu đồng. Trong điều kiện giá phân bón, vật tư nông nghiệp không ngừng tăng cao thì đây là mức lợi nhuận khá tốt, giúp nông dân ổn định sản xuất. Tới đây, hợp tác xã dự kiến sẽ mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao lên 300 ha.

Đón thời cơ tăng trưởng xuất khẩu gạo -0

Công nhân Tập đoàn Lộc Trời vận chuyển lúa về nhà máy chế biến. (Ảnh MINH HÀ)

Nhiều dư địa cho gạo chất lượng cao

Tính riêng 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 81.884 tấn, kim ngạch 40,82 triệu USD, giá trung bình 498,5 USD/tấn. Trung Quốc vẫn đang thực hiện nhiều biện pháp nghiêm ngặt để phòng, chống dịch Covid-19 nên việc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này gặp không ít khó khăn, vướng mắc tại các cửa khẩu phía bắc.

Tuy nhiên, đối với hàng hóa xuất khẩu chính ngạch, có hợp đồng rõ ràng, chất lượng bảo đảm thì mức độ ảnh hưởng rất thấp. Đại diện Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh và xuất khẩu lúa gạo Cẩm Nguyên cho biết: Quý I/2022, công ty xuất khoảng 10.000 tấn gạo sang thị trường Trung Quốc, chủ yếu là gạo chất lượng cao từ các giống lúa ST. Nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với phân khúc gạo chất lượng cao vẫn rất lớn, nếu doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện phía Trung Quốc đưa ra về thủ tục kinh doanh, chất lượng gạo thì cơ hội tăng trưởng xuất khẩu không khó.

Công ty Cẩm Nguyên cũng đang tăng cường năng lực xuất khẩu gạo sang Trung Quốc thông qua việc mở rộng nguồn nguyên liệu chế biến đáp ứng yêu cầu thị trường. Theo dự báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 4,5 triệu tấn gạo, tăng 12% so với năm 2021.

Ngoài ra, EU cũng vẫn là thị trường mở với nhu cầu gạo chất lượng cao ngày một tăng. Theo số liệu xuất nhập khẩu mới nhất của EU, tính từ ngày 1/9/2021 đến ngày 13/3/2022 của niên vụ 2021/2022 (1/9/2021-31/8/2022), EU đã nhập khẩu tổng cộng 622.065 tấn gạo xay xát (trong đó, nhập khẩu gạo Japonica 153.073 tấn và nhập khẩu gạo Indica 468.992 tấn), tăng khoảng 1,4% từ mức 616.695 tấn của cùng kỳ niên vụ 2020/2021.

Trong khi đó, theo EVFTA, hiện EU cấp hạn ngạch cho gạo Việt Nam 80.000 tấn/năm với thuế suất 0%. Đây chưa phải là con số lớn, nên nếu gạo Việt được nâng tầm chất lượng, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hiệu quả được lợi thế từ EVFTA thì sản lượng gạo xuất sang EU sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa. Mục tiêu này hiện cũng đang được các doanh nghiệp trong ngành hàng lúa gạo tích cực triển khai thực hiện.

Như mới đây, Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời) đã ký kết tổ chức sản xuất 2 triệu tấn lúa với Liên hiệp Hợp tác xã Thoại Sơn, tỉnh An Giang nhằm bảo đảm cung ứng cho hợp đồng 2 triệu tấn lúa mà công ty đã ký kết với các đối tác. Theo đó, sẽ đẩy mạnh liên kết với tổ chức nông dân, hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình canh tác khoa học, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng hạt gạo để chinh phục các thị trường tiềm năng mới như EU, Nhật Bản…

Tuy nhiên, để đẩy mạnh tốc độ xuất khẩu gạo trong những tháng tới thì ngoài bảo đảm chất lượng gạo, doanh nghiệp còn phải lưu ý đến các quy định mới về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của các quốc gia nhập khẩu. Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) Ngô Xuân Nam thông tin: Tổng hợp quý I/2022, các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã đưa ra 245 thông báo về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật lấy ý kiến góp ý và có hiệu lực, tập trung vào các thị trường: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Canada. Các thông báo chủ yếu là thay đổi mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MLR).

Do đó, các đơn vị cần lưu ý nắm chắc và tuân thủ nghiêm túc các quy định của thị trường nhập khẩu, bảo đảm không bị thu hồi, cảnh báo vi phạm. Đối với các sản phẩm gạo cần kiểm soát, quản lý và sử dụng đúng quy định về hoá chất bảo vệ thực vật, kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, đóng gói; thực hiện đầy đủ việc truy xuất nguồn gốc, quản lý vùng trồng…

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt khoảng 6-6,2 triệu tấn. Quý II/2022 cũng là thời điểm xuất khẩu gạo nhộn nhịp hơn do các quốc gia nhập khẩu đẩy mạnh mua vào. Chính vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước cần bảo đảm nguồn hàng, lưu ý các thông tin về container, cước vận tải biển... để chủ động giao hàng và ký các hợp đồng mua bán mới.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/don-thoi-co-tang-truong-xuat-khau-gao-692624/

  • Từ khóa