Lâm Ca: Vươn lên từ nội lực

Thứ 6, 04.03.2022 | 14:53:38
926 lượt xem

Lâm Ca là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đình Lập, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân khai thác lợi thế địa phương, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Xã Lâm Ca hiện có 971 hộ dân với 3.807 nhân khẩu, sinh sống ở 18 thôn, bản. Với tiềm năng về phát triển kinh tế đồi rừng, từ năm 2010, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con phát triển lâm nghiệp.

Người dân thôn Hòa Bình, xã Lâm Ca chăm sóc rừng keo

Theo đó, Đảng ủy, UBND xã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về trồng rừng, bảo vệ đi đôi với khai thác, tập trung phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, trồng các loại cây có khả năng sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhờ vậy, nhận thức của người dân dần thay đổi. Trung bình mỗi năm, xã trồng mới hơn 100 ha rừng, đến nay, diện tích rừng trồng của xã trên 9.723 ha, cây trồng chủ yếu như: thông, keo. Diện tích trồng rừng mới hằng năm đều vượt chỉ tiêu từ 130% đến 150%/năm, sản lượng khai thác gỗ hằng năm đạt khoảng 3.000 m3, sản lượng khai thác nhựa thông đạt trên 1.300 tấn…

Anh Đặng Hữu Sinh, thôn Hòa Bình là một trong những hộ tiên phong trồng keo trên địa bàn xã cho biết: Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng rừng, năm 2010, tôi trồng 4 ha keo. Năm 2016, diện tích keo đến tuổi cho khai thác, gia đình tôi bán và thu về trên 300 triệu đồng. Đầu năm 2017, gia đình tôi tiếp tục trồng mới trên diện tích đã khai thác và mở rộng lên 10 ha. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, rừng keo của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, đã có thương lái đến tận rừng đặt mua.

Ngoài gia đình anh Sinh, trong xã còn nhiều hộ thoát nghèo nhờ rừng và có cuộc sống ổn định hơn với thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như các hộ: ông Bế Văn Cường (thôn Khe Đăm); Nguyễn Văn Tuyền (thôn Bình Ca); ông Phan Văn Trung (thôn Bình Giang); ông Triệu Tiến Hưu (thôn Bình Thắng)…

Để người dân có nguồn lực đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi tại các ngân hàng. Đến nay, xã đã có 584 lượt hộ được vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ vốn tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt gần 35,4 tỷ đồng; 219 hộ vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện với dư nợ 17,9 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay được người dân sử dụng chủ yếu với mục đích trồng và chăm sóc rừng.

Bên cạnh đó, nhận thấy nhu cầu về cây dược liệu trên thị trường ngày càng cao, từ năm 2016 đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã đưa giống cây trà hoa vàng, ba kích, sa nhân… về trồng xen kẽ tại vườn. Đến nay, toàn xã trồng được trên 20 ha cây dược liệu, trong đó, chủ yếu là trà hoa vàng được trồng tập trung tại các thôn: Khe Dăm, Pắc Vằng, Bình Thắng, Khe Xem,…

Anh Nguyễn Văn Tằng, thôn Khe Dăm cho biết: Năm 2015, gia đình tôi mua giống cây trà hoa vàng từ tỉnh Quảng Ninh về trồng xen kẽ tại vườn cây ăn quả với số lượng gần 3.000 cây. Năm 2021, có hơn 300 cây cho thu hoạch vụ đầu tiên, được khoảng 70 kg hoa tươi với giá bán từ 500 đến 700 nghìn đồng/kg. Hiện tại, người dân chúng tôi không lo đầu ra vì thu hoạch đến đâu bán hết đến đó.

Song song với việc khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế đồi rừng, tiếp cận nguồn vốn, hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức từ 2 đến 4 lớp tập huấn về quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp, cây dược liệu cho bà con.

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền cùng sự chủ động, tích cực từ người dân, trên địa bàn xã đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, từng bước phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Hiện thu nhập bình quân của xã đạt 31 triệu đồng/người/năm, tăng 15 triệu đồng/người/năm so với năm 2016. Tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh trong những năm qua, hiện còn 9,06%, giảm 43,34% so với năm 2016.

Ông Nguyễn Chí Sơn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Lâm Ca sẽ tiếp tục khai thác lợi thế của địa phương, mũi nhọn là phát triển lâm nghiệp. Qua đó, từng bước tạo đà quan trọng để xã tiếp tục phấn đấu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/484918-lam-ca-vuon-len-tu-noi-luc.html

  • Từ khóa