Bình Gia: Điểm sáng bảo tồn, phát huy múa sư tử dân tộc Tày, Nùng

Thứ 3, 28.09.2021 | 14:43:37
1,561 lượt xem

Bình Gia là huyện có số lượng đội múa sư tử nhiều nhất trong tỉnh và bảo lưu được nhiều nét đặc trưng cơ bản của múa sư tử dân tộc Tày, Nùng. Những năm qua, chính quyền và người dân huyện Bình Gia đã có nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy. Nhờ đó, Bình Gia được đánh giá là điểm sáng trong lưu giữ loại hình di sản độc đáo này.

Một ngày cuối tháng 9/2021, đồng hành cùng cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin (VHTT) huyện Bình Gia, chúng tôi có dịp đến thôn Nà Tèo, xã Quang Trung đúng lúc đội múa sư tử của thôn đang hăng say luyện tập. Tiếng thanh la, trống, não bạt vang rền khiến chúng tôi có cảm giác như đang tham dự lễ hội Lồng tồng đầu xuân của bà con nơi đây.

Ông Lâm Văn Đầm, Đội trưởng Đội múa sư tử thôn Nà Tèo, xã Quang Trung bày tỏ: Với chúng tôi đây là điệu múa của cha ông truyền lại nên cần phải trân trọng  gìn giữ. Năm 2019, đội múa sư tử thôn Nà Tèo thành lập với 8 thành viên, thường xuyên phục vụ tại các lễ hội truyền thống của xã, của huyện…

Đội múa sư tử thôn Nà Tèo, xã Quang Trung

Là một trong những xã tiêu biểu của huyện Bình Gia về bảo tồn, phát huy di sản múa sư tử dân tộc Tày, Nùng, hiện nay, xã Quang Trung có 7 đội múa sư tử với 51 thành viên. Ông Vi Văn Thuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Trung cho biết: Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền về giá trị của múa sư tử đến với bà con Nhân dân qua loa truyền thanh xã, lồng ghép trong các cuộc họp xã, thôn… Đồng thời, hằng năm, xã đều tổ chức múa sư tử vào các ngày lễ hội (ngày 5, 6, 7 tháng Giêng) và các sự kiện quan trọng của xã.

Không riêng xã Quang Trung, theo tổng hợp của Phòng VHTT huyện, hiện nay, Bình Gia có 30 đội, chiếm 38,5% tổng số đội múa sư tử toàn tỉnh. Các đội phân bố ở 8 xã, thị trấn, tiêu biểu như: Hoa Thám, Hồng Phong, Thiện Thuật… với 310 thành viên (trong đó có 310 nghệ nhân có thể thực hành, 59 nghệ nhân có thể truyền dạy, 4 nghệ nhân có thể làm đạo cụ, 10 nghệ nhân có thể làm lễ cúng).

Để có được những kết quả đó, những năm qua, UBND huyện Bình Gia đã thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị điệu múa sư tử. Cụ thể, năm 2016, UBND huyện đã phối hợp với Sở VHTT&DL tổ chức 1 lớp truyền dạy múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tại xã Quang Trung cho 32 học viên có độ tuổi từ 30 đến 50. Từ năm 2018 đến nay, UBND huyện đã giao Phòng VHTT phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh tiến hành khảo sát, kiểm kê, sưu tầm tư liệu hình ảnh các điệu múa, các dụng cụ dùng khi múa phục vụ công tác nghiên cứu; lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho 1 nghệ nhân nắm giữ tri thức dân gian múa sư tử. Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn duy trì việc trình diễn, múa sư tử tại các lễ hội, sự kiện văn hóa như: lễ hội Pắc Giắm, lễ hội Nà Tồng, xã Quang Trung, lễ hội Pắc Khuông, lễ hội Bản Chúc, xã Thiện Thuật… Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về nét đẹp của di sản này  thông qua các chương trình, hoạt động ngoại khóa tại các trường học…

Bà Đỗ Thị Thanh Mùi, Phó Trưởng Phòng VHTT huyện Bình Gia cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện hình thành các đội múa sư tử nòng cốt, am hiểu và thực hành thuần thục để phục vụ sinh hoạt văn hóa địa phương và trình diễn phục vụ tại các điểm, khu du lịch. Đồng thời, chúng tôi  sẽ tuyên truyền, vận động một số nghệ nhân có khả năng thiết kế, chế tác đầu sư tử thành sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch.

Có thể thấy, múa sư tử dân tộc Tày, Nùng đã trở thành di sản văn hóa quý báu không thể tách rời của tài nguyên văn hóa Bình Gia. Tin rằng, trong tương lai, chính quyền huyện Bình Gia sẽ tiếp tục có những giải pháp hiệu quả hơn nữa nhằm góp phần bảo lưu giá trị cùng những nét đẹp văn hóa của loại hình di sản độc đáo này.


Hoàng Hiếu/baolangson.vn

https://baolangson.vn/van-hoa/451190-binh-gia-diem-sang-bao-ton-phat-huy-mua-su-tu-dan-toc-tay-nung.html

  • Từ khóa