Xuân về trồng cây theo lời Bác

Chủ nhật, 26.01.2025 | 09:09:56
214 lượt xem

Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, trong không khí rộn ràng, phấn khởi của những ngày đầu năm mới, các cấp, các ngành, Nhân dân trong tỉnh lại nô nức thực hiện tết trồng cây. Qua đó, không chỉ thể hiện nét đẹp truyền thống văn hóa mà còn thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Mùa xuân là tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

Lực lượng dân quân tham gia trồng cây tại lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" ở huyện Chi Lăng năm 2024

Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây”, đăng trên báo Nhân Dân, kêu gọi mọi người, mọi nhà, mọi đoàn thể, địa phương cùng tích cực thi đua trồng, chăm sóc cây xanh, chính thức khởi xướng, phát động phong trào tết trồng cây. Ngày 11/1/1960 (tức ngày 13 tháng Chạp năm Kỷ Hợi 1959), trong không khí toàn dân chuẩn bị cho tết Nguyên đán Canh Tý, tại công viên Thống Nhất, Bác Hồ đã trồng cây mở đầu tết trồng cây hằng năm của dân tộc.

Về nơi được Bác gửi thư khen

Đầu năm 1969, mặc dù tuổi cao sức yếu, Bác Hồ vẫn tham gia tết trồng cây tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội). Không chỉ trực tiếp trồng cây, Bác còn theo dõi trên báo chí và các địa phương báo cáo về tình hình trồng cây, bảo vệ rừng và dành phần thưởng xứng đáng cho những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác này. Trong đó, có xã Đô Lương, huyện Hữu Lũng (nay đã sáp nhập vào xã Vân Nham), Bác đã gửi thư khen đồng bào các dân tộc trong xã và tặng địa phương bộ đồ mộc và rèn. Được Bác khen, người dân xã Đô Lương phấn khởi tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng phát triển kinh tế.

Ngày nay, đến xã Vân Nham, chúng tôi cảm nhận được không khí trong lành, tận mắt chứng kiến một vùng quê tràn đầy sức sống, màu xanh của rừng keo, bạch đàn phủ khắp các dải đồi. Từ trồng rừng, đã giúp cho đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Ông Phạm Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Vân Nham cho biết: Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, những năm qua, xã đã chú trọng thực hiện phong trào trồng cây, phát triển kinh tế rừng, trong đó, hằng năm, xã đều xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu trồng rừng và tuyên truyền bà con thực hiện. Theo đó, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, người dân trong xã lại tập trung trồng cây gây rừng. Riêng năm 2024, toàn xã đã trồng mới được 300 ha rừng. Đến nay, toàn xã có khoảng 1.400 ha rừng, chủ yếu là cây keo, bạch đàn.

Từ trồng rừng đã góp phần nâng cao đời sống người dân, giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo của xã Vân Nham giảm từ 3,09% (năm 2023) xuống còn 1,55% (năm 2024), thu nhập bình quân đầu người tăng từ 42,5 triệu đồng/người/năm (năm 2023) lên 45 triệu đồng/người/năm (năm 2024).

Bà Hứa Thị Ánh, thôn Cốc Lùng, xã Vân Nham cho biết: Khắc ghi lời Bác dạy, gia đình tôi luôn chú trọng phát triển kinh tế rừng. Năm 2002, gia đình tôi trồng hơn 1 ha cây bạch đàn, sau gần 6 năm, cây đến kỳ cho khai thác, tôi thu về gần 100 triệu đồng. Nhận thấy trồng rừng hiệu quả, gia đình tiếp tục trồng và nhân rộng diện tích. Đến năm 2015, gia đình tôi đã nhân rộng và trồng được gần 5 ha keo và bạch đàn. Nhờ chăm sóc, bón phân đầy đủ, cây sinh trưởng và phát triển tốt, đến năm 2021, gia đình khai thác hơn 2 ha rừng, thu nhập đạt trên 200 triệu đồng. Từ trồng rừng đời sống kinh tế của gia đình tôi được nâng cao hơn, có điều kiện sửa và xây được nhà cao tầng rộng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình.

