Nữ công nhân, viên chức ở TP Hồ Chí Minh mong muốn được tiếp cận nhà ở xã hội

Chủ nhật, 24.04.2022 | 20:00:06
802 lượt xem

Hầu hết nữ công nhân, viên chức đại diện cho các ngành, các giới, các lĩnh vực tại TP Hồ Chí Minh đều mong muốn được tiếp cận nhà ở xã hội; kiến nghị chính quyền thành phố cùng các cơ quan chức năng công khai, minh bạch thông tin về nhà ở xã hội, nhà cho thuê, hỗ trợ vay vốn, điều kiện được giải quyết mua, thuê nhà ở xã hội…, qua đó giúp người lao động an cư lạc nghiệp.


Nữ lái xe công nghệ chia sẻ ý kiến về chính sách nhà ở xã hội tại hội nghị sáng 24/4.

Nội dung trên được hơn 100 cử tri là nữ công nhân, viên chức lao động đại diện cho nữ công nhân, viên chức lao động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nêu ra tại Hội nghị tiếp xúc cử tri nữ công nhân, viên chức, người lao động với chủ đề “Chính sách an sinh xã hội-Nhà ở cho công nhân, viên chức, người lao động” do Thường trực HĐND TP Hồ Chí Minh tổ chức sáng 24/4.

Tham dự Hội nghị còn có 400 nữ công nhân, viên chức tham gia trực tuyến tại 4 điểm cầu gồm Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, thành phố Thủ Đức, UBND quận 12.

Khó mua được nhà ở xã hội

Chị Hà Thị Trang, Công nhân Công ty TNHH MTV Deayuong Electronics Vin, nêu vấn đề, 2 năm nay nhà nước không tăng lương nhưng giá cả leo thang từ 10-20% mỗi năm, chưa kể do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ cuối năm 2021 đến nay hầu như các doanh nghiệp tăng ca rất ít, đơn hàng ít nên thu nhập hằng tháng không đủ chi trả các chi phí phát sinh như ăn uống, đi lại, nuôi con… Với những khó khăn này, theo chị Trang việc mua nhà ở xã  hội đối với công nhân lao động tại Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh quả thật rất xa tầm tay.

Chị Trang kiến nghị, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cần có các chính sách hỗ trợ công nhân, người lao động mua nhà ở xã hội cũng như sớm xây dựng các khu nhà trọ để công nhân có điều kiện thuê nhà giá rẻ, giảm bớt gánh nặng về nhà ở.  

Bà Lê Hoàng Phương công tác tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh băn khoăn: “Nhu cầu nhà ở trong đội ngũ công nhân viên chức rất lớn nhưng thực tế việc tiếp cận thông tin về nhà ở xã hội rất khó khăn vì thiếu các thông tin chính thống. Ngay cả việc lên mạng, thông qua trang web của Sở Xây dựng, thông tin cũng chung chung nên thành phố làm sao có thông tin chính thống để người lao động tiếp cận như lập trang web riêng, phân chia dự án theo địa bàn của quận, huyện, phù hợp với vị trí làm việc và việc làm của người lao động để họ có cơ hội chọn lựa và quyết định”.

Làm công việc giúp việc nhà và tham gia Nghiệp đoàn giúp việc nhà tại thành phố Thủ Đức, bà Nguyễn Thị Chính mong muốn thành phố có quỹ nhà để cho thuê với giá từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng, đây là mức giá phù hợp với túi tiền của người làm thuê. Theo bà Chính, dù sao thuê nhà của nhà nước với điều kiện về môi trường, cơ sở vật chất, giá cả vẫn yên tâm hơn đi thuê của tư nhân…

Chia sẻ tại hội nghị, nhiều công nhân, viên chức lao động, nhất là công nhân lao động, còn chia sẻ những khó khăn của việc gửi con ngoài giờ để tăng ca, việc nghỉ ngơi tái tạo sức lao động sau khi bị Covid-19; nhu cầu sân chơi cho nữ công nhân, viên chức lao động; chế độ, chính sách đối với nữ công nhân viên chức làm nhiệm vụ, công việc không chuyên trách…

Cần gỡ vướng từ thủ tục pháp lý

Nữ công nhân, viên chức ở Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn được  tiếp cận nhà ở xã hội -0 

Trường mầm non Hoa Đào, phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức tổ chức giữ trẻ cho con của công nhân lao động.

