Văn Quan: Nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả

Thứ 6, 13.08.2021 | 14:35:52
1,288 lượt xem

Những năm gần đây, huyện Văn Quan đã triển khai có hiệu quả dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, qua đó, tạo sinh kế lâu dài, bền vững cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo, giúp người dân tăng thu nhập.

Là một trong những hộ được lựa chọn tham gia dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, năm 2018, gia đình ông Lành Văn Vọng, thôn Lùng Tàu – Lùng Pha, xã An Sơn được hỗ trợ 12 triệu đồng, cùng với nguồn vốn đối ứng của gia đình, ông Vọng đã mua 1 con ngựa sinh sản với giá 17 triệu đồng. Ông Vọng chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thiếu vốn sản xuất nên chưa có điều kiện để chăn nuôi gia súc. Từ khi tham gia dự án, tôi được hỗ trợ vốn, có thêm kinh nghiệm chăm sóc ngựa, sau 2 năm, ngựa mẹ đã đẻ 2 con ngựa con. Đầu năm 2021, tôi xuất bán 1 con ngựa con với giá 12 triệu đồng. Nhờ đó, tôi có vốn đầu tư trồng cỏ voi và mua thêm 1 con ngựa giống để tăng đàn, mở hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình.

Người dân xã Liên Hội chăm sóc đàn bò được hỗ trợ từ dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”

Ông Nông Trần Cảnh, Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết: Triển khai dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, chúng tôi rà soát và lựa chọn các hộ khó khăn thực sự cần đến nguồn hỗ trợ và đề xuất với huyện. Năm 2018, từ dự án, 22 hộ nghèo, mỗi hộ 15 triệu đồng (các hộ đối ứng thêm) mua  22 con ngựa giống để phát triển chăn nuôi. Nuôi ngựa phù hợp với điều kiện của địa phương, qua đó mô hình đã bước đầu đem lại hiệu quả. Từ 22 con ngựa được hỗ trợ, đến nay, tổng đàn đã tăng lên 53 con, một số hộ dân đã xuất bán và tiếp tục đầu tư phát triển mô hình. Nhờ nguồn vốn của dự án, đến nay, đã có 10/22 hộ tham gia dự án vươn lên thoát nghèo.

Tương từ năm 2018 đến nay, 87 hộ nghèo, cận nghèo của xã Liên Hội cũng được hỗ trợ  87 con bò sinh sản. Với địa hình đồi thoải, nhiều bãi chăn thả rộng, đàn bò phát triển rất tốt. Đến nay, tổng đàn đã tăng lên 105 con, trong đó, một số hộ đã xuất bán đem lại giá trị kinh tế cao. Mô hình chăn nuôi bò sinh sản đã có tác động tích cực đến người dân, tạo động lực để người dân vươn lên phát triển kinh tế, hiện, đã có 40 hộ nhận bò hỗ trợ thoát nghèo.

Dự án Nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững được ngân sách Nhà nước bố trí vốn hằng năm, đối tượng thụ hưởng dự án là hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Triển khai dự án, từ năm 2018 đến nay, 714 hộ thuộc 11 xã trên địa bàn huyện đã được hỗ trợ con giống, cây giống để phát triển sản xuất. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, các cơ quan chuyên môn huyện đã quan tâm, hướng dẫn các hộ dân cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Nhờ vậy, nhiều mô hình đã được nhân rộng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Bà Hoàng Thị Tuyết, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, xã hội – Dân tộc huyện cho biết: Qua hơn 3 năm triển khai, dự án đã trở thành “đòn bẩy” tạo sinh kế cho người dân. Trong quá trình thực hiện, phòng đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo sát sao các phòng chuyên môn theo dõi tiến độ thực hiện, đồng thời trực tiếp triển khai dự án đến các xã. Hằng năm, phòng đã phối hợp với các xã và các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức 2 hoặc 3 lớp tập huấn với 300 lượt người tham gia về kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cây trồng, vật nuôi… Qua đó, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, các mô hình được hỗ trợ đều mang lại hiệu quả kinh tế. Từ đó, từng bước nâng cao đời sống cho người dân, đến nay, trong số các hộ được hỗ trợ có 305 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo và 150 hộ cận nghèo vươn lên trung bình.

Có thể khẳng định, dự án giảm nghèo đã tiếp sức cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Văn Quan có điều kiện phát triển sản xuất, Cùng với các nguồn vốn, chương trình khác của huyện, dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 16,42% (năm 2018)  xuống còn 12,06% (năm 2020).


MAI LINH - LIỄU CHANG/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/441645-van-quan-nhan-rong-mo-hinh-giam-ngheo-hieu-qua.html


  • Từ khóa