Hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng: Những khó khăn đặt ra

Thứ 4, 12.02.2020 | 09:44:44
1,087 lượt xem

Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) là mô hình giáo dục không chính quy, được tổ chức trên địa bàn xã, phường, thị trấn. TTHTCĐ có nhiệm vụ phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Tuy nhiên, để các TTHTCĐ hoạt động có hiệu quả, cần tháo gỡ các nút thắt về cơ chế, kinh phí, đội ngũ, hoàn thiện bộ máy tổ chức, quản lý…

TTHTCĐ là cơ sở giáo dục thường xuyên được thành lập do chính quyền địa phương trực tiếp quản lý và chịu sự chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ của phòng giáo dục và đào tạo, có nhiệm vụ tạo điều kiện, cơ hội để người dân ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Đặc biệt, sau Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế tổ chức và hoạt động của TTHTCĐ đã tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình này phát triển. Thống kê của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh, hiện toàn tỉnh có 226 TTHTCĐ, với tổng số 1.596 giáo viên bán chuyên trách và báo cáo viên (trong đó có 592 cán bộ quản lý; 226 giáo viên bán chuyên trách và 778 báo cáo viên).

Người dân thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật do Trung tâm học tập cộng đồng thị trấn phối hợp tổ chức

Hằng năm, các TTHTCĐ đã tổ chức được nhiều hoạt động với các nội dung đa dạng, phong phú, hầu hết các trung tâm đã phát huy và khai thác tốt sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương xây dựng các chuyên đề phù hợp với nguyện vọng học tập của nhân dân về chuyển giao công nghệ, giáo dục pháp luật, giáo dục văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, phát triển kinh tế. Theo đánh giá mức độ hoạt động của các TTHTCĐ từ phía các cơ quan chuyên môn về bộ máy quản lý, tổ chức hoạt động, huy động sự tham gia của xã hội…, năm học 2018 – 2019, trong tổng số 226 TTHTCĐ, có trên 46% trung tâm hoạt động hiệu quả, còn lại là các trung tâm hoạt động khá, không có trung tâm yếu kém.

Tuy nhiên, hoạt động của các TTHTCĐ trên thực tế vẫn đang gặp không ít khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất, cơ chế và kinh phí hoạt động, đội ngũ cán bộ. Hầu hết các trung tâm chưa có trụ sở riêng, phần lớn được bố trí một phòng tại UBND xã, trường học, thư viện xã… nên việc tổ chức các hoạt động đều phải dựa vào các nhà văn hóa của xã, phường, thị trấn và tại các thôn xóm, khu dân cư. Các TTHTCĐ cũng chưa có cơ chế đầu tư, nguồn kinh phí giao cho các TTHTCĐ khá eo hẹp, chỉ dao động từ 20 đến 25 triệu đồng/trung tâm/năm, không đủ để chi trả mọi hoạt động hay mua sắm tài liệu và trang thiết bị. Bên cạnh đó, do yêu cầu luân chuyển, điều động cán bộ, khiến cho việc theo dõi, nắm bắt công việc của không ít cán bộ chưa thực sự chủ động.

Ông Hà Văn Đức, cán bộ văn hoá – xã hội, kiêm Phó Giám đốc TTHTCĐ xã Đào Viên, huyện Tràng Định cho biết: Không có nơi làm việc riêng, cộng với nguồn kinh phí được cấp cho các hoạt động của trung tâm một năm chỉ có 20 triệu đồng (từ mua sắm thiết bị, tài liệu đến tổ chức tập huấn) nên các mặt hoạt động còn rất hạn chế. Thường trung tâm chỉ tổ chức được các hoạt động tuyên truyền ở thôn bản và phát các tờ rơi tuyên truyền giáo dục về pháp luật. Việc mở lớp tập huấn đều do các đoàn thể của xã tổ chức, còn trung tâm chỉ làm nhiệm vụ phối hợp.

Theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo các TTHTCĐ là đơn vị hành chính có con dấu, tài khoản riêng. Tuy nhiên, các trung tâm hiện nay đều chủ yếu là lãnh đạo xã kiêm nhiệm. Đặc biệt, không nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân nên hoạt động của các TTHTCĐ cũng chưa có cơ chế đầu tư chính thống, không chủ động được việc xây dựng cơ sở vật chất hay mua sắm tài liệu và trang thiết bị. Vì vậy, hoạt động của các trung tâm rất khó khăn, chủ yếu nhờ vận động xã hội hóa để tạo nguồn kinh phí cho thực hiện các nhiệm vụ.

Bà Lê Kim Hoà, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh cho biết: Khác với trường học chính quy, TTHTCĐ là hình thức học tập mới, chưa nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, nên chưa có danh mục để đầu tư từ ngân sách nhà nước. Đây cũng là trở ngại rất lớn trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp tài liệu và trang thiết bị học tập. Nguồn lực để tổ chức và duy trì hoạt động của TTHTCĐ chủ yếu dựa vào tinh thần trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo, của hội khuyến học và chính quyền địa phương cùng lòng nhiệt thành của người dạy và người học. Trước mắt, các trung tâm cần phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức các hoạt động học tập suốt đời, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, số lượng cộng tác viên để đảm bảo hoạt động bền vững.

HOÀNG TÙNG/baolangson.vn

http://baolangson.vn/xa-hoi/269702-hoat-dong-cua-trung-tam-hoc-tap-cong-dong-nhung-kho-khan-dat-ra.html


  • Từ khóa