Cần nâng khung hình phạt với tội danh sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả

Thứ 3, 07.03.2023 | 14:43:39
645 lượt xem

Với các mục đích khác nhau như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xin việc, hợp thức hóa bằng cấp, nhiều người đã mua và sử dụng giấy tờ giả. Các ổ nhóm sản xuất giấy tờ giả nở rộ khiến việc mua bán ngày càng dễ dàng. Sử dụng giấy tờ giả gây nhiều hậu quả khôn lường cho xã hội. Ngăn ngừa loại tội phạm này luôn là vấn đề cấp thiết.

Chỉ cần chờ khoảng 2 ngày và bỏ ra 2-3 triệu đồng, người có nhu cầu đã có thể sở hữu các loại giấy tờ giả, như: Bằng đại học, thạc sĩ, giấy phép lái xe... Trên mạng xã hội Facebook, Zalo có hàng chục nhóm làm bằng giả, làm giấy tờ giả” hoạt động, chào bán. Ngày 29-12-2022, lực lượng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã triệt phá nhóm đối tượng hoạt động sản xuất, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả qua internet. Đường dây do Trần Phúc, sinh năm 1983 và Nguyễn Thị Tươi, sinh năm 1985, trú tại phường Phú Hữu (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cầm đầu.

Đường dây này hoạt động từ năm 2018, đã sản xuất, in ấn và bán hàng nghìn bằng cấp, giấy tờ giả cho người mua ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, số tiền hưởng lợi lên đến hơn 30 tỷ đồng. Kết quả kiểm tra, khám xét nơi ở của các đối tượng, công an thu giữ 2 máy tính, 20 điện thoại di động, 1.000 con dấu giả, 3.000 tem giả, 6.000 phôi bằng cấp giả, 1.100 bằng cấp giả đã in ấn và nhiều máy in màu, máy scan, máy ép nhựa phục vụ hoạt động sản xuất bằng cấp, giấy tờ giả. Trước đó, ngày 23-11-2022, Công an thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên) đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Vũ Mạnh Tuấn, sinh năm 1989, trú tại phường Việt Hưng (quận Long Biên, TP Hà Nội) và Lý Văn Xuân, sinh năm 1988, trú tại xã Văn Phú (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) để làm rõ hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tại cơ quan công an, Xuân khai nhận đã mua các giấy tờ giả trên của Vũ Mạnh Tuấn. Khám xét khẩn cấp tại căn hộ của Tuấn ở khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên, TP Hà Nội), cơ quan điều tra thu giữ hàng trăm con dấu của các trường đại học, dấu chứng thực, bản sao, chức danh, phôi bằng thạc sĩ, bằng đại học...

Cần nâng khung hình phạt với tội danh sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả
 Công an thị xã Mỹ Hào kiểm đếm tang vật thu giữ trong quá trình điều tra vụ án.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Vương Văn Bắc, Phó trưởng Công an thị xã Mỹ Hào cho biết: “Đối tượng Vũ Mạnh Tuấn đã thực hiện hành vi làm giả giấy tờ từ năm 2021, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng. Phần lớn các đối tượng này đều tự thực hiện hầu hết mọi công đoạn, từ chế tạo phôi các loại văn bằng, chứng chỉ cho đến chữ ký, con dấu của cơ quan có thẩm quyền. Các đối tượng cũng thường xuyên cập nhật tin tức, chữ ký của cán bộ lãnh đạo các cấp để sao chép, từ đó làm giả giấy tờ liên quan. Để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, các đối tượng chỉ giao dịch trực tuyến chứ không có địa chỉ cụ thể”.

Đã có rất nhiều người dân “tiền mất tật mang” khi mua và sử dụng giấy tờ giả. Ngày 15-5-2022, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp Công an quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) phát hiện N.T.P.A, sinh năm 2000, thường trú tại phường Thanh Bình (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) đã có hành vi sử dụng tài liệu giả mang tên N.T.Q.N để thi hộ cho N trong kỳ thi cấp chứng chỉ Vstep của Trường Đại học Ngoại ngữ. Được biết, N đã lên internet và đặt làm thẻ căn cước công dân mang thông tin của N có ảnh chân dung của P.A với giá 1 triệu đồng. Sau khi nhận được giấy tờ giả, N giao cho P.A để P.A tham gia thi hộ N. Trong quá trình P.A thi hộ N đã bị hội đồng thi phối hợp với Công an quận Cầu Giấy phát hiện. Hành vi của N.T.P.A và N.T.Q.N đã cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Công an quận Cầu Giấy đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, xử lý theo quy định của pháp luật.

Dù lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, triệt phá hàng trăm ổ nhóm làm giấy tờ giả, nhưng loại tội phạm này vẫn diễn biến phức tạp. “Trước khả năng làm giả giấy tờ ngày càng tinh vi, vấn đề đặt ra là cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là giữa các tổ chức hành nghề công chứng với cơ quan công an; đồng thời nâng cao năng lực, nghiệp vụ của đội ngũ nhân viên làm công tác hành chính, công chứng tại các cơ quan công quyền. Chúng ta phải tích cực tuyên truyền để người dân không mua và sử dụng giấy tờ giả, khi phát hiện các hành vi làm giả và sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, cần tham gia tố giác. Một giải pháp được đánh giá có vai trò cần thiết là phải nâng khung hình phạt với tội danh sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả”, Thượng tá Vương Văn Bắc đề nghị.


HUYỀN TRANG - THU THỦY

https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/can-nang-khung-hinh-phat-voi-toi-danh-su-dung-giay-to-bang-cap-gia-720882

  • Từ khóa