Ghi nhận sau 5 năm thi hành Luật Tiếp cận thông tin

Thứ 5, 01.02.2024 | 09:00:33
500 lượt xem

Luật Tiếp cận thông tin được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 6/4/2016, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2018. Ngay sau khi luật có hiệu lực thi hành, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đã đồng bộ giải pháp đưa luật vào cuộc sống. Qua đó, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật.

Người dân xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn tìm hiểu các thông tin niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã 

Những năm qua, nhu cầu tiếp cận thông tin của công dân trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, nhất là các thông tin liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân như: thông tin trong lĩnh vực quy hoạch đất đai, giao thông, xây dựng, đền bù, giải phóng mặt bằng, chế độ, chính sách… Từ khi Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 có hiệu lực thi hành, công tác triển khai thi hành luật trên địa bàn tỉnh được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao.

Ông Dương Công Luyện, Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp cho biết: Để triển khai thực hiện tốt Luật Tiếp cận thông tin, ngay sau khi Luật có hiệu lực, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 4/7/2017 về việc triển khai thi hành Luật. Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND cấp xã xây dựng kế hoạch triển khai Luật Tiếp cận thông tin tại cấp mình. Trong đó, chú trọng tuyên truyền về nội dung cơ bản của luật, thực hiện các quy định về thông tin được công khai. Trong 5 năm qua, việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân được các cơ quan, đơn vị quan tâm, chú trọng; việc đăng tải, cung cấp thông tin được thực hiện thường xuyên, kịp thời, cơ bản đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân. Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố thường xuyên cập nhật, cung cấp đầy đủ thông tin chính sách, pháp luật, đảm bảo cho mọi công dân được tiếp cận thuận tiện nhất.

Trước hết, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở chú trọng triển khai, tuyên truyền bằng nhiều hình thức những nội dung cơ bản của Luật Tiếp cận thông tin và văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Từ năm 2018 đến nay, các cấp, ngành đã biên soạn trên 66.500 sổ tay, tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền các quy định pháp luật về tiếp cận thông tin cấp phát cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, làm tài liệu tuyên truyền.

Thực hiện quy định của luật, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tập trung công khai nội dung văn bản luật, dưới luật của Trung ương và các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do HĐND, UBND cấp mình ban hành; các văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung và được đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, đơn vị; dự thảo VBQPPL; chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan và các thông tin liên quan đến lĩnh vực, phạm vi quản lý nhà nước của ngành, địa phương…

Bà Hoàng Thị Len, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Tràng Định cho biết: Thực hiện Luật Tiếp cận thông tin, phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch thi hành. Từ năm 2018 đến nay, các cơ quan trên địa bàn huyện đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép được trên 600 cuộc về Luật Tiếp cận thông tin cho hơn 19.000 lượt người tham dự. Riêng UBND huyện đã công khai trên 700 thông tin theo quy định phải công khai, cụ thể là các thông tin về: Các văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; nội quy tiếp công dân; nội quy làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; lịch tiếp công dân định kỳ và đột xuất; các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; các quy định về mức thu các loại phí, lệ phí; các văn bản về việc chi trả bồi thường, hỗ trợ… Qua đó, giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin, yên tâm sản xuất phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, tin tưởng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Theo Điều 17 của Luật Tiếp cận thông tin, những thông tin phải được các cơ quan Nhà nước công khai bao gồm: VBQPPL; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan Nhà nước; thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan Nhà nước; dự thảo VBQPPL theo quy định của pháp luật về ban hành VBQPPL; đề án và dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính; chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, địa phương; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn; thông tin liên quan đến lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng; thuế, phí, lệ phí…

 Ông Dương Mạnh Hoàn, khối 8, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: So với trước đây thì hiện nay chúng tôi rất thuận tiện trong tìm hiểu các thông tin của phường, thành phố, tỉnh, trung ương thông qua các hội nghị, cuộc họp, thông báo niêm yết tại trụ sở UBND phường, trên môi trường mạng. Các thông tin được công khai, minh bạch giúp chúng tôi dễ dàng nắm bắt, từ đó chấp hành tốt các chủ trương, quy định của Nhà nước. Như năm 2022, gia đình tôi bị ảnh hưởng bởi dự án chỉnh trang khuôn viên hồ Phai Loạn, phường đã tổ chức họp dân công khai cụ thể quy hoạch, chi tiết về dự án, đồng thời, nhờ đó chúng tôi đã hiểu rõ ý nghĩa chủ trương, đồng tình thực hiện, nhà tôi đã bàn giao 4m2 đất trong sổ đỏ của gia đình cho dự án. Vào tháng 6/2023, thành phố đã khánh thành công trình khuôn viên hồ Phai Loạn khang trang, sạch đẹp, chúng tôi rất phấn khởi, đây đã trở thành nơi vui chơi, giải trí cho đông đảo bà con.

Cùng với công khai các thông tin theo quy định, các cơ quan hành chính Nhà nước đã thực hiện tốt cung cấp thông tin khi người dân có phiếu yêu cầu cung cấp thông tin. Từ năm 2018 đến nay, các cơ quan hành chính nhà nước đã cung cấp trên 670.000 thông tin cho công dân, chủ yếu là thông tin về các lĩnh vực: Giáo dục và Đào tạo, đất đai, tư pháp, y tế…

Thực tế trên cho thấy, các cấp chính quyền trong tỉnh đã đồng bộ trong triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin. Việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân được quan tâm, chú trọng. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh không có hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin; không có các vụ khiếu nại, khởi kiện liên quan đến cung cấp, công khai thông tin. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận pháp luật, thông tin; công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, tạo đồng thuận thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/phap-luat/641749-ghi-nhan-sau-5-nam-thi-hanh-luat-tiep-can-thong-tin.html

  • Từ khóa