Ghi nhận tại các siêu thị, chợ dân sinh, hay cửa hàng tiện lợi tại Hà Nội, hàng hóa rất dồi dào, cùng với đó không còn cảnh người dân chen lấn mua hàng.
Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn Hà Nội tăng cường nguồn cung hàng hóa, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Và theo ghi nhận của PV VOV, tại Hà Nội đã không còn cảnh người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ. Ở một số chợ dân sinh, siêu thị hay cửa hàng tiện lợi, hàng hóa, thực phẩm thiết yếu khá dồi dào, giá ổn định.
Tại siêu thị Big C Thăng Long, các kệ hàng tươi sống như rau củ, thịt, cá.. được liên tục bổ sung, quầy hàng mì gói, dầu ăn, trái cây thì chất đầy ắp hàng hóa, người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, hiện nay, tất cả các hệ thống siêu thị đã xây dựng chi tiết kịch bản ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm đủ hàng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. |
Tại siêu thị Co.opmart Hà Đông, hàng hóa phong phú, đa dạng về chủng loại, đặc biệt, bất kỳ mặt hàng nào đó có dấu hiệu sắp hết hàng, các nhân viên đều bổ sung kịp thời. Ngoài rau xanh, thịt cá hay là mì tôm… các mặt hàng thực phẩm khác như bánh, kẹo cũng rất phong phú và đa dạng về chủng loại.
Hiện nay, các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi đã không xảy ra tình trạng bị động, thiếu hàng mà đáp ứng rất tốt nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Big C, Tập đoàn đã làm việc với các nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng, đồng thời huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa. Với sự chủ động, nỗ lực, hệ thống siêu thị Big C bảo đảm luôn đủ nguồn hàng cung ứng và cam kết giữ ổn định giá bán các mặt hàng thực phẩm thiết yếu.
"Chúng tôi cũng phải vận động hết tất cả nguồn lực ở trong nước về nguồn cung làm việc với các cấp, các hộ nông dân, hợp tác xã, tăng tần suất giao hàng. Tiếp theo nữa là một số mặt hàng mà chúng ta đang bị dịch bệnh như thịt lợn, chúng tôi cũng đã làm việc với một số nước nhập khẩu thịt lợn về để đảm bảo nguồn cung.
Hàng sẽ về tới siêu thị để giảm tải. Chúng tôi mở cửa sớm hơn và đóng cửa muộn hơn. Bên cạnh đó, để giảm bớt tâm lý lo lắng, hoang mang của khách hàng của chúng tôi cam kết không tăng giá sản phẩm, luôn có đủ hàng" - bà Phương cho biết.
Tại các chợ dân sinh hàng hóa rất dồi dào, cùng với đó không còn cảnh người dân chen lấn mua hàng. |
Trước những diễn biến mới nhất của dịch Covid-19, đại diện Liên hiệp HTX thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cũng khẳng định, Saigon Co.op không tăng giá trên toàn hệ thống và luôn đảm bảo đáp ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân. Bên cạnh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được đảm bảo cung ứng thì các sản phẩm đặc thù dành riêng cho phòng chống dịch như nước rửa tay hay khẩu trang luôn sẵn sàng tăng cường cho các điểm bán.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Giám đốc Saigon Co.op Hà Nội cho biết: "Hệ thống Saigon Co.op cũng đã triển khai phương án dự trữ nguồn hàng thiết yếu tại 3 tổng kho lớn trên cả nước. Dự kiến là hơn 500 tỷ đồng để cung ứng cho toàn bộ hệ thống, đảm bảo nguồn cung cho thị trường cả nước, đồng thời hệ thống siêu thị cũng khẳng định là không tăng giá hàng hóa trên toàn hệ thống.
Các điểm bán liên tục khử trùng dụng cụ tiếp xúc với khách hàng như giỏ hàng và xe đẩy, quầy kệ và các nhân viên được đo nhiệt kế trước khi hết ca làm việc, đeo khẩu trang rửa tay thường xuyên. Bên cạnh đảm bảo nguồn hàng hệ thống siêu thị ở Hà Nội cũng đã tăng cường nhân sự để đặt hàng qua điện thoại".
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, hiện nay, tất cả các hệ thống siêu thị đã xây dựng chi tiết kịch bản ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm đủ hàng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo bà Hậu: "Chúng tôi cũng muốn nói với toàn thể người dân là không nên vội vã để gây ảnh hưởng đến tình hình giá cả của thị trường, hãy bình tĩnh để nghe ngóng tất cả những thông tin chính thống trên phương tiện thông tin đại chúng của Nhà nước.
Hà Nội là luôn đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho người dân, kể cả bất kỳ trong trường hợp nào. |
Chính phủ cũng đã đang rất gấp rút chỉ đạo cho Hà Nội để phòng chống và không để cho tình trạng hàng hóa mà thiếu thốn. Đối với các hệ thống bán lẻ thì cũng đã có những sự chuẩn bị tới các nhà cung cấp và họ cũng khẳng định là hàng hóa không hề thiếu. Do vậy mà người dân cũng hết sức bình tĩnh, cân nhắc mua sản phẩm thực phẩm thiết yếu cho gia đình mình, không nên dự trữ quá nhiều hay hoang mang quá".
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội, trong bất kỳ tình huống nào hệ thống phân phối của Hà Nội cũng đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, kể cả khi lượng mua sắm tăng cao, nhu cầu tăng đột biến.
Đồng thời, Sở Công Thương TP. Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của thành phố. Trong đó tập trung vào cấp độ 3-4, bảo đảm sẵn hàng hóa phục vụ nhân dân và phục vụ cho địa phương có khu vực cách ly của thành phố.
Ngoài ra, Sở chỉ đạo các nhà cung cấp, các nhà sản xuất bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa cho các hệ thống phân phối và phục nhu cầu của nhân dân; chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra./.
Bá Toàn/VOV.VN