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trên thực tế, chính sách hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng  nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế, nhất là về thủ tục pháp lý nên các dự án đầu tư rất khó triển khai thực hiện. Mặt khác, tồn tại nghịch lý là nhà ở xã hội nhưng thực hiện chính sách pháp lý tương tự như nhà ở thương mại. Do đó, các dự án này kéo dài và có thủ tục pháp lý phức tạp hơn… dẫn đến không thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt nguồn vốn vay hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện những dự án nhà ở xã hội chưa triển khai được. 

Theo Sở Xây dựng, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở với 47 dự án (có 10 dự bắt buộc chủ đầu tư phải dành ra 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội), tập trung chủ yếu ở các quận 7, quận 2, quận Bình Tân và thành phố Thủ Đức. Tổng cộng các dự án này đáp ứng hơn 35.000 căn hộ. Sở Xây dựng thành phố cũng đang trình UBND thành phố các quy trình rút gọn đầu tư nhà ở xã hội xuống khoảng 6 tháng để đẩy nhanh thời gian thực hiện (theo quy trình bình thường hơn 1 năm). Để người dân, cử tri tiếp cận được các thông tin về nhà ở xã hội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Khiết cho biết, trên trang web của sở có đầy đủ thông tin hơn 40 dự án đã và đang triển khai, người dân có thể vào đây để tìm hiểu thông tin và đăng ký.

Phó Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết, với chủ trương phát triển nhà ở xã hội, sau 15 năm, thành phố đã đưa vào sử dụng 31 dự án nhà ở xã hội với 1,55 triệu m2 sàn, tương ứng 18.800 căn hộ. Trong đó, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn nhà ở xã hội phát triển mạnh mẽ, đã có 19 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường 1,19 triệu m2 sàn, tương ứng 14.900 căn hộ. Các dự án chung cư nhà ở xã hội ra đời đã giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của một bộ phận người thu nhập thấp và cán bộ công chức, viên chức có khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố.

“Thường trực HĐND thành phố tổ chức tiếp xúc cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động bởi đây là lực lượng lao động then chốt đóng góp trực tiếp vào sự phục hồi và phát triển kinh tế của thành phố. Sự phục hồi mạnh mẽ và phát triển bền vững của thành phố chỉ có thể đạt được khi lực lượng công nhân, viên chức, người lao động được quan tâm chăm lo, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội và ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.

Chỉ có 17% nữ công nhân, viên chức lao động có nhà ở tại thành phố

Ban Đô thị HĐND thành phố phối hợp Liên đoàn Lao động thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức khảo sát trực tuyến về nhu cầu nhà ở từ ngày 12/4 đến 17/4/2022. Phiếu khảo sát thực hiện với hơn 40.950 cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động. Trong đó, lực lượng cán bộ, công chức, viên chức tham gia khảo sát chiếm tỷ lệ 58%; công nhân chiếm tỷ lệ 28%. Về tình trạng nhà ở, qua khảo sát ghi nhận, 41% cho biết hiện đang ở nhà thuê; 36% ở chung với gia đình; chỉ có 17% có nhà ở tại thành phố.

Về nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội: 64% các chị tham gia khảo sát có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội; 70% có nhu cầu mua nhà cho từ 3 đến 4 người ở; 81,4% có nhu cầu mua nhà với diện tích từ 50 m2 đến 70 m2. Về mức thu nhập phổ biến nhất của các chị tham gia khảo sát: Từ 5 đến 10 triệu đồng/người/tháng , chiếm tỷ lệ 40%.


QUÝ HIỀN/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/nu-cong-nhan-vien-chuc-o-tp-ho-chi-minh-mong-muon-duoc-tiep-can-nha-o-xa-hoi-694360/

  • Từ khóa