Cần siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm online

Thứ 4, 09.03.2022 | 14:48:38
1,173 lượt xem

Hiện nay, việc mua thực phẩm qua các mạng xã hội trở nên phổ biến. Tuy nhiên, việc thiếu kiểm soát hoạt động kinh doanh các loại thực phẩm theo hình thức online đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho người tiêu dùng.

Hiện nay, nhiều người đã và đang chọn mua các loại thực phẩm theo hình thức online bởi sự tiện lợi mà nó đem lại. Thực tế, chỉ cần gõ từ khóa “thực phẩm” và lựa chọn địa điểm “Lạng Sơn” để tìm kiếm trên mạng xã hội facebook, có thể thấy hàng trăm kết quả hiển thị với đa dạng các loại thực phẩm. Tuy nhiên, không ít người đã mua phải các loại thực phẩm kém chất lượng từ việc mua qua mạng.

Người dân mua thực phẩm qua mạng xã hội Facebook

Anh Nông Mạnh Thường, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết: Cách đây vài tuần, tôi có đặt mua 3 kg tôm sú qua một tài khoản facebook với giá hơn 200.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi nhận hàng, kích cỡ tôm không đồng đều như quảng cáo, nhiều con không còn tươi sống. Tôi có nhắn tin lại cho chủ tài khoản những không hề nhận được phản hồi nào.

Đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp gặp phải sự cố khi mua thực phẩm online.

Ông Nguyễn Nam Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Năm 2021, Chi cục ATVSTP đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành kiểm tra, rà soát đối với một số tài khoản kinh doanh thực phẩm online trên địa bàn. Kết quả cho thấy, phần lớn các tài khoản không có thông tin cụ thể về người bán. Kể cả có tìm được người bán, nếu họ không công nhận họ kinh doanh thực phẩm trên mạng thì đơn vị cũng không đủ thẩm quyền để kiểm tra.

Điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều loại thực phẩm kinh doanh online thiếu sự giám sát, kiểm tra về quy trình chế biến và nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, dẫn đến nguy cơ mất an toàn đối với sức khỏe của khách hàng.

Không chỉ vậy, tình trạng kinh doanh thực phẩm online tự phát còn vi phạm quy định trong lĩnh vực thương mại. Theo tìm hiểu, các loại thực phẩm đăng bán qua mạng xã hội đều được ghi một số thông tin ngắn để giới thiệu nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các mặt hàng đều không có giấy tờ chứng minh, tem nhãn truy xuất. Do vậy, thực hư về nguồn gốc các loại thực phẩm này như thế nào thì khách hàng không thể kiểm chứng. Chưa kể, nhiều loại thực phẩm được rao bán online có giá rẻ hơn giá thị trường từ 20 – 30%. Với mức giá như vậy, chất lượng thực phẩm cũng khiến nhiều người băn khoăn.

Theo đánh giá từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, hoạt động kinh doanh thực phẩm online phát triển nhanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chủ yếu là hoạt động tự phát. Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSTP mà còn gây mất cân bằng trong cạnh tranh thị trường do các loại thực phẩm kinh doanh online không mất chi phí về mặt bằng và chi phí cho các thủ tục khác. Cùng đó, các đối tượng có thể đưa các loại thực phẩm cấm, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào kinh doanh, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Để kiểm soát hoạt động kinh doanh thực phẩm online, thời gian qua, lực lượng QLTT đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm. Thậm chí, đơn vị đã lập các tài khoản trên mạng xã hội, vào vai người mua hàng để phát hiện các tài khoản kinh doanh thực phẩm online vi phạm quy định. Qua đó, xử phạt một số trường hợp kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Từ năm 2019 đến nay, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý 74 vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử, với tổng số tiền xử phạt gần 1,2 tỷ đồng, tịch thu hàng hoá trị giá trên 2,6 tỷ đồng. Trong đó có các trường hợp kinh doanh thực phẩm online…

Ông Hoàng Ngọc Lâm, Trưởng Phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Cục QLTT tỉnh cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường tham mưu lãnh đạo cục ban hành các kế hoạch chỉ đạo lực lượng trực thuộc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ siết chặt quản lý các tài khoản kinh doanh thực phẩm, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị như: Sở Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh; chính quyền địa phương… đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát đối với các đối tượng kinh doanh cũng như tuyên truyền đến các tầng lớp người tiêu dùng nâng cao nhận thức trong việc mua thực phẩm online.

Bên cạnh các giải pháp của lực lượng chức năng, để tránh gặp phải rủi ro từ việc mua thực phẩm online, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân trong việc tự bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của bản thân cũng như gia đình.

“Trong tháng 3/2022, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến về “Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm sức khoẻ năm 2022”. Trong đó, tập trung vào các giải pháp phối hợp giữa các lực lượng chức năng nhằm tăng cường quản lý đối với hoạt động kinh doanh online một số loại thực phẩm. Từ đó, đơn vị sẽ bám sát các giải pháp được đưa ra để xây dựng phương án kiểm soát đối với hoạt động kinh doanh thực phẩm online trên địa bàn sao cho phù hợp”.

 Ông Nguyễn Nam Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/cong-nghiep-thuong-mai/485881-can-siet-chat-quan-ly-hoat-dong-kinh-doanh-thuc-pham-online.html

  • Từ khóa