Cao Lộc: Khó khăn trong sản xuất và liên kết tiêu thụ rau an toàn

Thứ 3, 11.10.2022 | 14:56:53
626 lượt xem

Cao Lộc là một trong những vùng trồng rau lớn của tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các hộ dân, HTX trên địa bàn huyện đã chú trọng sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích cũng như tiêu thụ rau an toàn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, khoảng 5 năm trở lại đây, bà con nông dân trên địa bàn huyện duy trì trồng khoảng 700 ha rau các loại, tập trung ở các xã: Tân Liên, Gia Cát, Hòa Cư…, sản lượng hằng năm đạt trên 8.700 tấn. Trong đó, diện tích trồng rau an toàn khoảng 24ha với sản lượng hằng năm đạt trên 2.000 tấn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có hai HTX sản xuất rau an toàn gồm: HTX Rau củ, quả sạch Tân Liên và HTX Rau củ, quả sạch Gia Cát.

Thành viên HTX Rau củ quả sạch Gia Cát chăm sóc rau

Qua tìm hiểu thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện và các hộ sản xuất rau an toàn, khó khăn nhất đó là thị trường tiêu thụ không ổn định, sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Hiện nay, rau an toàn trên địa bàn huyện chưa có hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp hoặc trong hệ thống siêu thị mà chủ yếu là người dân bán cho tiểu thương ở chợ đầu mối. Bên cạnh đó, số lượng HTX, cơ sở sản xuất rau an toàn trên địa bàn còn quá ít so với diện tích rau hiện có, chưa có bao bì, nhãn mác, sản lượng không đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Cái khó nữa là giá rau an toàn cao hơn so với rau sản xuất theo hướng truyền thống, trong khi đó, việc phân biệt rau an toàn của người tiêu dùng còn hạn chế, nhiều người thường chọn mua sản phẩm giá rẻ hơn.

Là một trong những HTX sản xuất rau an toàn trên địa bàn huyện, thời gian qua, HTX Rau củ, quả sạch Tân Liên cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Bà Dương Thị Oai, Giám đốc HTX cho biết: HTX có trên 7 ha rau được sản xuất theo hướng an toàn, trung bình mỗi năm, HTX tiêu thụ khoảng 25 đến 30 tấn rau, củ các loại. Tuy nhiên, các hộ thành viên đều mang ra chợ bán hoặc giao buôn cho các thương lái ở các chợ đầu mối chứ chưa có liên kết với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị lớn. Thời gian qua, HTX đã chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm tại các cửa hàng rau an toàn, các hệ thống siêu thị nhưng việc này vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân là do sản xuất theo thời vụ, chưa đáp ứng được sản lượng và các yêu cầu khác của đơn vị phân phối.

Bà Hoàng Thị Phương, thôn Bắc Đông II, xã Gia Cát cho biết: Năm 2019, được cán bộ khuyến nông tập huấn quy trình trồng và chăm sóc rau theo hướng VietGAP, gia đình tôi đã áp dụng trên diện tích 1,5 sào. So với trồng rau truyền thống thì trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có ưu điểm hơn: cây sinh trưởng đồng đều, sản lượng tăng, đảm bảo an toàn… Tuy nhiên, rau vẫn chủ yếu bán ở chợ, giá thành rẻ, trong khi chi phí sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP lại cao nên gia đình khó mở rộng diện tích.

Không chỉ hai trường hợp kể trên, hầu hết các hộ dân và HTX sản xuất rau an toàn trên địa bàn huyện cũng có khó khăn tương tự. Việc khó khăn trong liên kết tiêu thụ dẫn đến tình trạng giá thành thấp, giảm hiệu quả kinh tế, người dân không mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn.

Thời gian qua, để tạo điều kiện phát triển các mô hình rau an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, các cấp, ngành trên địa bàn huyện đã quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí để các HTX đầu tư xây dựng nhà màng phục vụ sản xuất và kết nối cho các HTX bày bán tiêu thụ rau tại các cửa hàng rau an toàn tại chợ Bờ Sông, thành phố Lạng Sơn. Cùng đó, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân.

Mặc dù UBND huyện đã triển khai một số giải pháp nhưng việc liên kết tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn vẫn còn hạn chế, thiếu tính bền vững. Nguyên nhân là do sản xuất mang tính thời vụ, sản lượng không đều, các HTX chưa đầu tư bao bì, nhãn mác cho sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Để việc sản xuất và liên kết tiêu thụ rau an toàn có hiệu quả, thời gian tới, từ các chương trình hỗ trợ sản xuất, chúng tôi tiếp tục tập huấn, tuyên truyền chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho người dân, từng bước hình thành vùng chuyên canh sản xuất rau quanh năm, hỗ trợ xây dựng bao bì, nhãn mác sản phẩm, từ đó làm cơ sở để xây dựng chuỗi liên kết rau bền vững.

Thời điểm này, người dân trên địa bàn huyện Cao Lộc chuẩn bị bước vào sản xuất rau vụ đông. Thiết nghĩ, để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ rau an toàn, bên cạnh sự chủ động từ doanh nghiệp, HTX, hộ dân, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị trong việc thu hút, tìm kiếm, giới thiệu các doanh nghiệp để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân trên địa bàn huyện nói riêng và toàn tỉnh nói chung.


HỒ DUNG/baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/532751-cao-loc-kho-khan-trong-san-xuat-va-lien-ket-tieu-thu-rau-an-toan.html


  • Từ khóa