Hồi ức về chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh năm 1972

Chủ nhật, 01.05.2022 | 09:09:15
1,670 lượt xem

Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, trên hướng Tây Nguyên, Bộ tư lệnh (BTL) Mặt trận Tây Nguyên mở Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, giải phóng khu vực Đăk Tô-Tân Cảnh và thị xã Kon Tum...

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, trên hướng Tây Nguyên, Bộ tư lệnh (BTL) Mặt trận Tây Nguyên mở Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, giải phóng khu vực Đăk Tô-Tân Cảnh và thị xã Kon Tum, khi có điều kiện phát triển xuống Pleiku, đánh bại các cuộc hành quân giải tỏa quy mô lớn của địch, mở rộng căn cứ tây Gia Lai và Đắc Lắc, hình thành vùng căn cứ hoàn chỉnh, nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ, phối hợp với hướng tiến công chiến lược chính ở Trị Thiên.

Trong chiến dịch này, trên cơ sở tương quan lực lượng và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, Kon Tum được chọn là địa bàn chính, với mục tiêu then chốt là Đăk Tô-Tân Cảnh. Qua các giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, địa bàn Kon Tum, nhất là khu vực Đăk Tô-Tân Cảnh trở thành nơi giành giật quyết liệt giữa ta và địch. Kon Tum có địa hình rừng núi hiểm trở, thuận lợi cho việc giấu quân và triển khai chiến đấu trong điều kiện so sánh lực lượng ta còn yếu hơn địch, nhất là đối phó với các loại vũ khí, phương tiện cơ giới lớn. Kon Tum là đầu cầu nhận tiếp tế người, vũ khí, lương thực, nguồn quyết định sự tồn tại của cuộc kháng chiến ở Tây Nguyên. Kon Tum cũng là đầu cầu để Khu ủy Khu 5 dựa vào đó đưa cán bộ lên xây dựng cơ sở cho Tây Nguyên. Khu vực Đăk Tô-Tân Cảnh tuy không rộng nhưng có đầy đủ yếu tố để mở chiến dịch tiến công quy mô sư đoàn tăng cường. Những dãy núi cao, rừng rậm là nơi thuận lợi để bố trí kho tàng, căn cứ hậu cần chiến dịch và chiến lược.

Địch đã tập trung xây dựng Đăk Tô-Tân Cảnh trở thành một khu vực phòng thủ kiên cố để kiểm soát Kon Tum. Chúng ra sức tìm cách ngăn chặn sự xâm nhập của ta ở cửa ngõ Tây Nguyên, tăng cường lực lượng lên hướng Kon Tum và thành lập tập đoàn phòng thủ Đăk Tô-Tân Cảnh, làm “lá chắn thép” để ngăn chặn, đẩy lùi lực lượng ta. Tại Đăk Tô-Tân Cảnh, Mỹ-ngụy xây dựng căn cứ Trung đoàn 42 ở Tân Cảnh và căn cứ Đăk Tô 2 trên Đường 18 là trung tâm tuyến phòng ngự cơ bản của địch ở Bắc Tây Nguyên, bàn đạp mở các cuộc hành quân càn quét vùng tam giác biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia.

Từ đầu năm 1972, phán đoán chủ lực ta sẽ đẩy mạnh hoạt động tiến công hướng Bắc Tây Nguyên, Mỹ-ngụy gấp rút tăng cường lực lượng bảo vệ thị xã Kon Tum, điều thêm Lữ đoàn 2 dù thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược từ Sài Gòn ra lập tuyến phòng thủ mới ở dãy điểm cao phía tây sông Pô Kô, chốt giữ các trục đường giao thông, các điểm cao có giá trị chiến thuật như 1015, 1049... nhằm tạo thế phòng ngự liên hoàn và ngăn chặn ta tiến công Đăk Tô-Tân Cảnh.

Sau khi nghiên cứu tình hình, BTL Chiến dịch Bắc Tây Nguyên dự kiến kế hoạch tác chiến gồm hai giai đoạn: Giai đoạn nghi binh tạo thế và giai đoạn tiến công. Lúc này, yêu cầu phải đập tan lực lượng địch tại điểm cao 1049 và 1015 là điều kiện tiên quyết để mở đường đánh Đăk Tô-Tân Cảnh. Để tiêu diệt được căn cứ Sư đoàn 22 của địch, ta phải ngăn chặn được khả năng chi viện cho căn cứ 42.

