Chi phí nhập khẩu nông sản đẩy giá thức ăn chăn nuôi nước ta lại một lần nữa tăng lên từ đầu tháng 5 này, trong khi giá thịt lợn vẫn chỉ đang ở trong xu hướng đi ngang. Các doanh nghiệp chăn nuôi nước ta vẫn đang loay hoay thoát khỏi thế gọng kìm này trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi trở nên thắt chặt hơn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Giá các mặt hàng nông sản như ngô, lúa mì, đậu tương thế giới đều đang ở mức cao trong nhiều năm qua sau các đợt tăng mạnh liên tiếp do nguồn cung ở một số nước sản xuất chính bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi và chiến tranh ở Biển Đen.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường nông sản thế giới mặc dù biến động bất ổn trong 2 năm gần đây nhưng vẫn có tính chu kỳ. Mỗi giai đoạn khác nhau trong năm, thị trường sẽ chú ý hơn tới các yếu tố riêng để đánh giá về nguồn cung toàn cầu. Hiện tại, ngô là đang là mặt hàng đáng quan tâm nhất khi mùa vụ ở các nước sản xuất chính đều đang bước vào thời điểm quan trọng.
Mỹ, Brazil và Argentina là 3 quốc gia sản xuất ngô lớn nhất thế giới và đồng thời cũng là thị trường xuất khẩu cho Việt Nam. Chi phí của ngành chăn nuôi nước ta sẽ phụ thuộc rất nhiều vào triển vọng mùa vụ tại những quốc gia này. Nếu như Argentina đã bước vào giai đoạn thu hoạch, Mỹ chỉ vừa bắt đầu gieo trồng thì ngô tại Brazil lại đang ở trong giai đoạn phát triển quan trọng.
Ngô vụ 2 của Brazil đang đứng trước nguy cơ bị thiệt hại
Nguồn cung ngô tại quốc gia xuất khẩu ngô lớn thứ 2 thế giới này chủ yếu đến từ vụ thứ 2, với ¾ sản lượng cả năm. Những kỳ vọng về mùa vụ 1 vừa rồi đã hoàn toàn bị dập tắt do hạn hán vào cuối năm ngoái đã khiến cho sản lượng ước tính giảm xuống còn 23 triệu tấn từ mức 30 triệu tấn. Chính vì thế nên triển vọng mùa vụ thứ 2 đang diễn ra càng có ảnh hưởng tới giá hơn.
Mặc dù hoạt động gieo trồng ngô vụ 2 đã diễn ra khá nhanh với 90% đã hoàn thành vào cuối tháng 2, giai đoạn được xem là lý tưởng. Tuy nhiên, khô hạn lại một lần nữa đang đe dọa đến sản lượng của Brazil. Theo cơ quan thời tiết EarthDaily Agro, bang sản xuất ngô lớn nhất của Brazil đang phải đối mặt với thời tiết trong tháng 4 khô hạn nhất trong 17 năm. Cụ thể, lượng mưa tích lũy trong tháng 4 ở bang Mato Grosso, bang sản xuất ngô vụ 2 lớn nhất Brazil, thấp hơn 70% so với mức trung bình trong thập kỷ qua.
Cùng với nhiệt độ nóng, năng suất ngô vụ 2 nhiều khả năng cũng sẽ bị cắt giảm. Trong vài thập kỷ qua, có khoảng 6 năm Brazil chứng kiến lượng mưa thiếu hụt trong tháng 4, thì chỉ có 1 năm năng suất được đánh giá là tốt. Độ ẩm được bù đắp vào tháng 5 là yếu tố đã giúp mùa vụ hồi phục trở lại. Tuy nhiên, dự báo thời tiết ở Mato Grosso cho thấy lượng mưa trong tháng 5 thậm chí có thể sẽ giảm mạnh hơn và chỉ bằng 1/3 so với tháng 4.
Ở những khu vực gieo trồng khác tại Brazil, triển vọng mùa vụ cũng không tích cực hơn. Theo Bộ Kinh tế Nông thôn (Deral), mưa quá nhiều trong tháng 4 đã khiến chất lượng ngô vụ 2 niên vụ 21/22 tại Parana, bang miền nam Brazil, lại giảm nhẹ. Cụ thể, 92% diện tích ngô được đánh giá chất lượng tốt, so với mức 96% trong tuần trước.
Nguồn cung thắt chặt dẫn tới triển vọng xuất khẩu kém hơn
Trước tình hình hiện tại về mùa vụ thứ 2, gần đây, một số tổ chức uy tín trên thế giới cũng đã cắt giảm sản lượng ngô của Brazil. Hãng tư vấn StoneX dự báo sản lượng ngô vụ 2 niên vụ 2021/22 của Brazil sẽ đạt mức 88,14 triệu tấn, thấp hơn so mức 91,9 triệu tấn trong ước tính trước.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự đoán xuất khẩu ngô của Brazil niên vụ 21/22 sẽ đạt mức kỷ lục 44,5 triệu tấn, cao hơn gấp đôi so niên vụ trước. Tuy nhiên, theo MXV, đấy là với giả định tổng sản lượng sẽ đạt 116 triệu tấn, con số quá cao so với những ảnh hưởng của thời tiết gần đây. Trong bối cảnh nguồn cung ngô Mỹ vẫn còn chưa rõ ràng do giai đoạn gieo trồng vừa bắt đầu thì triển vọng ngô vụ 2 của Brazil sẽ tiếp tục khiến cho giá neo ở mức cao hiện nay.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/nong-san/nganh-chan-nuoi-lo-gia-nguyen-lieu-cho-thuc-an-tang-cao-696040/