Đà Nẵng xây dựng Trung tâm chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm tập trung

Thứ 7, 03.08.2024 | 15:12:21
387 lượt xem

Ngày 3/8, Sở Công thương thành phố Đà Nẵng cho biết, Ủy ban nhân dân thành phố đã có kế hoạch triển khai đề án “Trung tâm chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.

Đà Nẵng hình thành Trung tâm chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm tập trung theo hướng áp dụng công nghệ giết mổ, chế biến hiện đại, văn minh, đúng quy định.

Theo đó, đề án nhằm hình thành Trung tâm chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm tập trung tại Cụm công nghiệp Hòa Nhơn 1 (huyện Hòa Vang) theo hướng áp dụng công nghệ giết mổ, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm hiện đại, văn minh và bảo đảm đúng quy định.

Theo Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, sản lượng chăn nuôi của thành phố chỉ đáp ứng khoảng 10%-15% nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm của người dân. Do đó, thành phố phải nhập khoảng 85%-90% số lượng gia súc, gia cầm từ các địa phương khác như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định,...

Nhìn chung, tất cả gia súc, gia cầm nhập vào cơ sở giết mổ đều có nguồn gốc rõ ràng và có đầy đủ giấy chứng nhận vận chuyển động vật theo quy định. Tuy nhiên, hầu hết gia súc, gia cầm (bao gồm còn sống và đã được giết mổ) được đưa trái phép vào các chợ trên địa bàn thành phố lại không có nguồn gốc rõ ràng.

Bên cạnh đó, thành phố chưa kiểm soát được chất lượng của phần lớn gia súc, gia cầm được nhập (bao gồm hợp pháp và trái phép).

Đà Nẵng xây dựng Trung tâm chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm tập trung ảnh 1
Dự kiến đến năm 2025, mỗi ngày Đà Nẵng giết mổ khoảng 2.100-2.200 con lợn, 100-110 con bò, 4.900-5.120 con gia cầm.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 8 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nằm rải rác ở quận Cẩm Lệ, quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang.

Đa số các cơ sở giết mổ gia súc đều áp dụng phương thức giết mổ thủ công hoặc bán thủ công trên dây chuyền. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở đều được xây dựng cách đây từ 10 đến 20 năm và hiện đã xuống cấp.

Do đó, các cơ sở này không đáp ứng được Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực thú y được ban hành kèm theo Thông tư số 13/2017/TT-BNNPTNT và yêu cầu đối xử nhân đạo với động vật được quy định trong Luật Thú y 2015 và Luật Chăn nuôi 2018.

Thực tế này đòi hỏi thành phố cần phải có chủ trương và kế hoạch tổ chức lại hệ thống giết mổ và chế biến sản phẩm thịt gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp.

Vì vậy, việc hình thành Trung tâm chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm tập trung sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cơ quan quản lý nhà nước và của người tiêu dùng; các điều kiện về an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, kiểm soát dịch bệnh...

Trung tâm dự kiến có công suất cho từng loại gia súc, gia cầm: Đối với giết mổ lợn, từ 2.500-3.000 con/ngày giai đoạn 2022-2030, thu hút đầu tư 3 dây chuyền; và tăng lên công suất 3.200-3.500 vào giai đoạn sau.

Đối với giết mổ bò sẽ đạt 180-200 con/ngày; sẽ tăng lên 280-300 con vào giai đoạn sau. Đối với giết mổ gia cầm, giai đoạn 2022-2030 đạt 6.800-7.000 con/ngày, tăng lên 11.000-12.000 con giai đoạn 2030-2050.

Đà Nẵng quy hoạch khoảng 10-15ha trong Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm đã được tích hợp vào quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050, kêu gọi các Chủ đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến sản phẩm gia súc gia cầm (trong đó có giết mổ).

Sau khi Cụm công nghiệp được triển khai hoàn thành công tác đầu tư theo quy định, phấn đấu có nhà máy, cơ sở chế biến sản phẩm gia súc gia cầm đi vào hoạt động sau năm 2026.

Thành phố giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp các cơ quan, sở ngành tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện và điều phối việc triển khai, thực hiện xây dựng Trung tâm.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/da-nang-xay-dung-trung-tam-che-bien-san-pham-gia-suc-gia-cam-tap-trung-post822482.html

  • Từ khóa