Không để tình trạng độc quyền, đẩy giá thuê công trình viễn thông lên cao

Thứ 5, 22.06.2023 | 15:00:11
587 lượt xem

Đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát quy định về công trình viễn thông và nghĩa vụ của doanh nghiệp đảm bảo tương thích các quy định pháp luật hiện hành.

Hiệu quả hoạt động của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích chưa cao

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Viễn thông sửa đổi sáng 22/6, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho biết, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích cần nguồn kinh phí lớn phát triển, duy trì hạ tầng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông tại vùng kinh tế có điều kiện xã hội đặc biệt khó khăn mà ngân sách nhà nước khó đảm đương.

Thông qua cơ chế đóng góp nguồn tài chính từ quỹ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng được hưởng lợi, doanh thu sẽ tăng khi đời sống của người dân vùng sâu vùng xa cải thiện.

Không để tình trạng độc quyền, đẩy giá thuê công trình viễn thông lên cao - 1

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Ảnh: quochoi.vn).

Để khắc phục bất cập trong triển khai hoạt động của quỹ, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng các chương trình viễn thông công ích cần xác định rõ mục tiêu hỗ trợ của quỹ, các quy định về đóng góp, giải ngân.

"Nếu thực hiện theo nguyên tắc thu, chi tương ứng, chưa có nhiệm vụ chi mà không thu để tránh tồn dư quỹ theo như tờ trình của Chính phủ thì thật là không hợp lý theo quy định của pháp luật", nữ đại biểu nêu ý kiến.

Báo cáo tổng kết thi hành luật đưa ra nhận định Quỹ dịch vụ viễn thông công ích chưa đạt được mục tiêu đề ra, hiệu quả hoạt động chưa cao, việc thực hiện còn nhiều khó khăn. Thực tế, việc sử dụng quỹ trong thời gian qua mới hỗ trợ mạng viễn thông và các thiết bị đầu cuối.

Đại biểu này cho rằng cần làm rõ số dư của quỹ, quỹ thu từ phần đóng góp của doanh nghiệp để chi cho hoạt động nào, vì mục tiêu công ích hay cho người dân?

Một số nhiệm vụ chi của quỹ trùng lặp với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước như chi hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận dịch vụ viễn thông công ích…

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ quỹ này thuộc về ai quản lý, cơ chế thu chi rõ ràng, minh bạch, quy định rõ đối tượng chi trong vận hành quỹ.

Bên cạnh đó, nữ đại biểu cũng đề nghị rà soát quy định về công trình viễn thông và nghĩa vụ doanh nghiệp đảm bảo khả thi, tương thích với quy định của Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công...

"Cần hoàn thiện quy định kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, không để xảy ra tình trạng độc quyền, đẩy giá thuê công trình lên cao, bất hợp lý", đại biểu Điểu Huỳnh Sang nhấn mạnh.

Đối tượng áp dụng khó khả thi

Về đối tượng áp dụng, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) cho biết, dự thảo áp dụng đối tượng là tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài. Theo ý kiến của đại biểu, việc quy định trên khó khả thi với những pháp nhân không có sự nhận diện tại Việt Nam.

Không để tình trạng độc quyền, đẩy giá thuê công trình viễn thông lên cao - 2

Đại biểu Tráng A Dương (ảnh: quochoi.vn).

"Bởi lẽ để duy trì một môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng như các nhà cung cấp dịch vụ số, tôi đề nghị giới hạn phạm vi áp dụng của luật với cá nhân, tổ chức thành lập hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam", đại biểu đề xuất.

Khoản 2 Điều 18 của dự án luật nêu: không cung cấp dịch vụ viễn thông với giá cước thấp hơn giá thành. Đại biểu Tráng A Dương đề nghị xem xét lại quy định này do không phải lúc nào việc cung cấp hàng hóa dịch vụ thấp hơn giá thành cũng là hợp pháp.

Trong đó, Điều 91 Luật Thương mại quy định quyền thương mại của tư nhân, Luật Cạnh tranh cũng không cấm hành vi bán hàng hóa dịch vụ dưới giá thành.

Mặt khác, khoản 1 Điều 27 Luật Cạnh tranh chỉ quy định việc cấm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, thực hiện hành vi bán hàng, cung cấp dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

Chính vì vậy, đại biểu này đề nghị cần nghiên cứu bỏ quy định nêu trên của dự thảo luật để thống nhất quy định pháp luật khác.

Theo đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh), Điều 3 của dự án luật quy định hoạt động viễn thông bao gồm đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông cơ bản, dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng hài hòa hoạt động viễn thông công ích, kết nối chia sẻ hoạt động viễn thông.

Không để tình trạng độc quyền, đẩy giá thuê công trình viễn thông lên cao - 3

Đại biểu Thạch Phước Bình (ảnh: quochoi.vn).

Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng nội dung của dự thảo tập trung vào hoạt động viễn thông giống như quy định hiện hành. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu làm rõ hơn nội hàm hoạt động viễn thông và bổ sung các quy định cho phù hợp.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, hoạt động viễn thông bao gồm việc tham gia hoạt động viễn thông, đảm bảo an toàn viễn thông bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ, cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động, nghiên cứu viễn thông. Từ đó, hình thành hệ thống pháp luật về viễn thông, trong đó có hoạt động kinh doanh về viễn thông.

Trong bối cảnh có sự giao thoa giữa lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông tạo ra nhiều tiện ích, đại biểu cho rằng hồ sơ dự thảo luật cần phân tích kỹ bối cảnh xây dựng chính sách, phân tích chính sách, tác động dự án luật, làm rõ lợi ích quốc gia và của doanh nghiệp trong nước, nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng.


Hoa Lê/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/xa-hoi/khong-de-tinh-trang-doc-quyen-day-gia-thue-cong-trinh-vien-thong-len-cao-20230622110559289.htm

  • Từ khóa