PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết tại buổi tập huấn bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hướng nghiệp THPT cho các giáo viên tại Long An chiều nay.
Chiều 23-4, trong khuôn khổ Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" do Báo Người Lao Động tổ chức, hơn 120 giáo viên đã tham gia buổi tập huấn bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hướng nghiệp THPT tại Trường THPT chuyên Long An, tỉnh Long An.
Trong buổi tập huấn, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), dẫn số liệu thống kê mới nhất của Bộ cho thấy hiện nay có khoảng 2 triệu người đang theo học các hệ đại học, cao học, nghiên cứu sinh. Trong đó, bậc đại học chiếm số lượng đông nhất với 1.884.000 người. Tuy nhiên, xét về nguồn nhân lực thì con số này khá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, không đáp ứng đủ nhu cầu xã hội và mất lợi thế so với các nước khác.
"Việt Nam đang trong tình trạng thiếu cả thầy lẫn thợ; trong đó, việc đào tạo trình độ đại học, cao đẳng đang vô cùng thấp. Do đó, nếu học sinh có cơ hội học đại học thì phải được tạo điều kiện để theo đuổi đến cùng. Mục tiêu cuối cùng không phải là bằng cấp mà các em phải xác định phải học tập suốt đời để bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng, phục vụ lâu dài cho nghề nghiệp tương lai sau này" - PGS-TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Cũng theo số liệu do PGS-TS Nguyễn Thu Thủy đưa ra, hiện tại, tỉ lệ sinh viên đại học đang là 195 người/ 1 vạn dân; tỉ lệ sinh viên đại học, cao đẳng là 230 người /1 vạn dân. Con số này thấp hơn so với Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác cách đây 20 năm.
Trong dự thảo chiến lược phát triển giáo dục đào tạo trong 10 năm tới, Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu phấn đấu nâng con số này lên thành 280 sinh viên/vạn dân. Đây là trách nhiệm lớn lao của đội ngũ sư phạm nói chung và thầy cô giáo phụ trách mảng hướng nghiệp nói riêng.
Cũng trong buổi tập huấn, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng nghề nghiệp, cho rằng công tác hướng nghiệp là một câu chuyện dài, không có hồi kết và gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
"Chúng ta thường xuyên nghe công tác hướng nghiệp thiếu, yếu và không hiệu quả. Nguyên nhân là thầy cô làm công tác hướng nghiệp kiêm nhiệm là chủ yếu nên không có đủ tâm trí lực để tư vấn cho học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên hướng nghiệp không bám được nội dung thi tuyển, tuyển sinh nên không có giáo án bài bản, không đáp ứng nhu cầu thực tế của học sinh" - TS Nguyễn Đức Nghĩa phân tích.
Lãnh đạo Báo Người Lao Động tăng hoa cho các thầy cô tham gia buổi tập huấn.
ThS Trầm Thúy Trâm Quyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, chỉ ra khó khăn hiện nay đối với học sinh là các em chỉ tiếp nhận thông tin hướng nghiệp một chiều đến từ các trường đại học các trường vùng sâu vùng xa không có nhiều điều kiện như các nơi khác.
Vì vậy, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã tổ chức cuộc thi Future Me diễn ra từ ngày 6-12-2021 đến 26-2-2022 dành cho tất cả học sinh THPT, trung tâm Giáo dục thường xuyên từ lớp 10 đến lớp 12 tại khu vực TP HCM, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Giải thưởng dành cho quán quân là một suất học bổng toàn phần trong 4 năm tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng trị giá 260 triệu đồng.
"Bên cạnh đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đồng hành cùng với các chuyên gia, các thầy cô giáo của các trường THPT và đại học để cung cấp thêm cho các học sinh thông tin đa chiều, giúp các em có thêm nhiều lựa chọn về ngành học và nghề nghiệp sau này" - ThS Trầm Thúy Trâm Quyên bổ sung.
Bà Phan Thị Dạ Thảo, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An, mong muốn qua buổi tập huấn này, thầy cô giáo lắng nghe, trao đổi cập nhật thông tin về nghề nghiệp, thị trường lao động, nhu cầu của học sinh trong lựa chọn nghề nghiệp nhằm phát hiện được năng lực, sở thích, hoàn cảnh gia đình của học sinh để tư vấn hiệu quả cho các em trong quá trình lựa chọn nghề. Các trường triển khai nội dung này với các giáo viên để chia sẻ cho học sinh các kỹ năng, kinh nghiệm để các em định hướng tương lai.
"Thay mặt Sở GD-ĐT tỉnh Long An, tôi xin cảm ơn Báo Người Lao Động và các đơn vị đã tổ chức chương trình này để chia sẻ thông tin cho các thầy cô giáo tại tỉnh Long An để các thầy cô làm tốt công tác của mình. Cảm ơn Báo Người Lao Động đã đưa trường học đến thí sinh, dành hết tâm huyết và tình cảm và quan tâm đến Long An như người nhà" - bà Phan Thị Dạ Thảo bày tỏ.
Khánh Thu/nld.com.vn
https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/viet-nam-dang-thieu-ca-thay-lan-tho-20220423163325216.htm