Từ ngày 30-3-1972, Sư đoàn 320A sử dụng Trung đoàn 52 vây ép Tiểu đoàn 2 dù của địch chốt giữ tại điểm cao 1049, đồng thời bố trí Trung đoàn 64 ở phía nam điểm cao 1015, sẵn sàng chặn đánh lực lượng cứu viện. Tại điểm cao 1049, cuộc chiến diễn ra ác liệt và kéo dài, do quân địch có hệ thống công sự, vật cản kiên cố và được hỏa lực không quân, pháo binh chi viện mạnh. Sau 5 ngày vây ép tiến công, Trung đoàn 52 chiếm được một phần điểm cao 1049. Khi địch tăng cường Lữ đoàn 3 dù ngăn chặn ta tiến công, BTL chiến dịch quyết định một mặt tiếp tục bao vây, khống chế địch ở điểm cao 1049, mặt khác sử dụng Trung đoàn 64 và Trung đoàn 48 (thiếu) đánh chiếm điểm cao 1015 do Tiểu đoàn 11, Lữ đoàn 3 dù của địch chốt giữ. Bằng cách đánh mãnh liệt, kết hợp sức mạnh hỏa lực, từ ngày 12 đến 15-4-1972, ta đã làm chủ trận địa, diệt gọn tiểu đoàn địch.

Để ngăn không cho Sư đoàn 23, Quân đoàn 2 của địch lên cứu viện, BTL chiến dịch sử dụng lực lượng tương đương một sư đoàn để thực hiện hai tầng chia cắt chiến dịch. Tầng thứ nhất, cắt Đường 14 đoạn Kon Kô-Võ Định do Trung đoàn 28 đảm nhiệm; tầng thứ hai, cắt Đường 14 đoạn Chư Thoi, nam thị xã Kon Tum do Trung đoàn 95 và Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24 cùng Tiểu đoàn 631 đảm nhiệm; căn cứ Đăk Tô 2, sân bay Phượng Hoàng do Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2), Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24 và bộ đội địa phương tỉnh Kon Tum đảm nhiệm.

Với việc đánh tan hai lữ đoàn dù ở điểm cao 1049, 1015, ta đã chọc thủng tuyến phòng thủ tây sông Pô Kô, mở đường cho các lực lượng tiến thẳng vào trung tâm phòng ngự của địch ở Đăk Tô-Tân Cảnh. Cùng thành công của hoạt động chia cắt địch về mặt chiến dịch và chiến thuật, ta đã cô lập căn cứ Đăk Tô-Tân Cảnh, tạo thời cơ thuận lợi cho trận then chốt đầu tiên của Chiến dịch Bắc Tây Nguyên giành thắng lợi.

Về mặt chiến thuật, BTL chiến dịch đã có quyết tâm táo bạo với chủ trương đánh từ sau lưng địch, không phải đánh địch từ phía tây mà chuyển hướng sang đánh địch từ phía đông. Chủ trương này đặt ra nhiều thách thức to lớn cho các lực lượng tham gia chiến dịch. Thứ nhất, từ phía đông bắc, muốn đưa được lực lượng gồm Trung đoàn 66 và Sư đoàn 2 (thiếu), Quân khu 5 đến vị trí tập kết bảo đảm giữ bí mật là điều cực kỳ khó khăn. Thứ hai, trong điều kiện địa hình hiểm trở và hoạt động đánh phá ác liệt của địch, yêu cầu bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho một lực lượng lớn của chiến dịch trở nên khó khăn gấp bội. Thứ ba, trận này đánh không phải chỉ là bộ binh như trước mà là lực lượng bộ binh cơ giới, có xe tăng, pháo tự hành, tên lửa chống tăng B-72. Từ phía tây, ta làm đường vượt qua điểm cao hơn 1.000m phía bắc Ngọk Tụ về bắc-đông bắc Tân Cảnh, qua suối Đăk Ta Ka, qua Đường 14, bí mật đưa xe tăng đánh từ phía đông vào Tân Cảnh.

