Những bài học từ việc thu hồi trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh

Thứ 7, 16.04.2022 | 14:48:33
786 lượt xem

Thời gian vừa qua, dư luận rất hoan nghênh việc Ủy ban Chứng khoán nhà nước xử lý quyết liệt các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, đặc biệt là việc hủy giao dịch bán chui cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết khi không công bố thông tin và hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ, tổng giá trị 10.030 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh do có hành vi công bố thông tin sai sự

Một dự án của Tân Hoàng Minh ở Hà Nội. (Ảnh minh họa) 

Ðã có rất nhiều bài báo phản ánh thực trạng đáng báo động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có việc nhiều doanh nghiệp mới thành lập, không phải công ty đại chúng, hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ... nhưng vẫn phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu "nhiều không": Không tài sản bảo đảm, không xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, không bảo lãnh thanh toán, không công bố thông tin đầy đủ... Chưa kể tình trạng một số doanh nghiệp trong cùng hệ sinh thái tập đoàn mua trái phiếu lẫn nhau; phần lớn trái phiếu doanh nghiệp được phát hành và phân phối thông qua công ty chứng khoán và các ngân hàng nhưng chưa được quản lý chặt chẽ...

Việc phát hành trái phiếu ồ ạt của các tập đoàn bất động sản nhưng thiếu sự kiểm soát và minh bạch thông tin gây rủi ro lớn đối với nền kinh tế. Vì vậy, để ngăn chặn rủi ro hệ thống, bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, hoạt động ổn định, an toàn, lành mạnh, minh bạch và tuân thủ quy định của pháp luật, cần có một đánh giá khách quan, toàn diện về thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, xác định những mặt tích cực, những mặt tiêu cực dưới nhiều giác độ khác nhau, để từ đó, xây dựng chính sách, cơ chế kiểm soát, cảnh báo sớm và minh bạch trong công bố thông tin, cụ thể:

Thứ nhất dưới giác độ của nhà đầu tư. Trên thực tế, phần lớn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ được phân phối qua công ty chứng khoán và ngân hàng đến các nhà đầu tư cá nhân. Số lượng trái phiếu doanh nghiệp đang được các nhà đầu tư cá nhân nắm giữ thông qua các kênh này có thể lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng, nhưng cơ chế giám sát việc phân phối trái phiếu doanh nghiệp qua các kênh này rất lỏng lẻo.

Trong trường hợp doanh nghiệp phát hành sử dụng vốn không hiệu quả, mất khả năng thanh toán thì rủi ro hoàn toàn do nhà đầu tư cá nhân nắm giữ trái phiếu phải gánh chịu, có thể dẫn tới đổ vỡ dây chuyền đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Chính vì vậy, trước khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các nhà đầu tư cần trở thành một nhà đầu tư thông minh. Không nên chỉ quan tâm đến lãi suất và chào mời hấp dẫn qua trang thông tin điện tử, ứng dụng hoặc qua các công ty chứng khoán, ngân hàng... mà phải tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp phát hành, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp (nếu có), hiệu quả dự án dự kiến đầu tư, khả năng thanh toán, tài sản bảo đảm có thực chất không (chú ý nhiều tài sản bảo đảm cho trái phiếu là cổ phiếu, bất động sản được định giá quá cao, quyền tài sản, tài sản hình thành trong tương lai... nhưng việc xử lý tài sản trong trường hợp tổ chức phát hành không thanh toán được là rất khó khăn), bên bảo lãnh thanh toán có uy tín hay không...

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu kỹ khía cạnh pháp lý của hợp đồng đầu tư, bảo đảm rằng quyền lợi của nhà đầu tư được pháp luật bảo vệ. Trở lại thí dụ của Tân Hoàng Minh phần lớn hợp đồng ký với khách hàng không phải là hợp đồng mua bán trái phiếu, mà là hợp đồng hợp tác đầu tư. Theo đó, khách hàng không phải là chủ sở hữu trái phiếu mà chỉ là nhà đầu tư hợp tác cùng chủ sở hữu để đầu tư vào trái phiếu. Hợp đồng hợp tác đầu tư dạng này đẩy những rủi ro, bất lợi hoàn toàn về phía nhà đầu tư.

