Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thảo luận góp ý vào một số chủ trương đầu tư dự án phát triển kinh tế – xã hội

Thứ 3, 07.06.2022 | 08:52:00
600 lượt xem

Ngày 6/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lạng Sơn thảo luận tại tổ với Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình và Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương (Tổ thảo luận số 19). Các đồng chí: Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Tổ trưởng Tổ thảo luận số 19; Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Tổ phó Tổ thảo luận số 19 cùng điều hành cuộc thảo luận.


Các ĐBQH thảo luận tại Tổ thảo luận số 19

 Trong chương trình, ĐBQH các tỉnh đã đóng góp ý kiến vào các chủ trương đầu tư: dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh; các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1).


ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ về chủ trương đầu tư các dự án phát triển kinh tế – xã hội

Phát biểu tại thảo luận tổ, các ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nhất trí với sự cần thiết của chủ trương đầu tư các dự án, đồng thời cho rằng cơ quan soạn thảo, Chính phủ cần làm rõ hơn một số tác động xã hội khi triển khai các dự án này.

Đối với nội dung về giải phóng mặt bằng, tái định cư, ĐBQH tỉnh cho rằng dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 112,8km, tổng diện tích đất sử dụng 1.341 ha, kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 19.590 tỷ đồng; Dự án đường Vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 76,34km, tổng diện tích sử dụng đất 642,78ha, kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 41.589 tỷ đồng.

So sánh 2 dự án này cho thấy, kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án đường Vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh cao hơn gấp khoảng 4,43 lần so với kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định của dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội. Do vậy, ĐBQH tỉnh đề nghị Chính phủ bổ sung, giải trình thêm một số thông tin bổ sung để làm rõ hơn sự khác nhau này.

Về nội dung thứ 2, tại báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế về cơ chế, chính sách Dự án Vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh: “Về cho phép các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, UBND cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường…”, ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị Chính phủ cân nhắc nội dung chính sách, cơ chế này kỹ lưỡng và bổ sung nội dung giải trình phù hợp vì có yếu tố ảnh hưởng xấu đến môi trường và có thể vi phạm quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Luật Khoáng sản năm 2010.

Buổi chiều cùng ngày, ĐBQH biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023; thảo luận ở hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/chinh-tri/504649-doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-lang-son-thao-luan-gop-y-vao-mot-so-chu-truong-dau-tu-du-an-phat-trien-kinh-te-xa-hoi.html

  • Từ khóa