Khu tượng đài chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh.  Ảnh: QUANG VINH

Bằng quyết tâm cao độ, tinh thần dũng cảm, sáng tạo của các lực lượng tham gia chiến dịch đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành chủ trương đề ra, tạo thuận lợi cho việc giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh chỉ trong thời gian ngắn. Đập tan được cụm phòng ngự then chốt ở Đăk Tô-Tân Cảnh, xem như thế trận Bắc Tây Nguyên của địch bị phá vỡ. Địch co lại xung quanh thị xã Kon Tum trong phạm vi không quá 20km, còn toàn bộ tỉnh Kon Tum được giải phóng, trừ 3 điểm chốt từ xa: Plei Kần, Đăk Pét, Măng Đen. Sau đó, 3 điểm chốt này cũng bị ta nhổ nốt.

Có thể nói, trận tiến công Đăk Tô-Tân Cảnh trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên là sự kế tục, phát triển Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào năm 1971, đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ-ngụy.

Trong Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào năm 1971, ta lấy đánh địch ngoài công sự làm chính bằng các hình thức chiến thuật phục kích, vận động tiến công, tập kích... Đến Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972, ta đã tổ chức và thực hiện thành công nghệ thuật tạo lập thế trận, nghi binh, dụ địch ra khỏi công sự, thực hiện giam chân, chia cắt và làm giảm sức chiến đấu của địch để tập trung lực lượng tiến công vào nơi địch sơ hở, tiêu diệt cụm cứ điểm Đăk Tô-Tân Cảnh, mở đường tiến công vào thị xã Kon Tum. Trong trận Đăk Tô-Tân Cảnh, chúng ta tiêu diệt địch lớn trong và ngoài công sự tương đương một sư đoàn (thiếu), từ đó cho thấy ta không chỉ có khả năng tiêu diệt lớn địch ngoài công sự mà còn cả trong công sự. Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh thể hiện bước phát triển nghệ thuật chiến dịch tiến công bằng hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, tốc độ nhanh, giành thắng lợi quyết định. Đây là lần đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên, ta đã tổ chức được một chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, phức tạp.

Cần thấy rằng, các đòn tiến công dồn dập trên chiến trường Bắc Tây Nguyên đã đánh mạnh vào tuyến phòng thủ ngoại vi của Mỹ-ngụy trên dãy điểm cao tây sông Pô Kô. Lợi dụng thế bố trí dài và hẹp của địch trên địa bàn rừng núi Bắc Tây Nguyên, ta tạo thế chia cắt, buộc địch phải đối phó cả ở phía trên và dưới thị xã Kon Tum, khiến hai lữ đoàn dù và Sư đoàn 23 ngụy bị giam chân không thể ứng cứu cho nhau. Ngày 24-4-1972, sau một ngày chiến đấu quyết liệt, ta tiến hành đột phá hệ thống phòng thủ kiên cố đang bị cô lập của Sư đoàn 22 ngụy ở Đăk Tô-Tân Cảnh, giải phóng khu vực Đăk Tô-Tân Cảnh. Lần đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên, ta tiêu diệt được một căn cứ sư đoàn trên tuyến phòng thủ vững chắc của địch.

Với thắng lợi của trận đột phá tuyến phòng ngự Đăk Tô-Tân Cảnh trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972, ta đã cơ bản thực hiện được ý định chiến lược làm thay đổi cục diện chiến trường Tây Nguyên, phối hợp tác chiến tạo ra hành lang nối liền Mặt trận Trị Thiên với Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, cùng những chiến thắng trên hướng tiến công chủ yếu ở Trị Thiên và hướng phối hợp Đông Nam Bộ là những đòn tiêu diệt chiến dịch có ý nghĩa chiến lược đã góp phần tạo ra một cục diện mới trên chiến trường miền Nam, đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh", buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27-1-1973), rút quân khỏi Việt Nam; quân và dân ta hoàn thành được một mục tiêu chiến lược “Đánh cho Mỹ cút” và tiến lên hoàn thành mục tiêu “Đánh cho ngụy nhào” đúng với tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kết quả này góp phần tạo thế, tạo lực cho Chiến dịch Tây Nguyên (3-1975) giành thắng lợi, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trung tướng NGUYỄN QUỐC THƯỚC, Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 (trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên), nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Anh hùng LLVT nhân dân


Theo qdnd.vn

https://ct.qdnd.vn/ho-so-tu-lieu/hoi-uc-ve-chien-thang-dak-to-tan-canh-nam-1972-527858

  • Từ khóa