Cán bộ và người dân tham gia trồng cây tại lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" trên địa bàn huyện Hữu Lũng năm 2024

Nét đẹp đầu xuân

Không chỉ tại xã Vân Nham, phong trào tết trồng cây đã lan tỏa mạnh ở khắp các địa phương trong tỉnh. Để giữ gìn và phát huy nét đẹp này, hằng năm, Chi cục Kiểm lâm đều tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và ra quân làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi, vệ sinh môi trường. Đồng thời, chi cục chủ động tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các huyện chủ động khảo sát, thiết kế lập hồ sơ, chuẩn bị hiện trường, cây giống, phân bón và các điều kiện cần thiết khác để triển khai trồng rừng sản xuất, phòng hộ; khuyến khích, huy động mọi nguồn lực để đầu tư trồng rừng... Ngoài ra, chi cục giao các hạt kiểm lâm phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các chỉ tiêu lâm nghiệp khác trên địa bàn quản lý. 

Theo đó, trong không khí phấn khởi của những ngày đầu năm mới, các cấp, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh đồng loạt tổ chức ra quân "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" thu hút đông đảo cán bộ, người dân trên địa bàn tỉnh tham gia. Riêng trong năm 2024, lễ phát động tết trồng cây đã được các cấp, ngành, đơn vị tổ chức ra quân tại  279 điểm, tổng số cây đã trồng là 432.389 cây (tương đương khoảng 441 ha, tăng 37% so với lễ phát động trồng cây năm trước). Sau lễ phát động, UBND các xã, thị trấn tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc người dân tích cực trồng rừng và đạt được kết quả tích cực. 

Nhờ đó, những năm qua, diện tích trồng rừng trên địa bàn tỉnh đều đạt và vượt mục tiêu. Đơn cử, trong năm 2024, toàn tỉnh đã trồng được trên 10.100 ha rừng (vượt 1.100 ha so với kết hoạch năm, tăng trên 88 ha so với năm trước), nâng tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh lên hơn 588 nghìn ha; trồng cây phân tán được khoảng 5,1 triệu cây; độ che phủ rừng đạt 64,2%.

Việc thực hiện "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" là hoạt động thiết thực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó, tạo khí thế vui tươi, sôi nổi đầu xuân mới. Phong trào góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân về vai trò, tác dụng, ý nghĩa của việc trồng cây. Từ phong trào ý nghĩa trên đã tạo động lực khích lệ, động viên nhân dân tích cực tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường sinh thái.

Ông Dương Văn Tân, xã Xuân Dương, huyện Lộc Bình cho biết: Nhận thức rõ vai trò của việc trồng cây gây rừng, năm 2017 đến năm 2021, tôi đã trồng gần 10 ha keo và bạch đàn. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, năm 2023, gia đình tôi đã khai thác 4 ha keo, bạch đàn, thu nhập trên 300 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao nên cứ khai thác rừng đến đâu, gia đình tôi trồng mới đến đó. Bên cạnh việc phát triển kinh tế rừng, cứ mỗi độ xuân về, gia đình tôi lại tham gia phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” do xã phát động. 

Bước sang Xuân Ất Tỵ, các cấp, ngành chức năng đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cho lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2025. Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Cuối năm 2024, đơn vị đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố  rà soát, lựa chọn địa điểm thực hiện tổ chức tết trồng cây, đồng thời, tham mưu thực hiện nhiệm vụ trồng rừng năm 2025 với mục tiêu trồng 9.000 ha rừng, 2,2 triệu cây phân tán các loại. Bên cạnh đó, chi cục cũng đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác quản lý giống cây lâm nghiệp, đảm bảo nguồn cây giống phục vụ cho Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ và vụ trồng rừng năm 2025. .

Có thể thấy, đã hơn nửa thế kỷ đi qua, nhưng bài viết “Tết trồng cây” của Bác vẫn còn nguyên giá trị, được người dân cả nước nói chung và Nhân dân Lạng Sơn nói riêng thực hiện hằng năm, trở thành phong trào lan tỏa sâu rộng, một nét đẹp văn hóa truyền thống. Hòa trong không khí vui xuân, đón tết, người dân trên địa bàn lại nô nức trồng cây, phát triển rừng. Qua đó, góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/bai-xuan-xuan-ve-thuc-hien-tet-trong-cay-theo-loi-bac-day-5031126.html

  • Từ khóa