Tổ vay vốn: Cầu nối đưa vốn đến nông dân

Thứ 4, 02.11.2022 | 14:57:45
951 lượt xem

Với mong muốn đưa vốn tín dụng đến nông dân một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất, thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn) đã phối hợp với Hội Nông dân (HND) tỉnh triển khai cho vay qua tổ vay vốn. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để các hội viên được tiếp cận nguồn vốn xây dựng các mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, ngày 12/8/2021, Agribank Lạng Sơn và HND tỉnh đã thực hiện việc ký kết thỏa thuận triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, HND các huyện, thành phố ký kết chương trình phối hợp với Agribank chi nhánh loại II, phòng giao dịch trực thuộc để triển khai thực hiện cho vay các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua tổ vay vốn.

Cán bộ Agribank Lộc Bình giải ngân vốn vay cho người dân

Tổ vay vốn được thành lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện, đoàn kết, tương trợ giữa các hội viên nông dân, hộ kinh doanh có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống. Mỗi khu dân cư, thôn, bản trên địa bàn tỉnh thành lập 1 tổ vay vốn từ 15 đến 30 tổ viên. Tổ trưởng tổ vay vốn là người có uy tín, gần gũi với các thành viên và có thể bám sát, đôn đốc, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các thành viên trong tổ. Khi người dân trong tổ có nhu cầu vay vốn, các tổ trưởng sẽ chủ động hỗ trợ người dân các thủ tục cần thiết, sau đó đề xuất với cán bộ tín dụng ngân hàng để thẩm định. Hằng tháng, các tổ trưởng đôn đốc, đến nhà các hộ vay để thu lãi, đồng thời, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, những khó khăn để kịp thời báo cáo với ngân hàng có biện pháp khắc phục.

Ông Nguyễn Văn Vang, tổ trưởng tổ vay vốn thôn Tràng Sơn, xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn chia sẻ: Việc cho vay qua tổ đã tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, trồng rừng và phát triển chăn nuôi. Không những thế, việc tham gia tổ vay vốn còn giúp các hội viên tiếp cận các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng điện tử như: gửi tiết kiệm online; chuyển tiền; thanh toán hóa đơn… Hằng tháng, tổ họp định kỳ để các thành viên học hỏi kinh nghiệm về các mô hình đã sử dụng vốn vay hiệu quả; giới thiệu những tiện ích khi dùng dịch vụ ngân hàng số. Hiện nay, tổ vay vốn do tôi quản lý có 27 tổ viên, dư nợ đạt trên 7 tỷ đồng, tỷ lệ thu nợ, thu lãi hằng tháng luôn đạt 100%.

Không chỉ tổ vay vốn thôn Tràng Sơn, thời gian qua, 221 tổ vay vốn trên địa bàn tỉnh đều hoạt động hiệu quả với 5.014 tổ viên. Hiện nay, dư nợ cho vay qua tổ vay vốn đạt 409,5 tỷ đồng, tăng 210 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn vốn vay đã giúp cho các hội viên nông dân phát triển mô hình như: trồng rừng, cây ăn quả, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ…

Tổ trưởng tổ vay vốn thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình (bên trái) hướng dẫn hội viên làm hồ sơ vay vốn

Là một trong những hội viên nông dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng thông qua tổ vay vốn. Chị Triệu Thị Nhung, thôn Minh Tiến, xã Thiện Tân, huyện Hữu Lũng chia sẻ: Trong lúc khó khăn, được sự tư vấn và hướng dẫn nhiệt tình của tổ trưởng tổ vay vốn thôn, tháng 10/2021, tôi mạnh dạn vay 500 triệu đồng từ Agribank Hữu Lũng để đầu tư chăn nuôi lợn, với quy mô 100 con. Với số vốn vay được tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại, lắp đặt các thiết bị hiện đại phục vụ chăn nuôi như: máng ăn tự động, hệ thống quạt làm mát, hầm bioga… Nhờ nguồn vốn giải ngân nhanh chóng, gia đình đã có thêm nguồn lực để phát triển mô hình chăn nuôi. Từ đầu năm 2022 đến nay, trung bình mỗi tháng, gia đình xuất bán ra thị trường từ 20 đến 30 con lợn/tháng, đem lại thu nhập 100 triệu đồng/tháng.

Để nâng cao năng lực hoạt động của các tổ vay vốn, ngân hàng đã tập trung phối hợp với HND tỉnh thực hiện kiện toàn lại số thành viên trong tổ, đảm bảo mỗi tổ có từ 15 thành viên trở lên; thay thế kịp thời các tổ trưởng có năng lực yếu, không nhiệt tình trong công việc. Từ năm 2021 đến nay, Agribank Lạng Sơn đã phối hợp với HND tỉnh tổ chức trên 200 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ ngân hàng cho các tổ trưởng, chủ dự án để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay. Đồng thời, ngân hàng cũng chỉ đạo cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn bám sát cơ sở, phối hợp với tổ trưởng nắm bắt tình hình vay vốn của hộ dân để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn; kiểm tra, giám sát, đôn đốc thành viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ theo thời hạn cam kết nhằm nâng cao chất lượng sử dụng vốn vay. Nhờ đó, tỷ lệ thu nợ, thu lãi qua tổ vay vốn luôn đạt trên 95%; tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,9% tổng dư nợ cho vay (thấp hơn mức cho phép của ngân hàng).

Ông Nguyễn Hồng Đức, Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Đến nay, chương trình phối hợp giữa Agribank và HND tỉnh đã tạo ra kênh dẫn vốn hiệu quả cho người dân ở vùng nông thôn tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hệ thống tổ vay vốn luôn được đánh giá cao nhờ chuyển tải đồng vốn đến người dân một cách thuận lợi và nhanh chóng. Qua đó, người dân an tâm phát triển sản xuất, thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay. Đồng thời, góp phần hạn chế những tiêu cực từ vấn nạn “tín dụng đen” ở nông thôn.

Thời gian tới, Agribank Lạng Sơn tiếp tục đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân. Qua đó, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/537817-to-vay-von-cau-noi-dua-von-den-nong-dan.html

  • Từ khóa