Nghề làm mía đường là nghề thủ công truyền thống của người dân xã Quốc Việt, huyện Tràng Định. Hằng năm, cứ đến tháng Chạp, người dân trên địa bàn xã lại tất bật làm mía đường để phục vụ nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán.
Người dân thôn Pò Lạn, xã Quốc Việt nấu mía đường
Những ngày cận Tết Nguyên đán, đến xã Quốc Việt, huyện Tràng Định không khó để bắt gặp hình ảnh những người nông dân đang hối hả thu hoạch mía, ép mía, nấu đường.
Nhanh tay cho từng cây mía vào máy ép, ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn Pò Lạn chia sẻ: Từ khi còn nhỏ, tôi đã thấy ông bà, bố mẹ nấu mía đường và tôi cũng tiếp nối nghề này. Hằng năm, gia đình tôi luôn duy trì diện tích trồng 3 sào mía. Cứ đến tháng Chạp, gia đình tôi lại thu hoạch mía để nấu đường. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi nấu được 28 mẻ, thu được 7 - 8 tạ đường thành phẩm, thu nhập đạt 40 triệu đồng. Năm nay, gia đình tôi mở rộng diện tích trồng mía lên 4 sào. Từ đầu vụ đến nay, gia đình đã nấu được 22 mẻ đường, dự kiến đến hết vụ còn khoảng 10 mẻ nữa, thu nhập ước đạt 45 triệu đồng.
Không chỉ gia đình ông Tuấn, những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân xã Quốc Việt đang khẩn trương thu hoạch mía để nấu mía đường. Theo thông tin từ lãnh đạo UBND xã Quốc Việt, toàn xã hiện có 40 hộ trồng mía và làm mía đường, diện tích cây mía hằng năm của xã luôn duy trì 7,5 ha. Các hộ làm mía đường chủ yếu tập trung ở thôn Pò Lạn và một số ít hộ ở thôn Bản Slào. Đây là xã duy nhất của huyện Tràng Định có nghề làm mía đường thủ công truyền thống.
Theo người dân làm mía đường ở xã Quốc Việt, nguyên liệu để làm ra một mẻ mía đường ngon là giống mía bản địa. Hằng năm, cây mía được trồng vào tháng 2 âm lịch, đến tháng Chạp người dân bắt đầu thu hoạch. Gốc cây mía được giữ lại để làm giống cho vụ sau.
Những năm trước, mía được ép bằng cách kẹp giữa hai khúc gỗ to và dùng sức trâu để kéo. Những năm gần đây, một số hộ dân đã đầu tư mua máy ép mía nên đỡ vất vả hơn. Nước mía sau khi ép được nấu trong thời gian hơn 4 tiếng sẽ cho ra thành phẩm là đường mía. Trong quá trình nấu, người dân phải liên tục điều chỉnh nhiệt độ của lửa nếu không đường sẽ bị cháy. Một mẻ đường thường cho ra thành phẩm từ 25 - 28 kg. Với giá bán từ 45.000 đến 50.000 đồng/kg, trung bình mỗi hộ dân có thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng/vụ/năm. Nhờ giống mía tốt và điều kiện tự nhiên phù hợp nên sản phẩm mía đường của xã rất được người dùng ưa chuộng, bởi nó có vị thơm ngon rất đặc trưng và độ ngọt tự nhiên vừa phải, sản phẩm làm ra đến đâu đều tiêu thụ hết đến đó.
Điểm đặc biệt là năm nay, ông Nguyễn Tiến Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quốc Việt đã đứng ra thu mua sản phẩm của người dân để đóng túi, hút chân không và dán bao bì cho sản phẩm. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn hội viên nông dân sản xuất, đóng gói sản phẩm mía đường dạng viên, phù hợp với nhu cầu của nhiều khách hàng, đồng thời đưa sản phẩm bán trên sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, sản phẩm được tiêu thụ không chỉ trong tỉnh mà có nhiều khách hàng ở các tỉnh khác đặt mua.
Ông Chu Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Quốc Việt cho biết: Nghề làm mía đường là nghề thủ công truyền thống của người dân trên địa bàn. Từ nghề làm mía đường không chỉ giúp các hộ tăng thu nhập mà còn góp phần bảo tồn, giữ gìn nghề truyền thống. Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng mía, đồng thời, hướng dẫn các hộ thành lập tổ hợp tác sản xuất mía đường, phấn đấu đưa sản phẩm trở thành sản phẩm OCOP trong năm 2025, từ đó nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm, góp phần đem lại thu nhập cho người dân.
Theo baolangson.vn
https://baolangson.vn/quoc-viet-gin-giu-phat-trien-nghe-lam-mia-duong-truyen-thong-5034965.html