Nâng cao giá trị gạo xuất khẩu

Chủ nhật, 19.01.2025 | 08:45:47
47 lượt xem

Năm 2024 là năm thành công của xuất khẩu gạo, khi tăng trưởng mạnh cả về sản lượng lẫn giá bán, đồng thời tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm.

Song, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường, nhất là những áp lực về giá. Định hướng của Bộ Công Thương thời gian tới là sẽ tận dụng các ưu thế từ các hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu để từ đó nâng cao giá trị của hạt gạo Việt Nam. 

Giữ vững vị thế trong tốp 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới

Xuất khẩu gạo năm 2024 tiếp tục lập kỷ lục, giúp Việt Nam giữ vững vị thế tốp 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 9,18 triệu tấn, thu về 5,75 tỷ USD. So với năm 2023, mặc dù khối lượng xuất khẩu chỉ tăng khoảng 13% nhưng kim ngạch tăng tới 23% nhờ giá gạo xuất khẩu tăng mạnh. Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin: Xuất khẩu gạo năm 2024 đạt kỷ lục một phần nhờ đơn giá cao hơn những năm trước. Gạo Việt Nam đạt đơn giá xuất khẩu bình quân 627USD/tấn (trước đây dưới 600USD/tấn), tăng khoảng 9% so với năm 2023.

Về thị trường, gạo Việt Nam đã đi khắp thế giới với khoảng 150 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các doanh nghiệp cũng đã tận dụng tốt cơ hội thị trường từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia..., hạt gạo Việt Nam cũng đã mở rộng sang các thị trường khó tính và tiềm năng như châu Âu, Hoa Kỳ Canada, Chile... Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu đã tập trung xuất khẩu các chủng loại gạo có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và ưu thế của Việt Nam ngày càng tăng mạnh như: Gạo thơm, ST các loại, gạo trắng cao cấp, gạo japonica.

Nâng cao giá trị gạo xuất khẩu

Sản phẩm gạo xuất khẩu của Công ty TNHH Gạo Vinh Phát (An Giang). Ảnh: TTXVN 

Tuy vậy, bước sang năm 2025, nhiều dự báo cho thấy, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, nhất là giá gạo có xu hướng giảm. Cùng với đó, công tác phát triển thị trường chưa được hỗ trợ tương xứng với tiềm năng ngành hàng. Các thương nhân chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu...

Lý giải vấn đề về giá, ông Trần Thanh Hải cho biết, giá gạo không thể nào tăng mãi được, khi đã lên đến đỉnh thì sẽ phải giảm. Hiện nay, Ấn Độ đã bãi bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, lượng gạo Ấn Độ dồi dào tạo ra sức ép trên thị trường, khiến giá gạo có xu hướng giảm. "Sản lượng gạo trên thế giới dồi dào sẽ tác động đến giá gạo của thế giới, trong đó có cả các nước như Thái Lan, Pakistan chứ không riêng Việt Nam", ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao

Kiến nghị các giải pháp bền vững, nâng cao giá trị cho gạo xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh tới việc bảo đảm chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Cùng với đó, ở giai đoạn này, doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự hỗ trợ về vốn của các ngân hàng để mua gạo dự trữ. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần hoàn thuế xuất khẩu sớm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Với vai trò quản lý nhà nước, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.

Để thúc đẩy xuất khẩu gạo trong năm 2025, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại; linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại; khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao mà ta đã thâm nhập được trong các năm vừa qua là Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường công tác thông tin thị trường; chủ động biện pháp ứng phó khi có diễn biến bất thường, thúc đẩy xuất khẩu gạo.

Bộ Công Thương cũng đề nghị hiệp hội, thương nhân cần tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động tiêu thụ gạo trong và ngoài nước, đặc biệt đối với việc bảo đảm đầy đủ các chứng từ, hồ sơ truy xuất nguồn gốc đầy đủ trong quá trình từ thu mua đến chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu, bảo đảm không gian lận thương mại, giữ gìn hình ảnh thương hiệu, uy tín của gạo Việt Nam. Tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ chất lượng gạo xuất khẩu theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu, đặc biệt lưu ý các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm do các thị trường nhập khẩu ngày càng siết chặt.

Thông tin thêm về vấn đề xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ, đầu năm 2025, Chính phủ có Nghị định số 01/2025/NĐ-CP là nghị định đầu tiên của năm 2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15-8-2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo. "Trong đó, Chính phủ đã đề ra các giải pháp quản lý rõ ràng, mạch lạc hơn về tình hình xuất khẩu gạo nhằm góp phần bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Đồng thời điều tiết giá gạo, bảo đảm chất lượng gạo, đặc biệt là xây dựng thương hiệu gạo. Đây là các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo thời gian tới", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nang-cao-gia-tri-gao-xuat-khau-812180

  • Từ khóa