Dù chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã được áp dụng gần 2 tháng nay nhưng thị trường vẫn chưa thật sự khởi sắc
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 7-2023, toàn thị trường tiêu thụ được 24.687 ô tô, tăng nhẹ 4% so với tháng 6 nhưng giảm đến 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù từ ngày 1-7, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được áp dụng trở lại sau thời gian tạm dừng nhưng doanh số xe nội địa trong tháng chỉ đạt 13.575 chiếc, giảm 12% so với tháng trước đó - khi chính sách này chưa được áp dụng. Sang tháng 8, cũng là thời điểm bước vào tháng 7 âm lịch (còn gọi là tháng Ngâu, tháng "cô hồn"), thị trường càng thêm ảm đạm.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, trong 2 tuần đầu tháng 7-2023, các đại lý ô tô ở TP HCM đều vắng bóng khách đến tìm hiểu, mua xe. Tại nhiều đại lý hiện chỉ có 1-2 nhân viên túc trực ở sảnh để tư vấn, phục vụ khách trong khi trước kia thường xuyên có 5-10 người.
Thậm chí, tại một đại lý ô tô ở TP Thủ Đức, chúng tôi không thấy bóng dáng nhân viên nào nên đành tự đi tham quan các mẫu xe. Khoảng 15 phút sau, một nhân viên kinh doanh xuất hiện và cho biết do những ngày gần đây vắng khách nên tranh thủ làm việc khác, khi nào có khách mới ra tiếp.
Tương tự, đại lý ô tô ở trung tâm quận 1 cũng chỉ có một nhân viên trực quầy và vẻ như không mặn mà khi khách đến tham quan. "Mấy tháng trở lại đây, khách đến tham quan rất thưa thớt hoặc có người đến tìm hiểu các mẫu xe nhưng cũng chần chừ không mua, dù ô tô nội đã được giảm 50% lệ phí trước bạ cùng một số chính sách ưu đãi khác của đại lý" - nhân viên này than phiền.
Cửa hàng ô tô ở TP HCM vắng khách trong tháng 7 âm lịch
Anh Hòa, nhân viên bán hàng tại một showroom ô tô ở TP HCM, cho biết do vắng khách nên nhiều nhân viên phải nghỉ việc hoặc chuyển sang làm công việc khác. "Thông thường, cứ đến thời điểm này hằng năm, sức mua đều giảm mạnh. Năm nay do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm mua đồ xa xỉ nên thị trường càng ảm đạm" - anh Hòa nói. Nhân viên này còn cho biết nhiều khách đặt mua xe trước đó đã thông báo không nhận xe trong tháng "cô hồn" mà dời sang giữa tháng 9-2023 mới làm thủ tục.
Doanh số sụt giảm khiến nhiều đại lý ra sức tung ra các chương trình ưu đãi để kích cầu. Chẳng hạn, nhiều đại lý ưu đãi 100%-200% lệ phí trước bạ đối với nhiều mẫu ô tô nhập khẩu nguyên chiếc lẫn sản xuất, lắp ráp trong nước - mức ưu đãi nổi trội so với quy định của Chính phủ là giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe nội địa. Ngoài ra, khách mua ô tô còn được giảm giá bằng tiền mặt lên đến vài chục triệu đồng đối với xe có giá từ vài trăm triệu đồng; giảm giá 100-500 triệu đồng đối với xe có giá trên 1 tỉ đồng. Bên cạnh đó là nhiều ưu đãi khác như bảo hiểm thân vỏ xe từ 1-3 năm, gói phụ kiện trị giá hàng chục triệu đồng, gói bảo dưỡng 2-5 năm... Nhiều đại lý thậm chí còn chấp nhận cho khách đặt cọc trước - lấy xe sau để vừa được hưởng ưu đãi vừa né tháng "không may mắn"...
Theo bà Nguyễn Thị Ngân Hà, Giám đốc bán hàng Công ty TNHH TMDV Ô tô Phương Nguyên, khách có nhu cầu mua ô tô đều đã tranh thủ mua từ tháng trước để tránh tháng 7 âm lịch nên doanh số tháng này tiếp tục giảm đáng kể. Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ hệ thống Ô tô Hiền (TP HCM), cũng lo lắng khi sức tiêu thụ ô tô những tháng gần đây đã giảm sâu 40%-50% so với trước đó nhưng tháng này càng giảm mạnh hơn. Trên thị trường đã có nhiều cửa hàng phải tạm đóng cửa để cắt giảm chi phí vì không bán được hàng.
Nguyễn Hải/nld.com.vn
https://nld.com.vn/kinh-te/thi-truong-o-to-am-dam-trong-thang-co-hon-20230826202906189.htm