Thứ hai, dưới giác độ của các cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta phải đánh giá, nhận thức đúng tầm quan trọng và ảnh hưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến hệ thống tài chính để có những giải pháp cấp thiết ngay từ bây giờ. Thống kê cho thấy có khoảng 500.000 nhà đầu tư trái phiếu, đầu tư vào hàng nghìn doanh nghiệp phát hành, trong đó vàng thau lẫn lộn, đặc biệt là doanh nghiệp không niêm yết, không phải công ty đại chúng và không có cơ quan nào quản lý, giám sát và cung cấp thông tin.

Do đó, việc đầu tiên cần làm là minh bạch hóa trong công bố thông tin liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp để mọi nhà đầu tư có thể tiếp cận. Các thông tin cần công bố công khai trước và sau khi phát hành như: tình hình tài chính và hoạt động của doanh nghiệp phát hành, mục đích huy động vốn, trái chủ, báo cáo tình hình sử dụng vốn định kỳ. Nên chăng, khống chế quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp mới thành lập, các doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ. Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp quy mô lớn, thí dụ như trên 100 tỷ đồng nên có báo cáo tài chính kiểm toán bắt buộc để minh bạch hóa tình hình tài chính.

Tiếp theo là hoàn thiện và triển khai ngay hệ thống xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành với sự tham khảo các thông lệ quốc tế. Mặc dù Thông tư 118/2020/TT-BTC có quy định yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong trường hợp giá trị trái phiếu phát hành lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu, hoặc tổng dư nợ trái phiếu tại thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu, thế nhưng thời điểm áp dụng sau hai năm kể từ ngày 1/1/2021 (tức là 1/1/2023). Do đó, hiện nay chưa có hệ thống xếp hạng tín nhiệm đối với đối tượng phát hành.

Về nguyên tắc, việc xếp hạng tín nhiệm không chỉ giúp thị trường, bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư mà còn giúp cả doanh nghiệp phát hành xây dựng hồ sơ năng lực tín dụng trên thị trường trong nước và quốc tế tốt hơn, hỗ trợ cơ quan quản lý xây dựng chính sách, quy chuẩn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho hợp lý.

Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, kiểm soát rủi ro hệ thống, cần xây dựng và phát triển thị trường thứ cấp nhằm tạo thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, quy định các chế tài đủ mạnh và nghiêm khắc xử lý các hành vi vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Không những thế, cần có các cảnh báo sớm và chuẩn bị các giải pháp hỗ trợ trong trường hợp xảy ra mất khả năng thanh toán của các doanh nghiệp phát hành.

Thứ ba, dưới giác độ của doanh nghiệp phát hành. Cần nâng cao nhận thức thượng tôn pháp luật, cung cấp đầy đủ thông tin chính xác, trung thực đến các nhà đầu tư. Huy động vốn và sử dụng vốn phát hành trái phiếu đúng mục đích, tuân thủ pháp luật để đem lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp và tôn trọng quyền lợi của nhà đầu tư.

Thứ tư, dưới giác độ của các đối tượng khác tham gia vào quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp như: tư vấn, đại lý phát hành, quản lý tài sản bảo đảm... đặc biệt là các ngân hàng và công ty chứng khoán. Các đối tượng tham gia cần thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Trong mỗi vai trò nhất định, phải có trách nhiệm giải thích cho nhà đầu tư quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tránh sự hiểu lầm là có ngân hàng bảo lãnh hoặc bảo đảm thanh toán, bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư và hài hòa với lợi ích doanh nghiệp. Không bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Về cơ bản, phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn là một trong những kênh huy động vốn quan trọng, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn đầu tư phát triển, giảm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng tham gia thị trường này cần thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình, bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


Trung Kiên/nhandan.vn

https://nhandan.vn/thoi-su-phap-luat/nhung-bai-hoc-tu-viec-thu-hoi-trai-phieu-cua-tap-doan-tan-hoang-minh-693345/ 

  • Từ khóa