Sáng 19/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về quy hoạch nhằm đánh giá tình hình công tác lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2022, những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về quy hoạch.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển đất nước nói chung và kinh tế-xã hội nói riêng. Cho nên, Đảng, Nhà nước tập trung chỉ đạo, xây dựng công tác quy hoạch tổng thể trên bình diện cả nước; từng bước luật hóa Luật Quy hoạch. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cố gắng xây dựng Luật Quy hoạch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp.
Sau mấy năm thực hiện, Thủ tướng đánh giá có nhiều cái làm được; tuy nhiên còn nhiều vấn đề trên thực tế còn vướng mắc do liên quan nhiều luật khác được ban hành. Vừa qua Quốc hội ban hành Nghị quyết số 19 ngày 27/7/2021 thành lập đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Trên cơ sở đánh giá, giám sát tối cao của Quốc hội, sự theo dõi của Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã họp và thảo luận thống nhất ra thông báo 111 ngày 14/4/2022 chỉ ra 10 vấn đề cần nghiên cứu, tiếp tục phối hợp với Quốc hội.
Đó là vấn đề về tiến độ lập quy hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội có khả thi không, có đạt được không? Từ nay đến cuối năm, thời gian còn ít, công việc rất nhiều, chúng ta phải giải quyết nhiều công việc như thị trường vốn, lạm phát, vấn đề liên quan khủng hoảng Nga-Ukraine, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, phòng, chống dịch Covid-19... việc phát sinh mới nhiều, nhiệm vụ thường xuyên cũng nặng nề hơn; những vấn đề liên quan cạnh tranh chiến lược trên thế giới...
Thứ hai, về nội hàm của quy hoạch tổng thể quốc gia thế nào? Vừa qua, chúng ta thông qua được đề cương quy hoạch nhưng nội hàm cụ thể thế nào? Do đó, nội hàm quy hoạch tổng thể quốc gia cần xác định được đúng, trúng, xác định được điểm mạnh để phát huy, điểm yếu để khắc phục, những cơ hội và thách thức.
Thứ ba là mối quan hệ giữa các quy hoạch thế nào?
Thứ tư, vấn đề tích hợp trong quy hoạch.
Thứ năm, lựa chọn tư vấn lập quy hoạch. Đơn cử, chúng ta phải lập quy hoạch phát triển 6 vùng; đã làm được 2 vùng, còn 4 vùng nữa và 63 tỉnh, thành phố phải làm, quy hoạch của các bộ, ngành cũng phải làm. Điều đó đặt ra việc tư vấn, thẩm định như thế nào? Làm thế nào bảo đảm cả tiến độ và chất lượng quy hoạch?
Thứ sáu, nguồn vốn cho việc lập quy hoạch thế nào?
Thứ bảy, việc bãi bỏ các quy hoạch về phát triển hàng hóa, dịch vụ sản phẩm cụ thể đã hợp lý chưa? Điều này đặt ra những vấn đề, thí dụ như phát triển vùng nguyên liệu, hoặc bất cứ ngành nào, sản phẩm nào cũng phải có quy hoạch mới phát triển hiệu quả.
Thứ tám, cải cách hành chính trong quy hoạch thế nào?
Thứ chín, việc kế thừa và chuyển tiếp các quy hoạch.
Thứ mười, nghiên cứu đề xuất việc phân cấp, phân quyền trong thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch.
Thủ tướng nhấn mạnh, 10 vấn đề trên rất lớn, liên quan các luật, công việc cần phải triển khai. Do đó, chúng ta phải bàn và đánh giá tiếp; vấn đề là trong quá trình này, chúng ta phải bổ sung, hoàn thiện Luật Quy hoạch cho phù hợp, bảo đảm thực hiện khả thi, hiệu quả. Những vấn đề khó, nhạy cảm, có những ý kiến khác nhau cũng là bình thường.
Chúng ta cần nghiêm túc đánh giá những việc làm được, chưa làm được, chỉ ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra bài học kinh nghiệm gì từ sau khi thực hiện Luật Quy hoạch để làm tốt hơn thời gian tới; trước mắt, cần xử lý những vấn đề gì để kịp thời triển khai công việc; về lâu dài, cần phải làm gì để thực hiện theo Luật, đồng thời phải làm căn cơ, bài bản, đạt hiệu quả cao hơn.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/chinh-phu-hop-chuyen-de-ve-cong-tac-quy-hoach-693631/