Lãnh đạo Toyota nhận định đến năm 2030 thì xe điện sẽ chiếm khoảng 30% doanh số bán hàng ở châu Á, tuy nhiên xe điện không phải là lựa chọn duy nhất để hướng tới mục tiêu trung hòa carbon.
Trước thềm Triển lãm phương tiện di động Nhật Bản (Japan Mobility Show) 2023, Toyota đã có buổi chia sẻ về tầm nhìn của hãng về tương lai của di chuyển. Trong khi thế giới sục sôi với xe điện thì "ông lớn" ngành ô tô Nhật Bản lại cho rằng xe điện không phải tất cả.
Ông Tiền Quốc Hào (giữa) và các lãnh đạo Toyota trong buổi họp báo trước thềm Japan Mobility Show 2023 (Ảnh: Thúc Linh).
Ông Tiền Quốc Hào, Phó tổng giám đốc điều hành Toyota châu Á, ước tính rằng khoảng 20-30% doanh số ô tô ở châu Á năm 2030 sẽ là xe điện. Ông Hào cũng cho biết con số này ở các thị trường sẽ rất khác nhau, Singapore hay Thái Lan có thể cao, trong khi những nước khác lại thấp, chủ yếu do thiếu cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, ông Hào tái khẳng định quan điểm của Toyota rằng xe điện không phải tương lai duy nhất của ngành ô tô. Mục tiêu cuối cùng mà hãng xe Nhật Bản này nhắc tới là trung hòa carbon. "Nếu chúng tôi chiếm 30% xe điện ở châu Á thì 70% còn lại sẽ thế nào? Khi đó mục tiêu trung hòa carbon của chúng tôi sẽ không thể đạt được", ông Hào nói.
Với riêng thị trường châu Á, Toyota cho rằng đây là khu vực vô cùng đa dạng, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mục tiêu trung hòa carbon. Bởi vậy mà công ty đã cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố, từ kinh tế, năng lượng cho đến cơ sở hạ tầng cũng như nhu cầu sử dụng của khách hàng để có thể giải quyết vấn đề một cách toàn diện.
Toyota không đặt cược vào xe thuần điện mà hướng tới đa dạng giải pháp để phù hợp với từng nơi, trong từng giai đoạn (Ảnh: Toyota).
Giải bài toán đó, Toyota chọn cách tiếp cận đa hướng để đạt được mục tiêu bền vững. Hãng xe Nhật Bản tin rằng mỗi công nghệ đều có một vai trò riêng trong việc giúp giảm lượng khí thải carbon. Do đó, cần có cách tiếp cận để cung cấp khả năng di chuyển xanh cho tất cả mọi người, vì mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau.
Toyota không đặt cược vào xe thuần điện (BEV) mà còn phát triển đa hướng như HEV (xe hybrid), PHEV (xe hybrid cắm sạc), FCEV (xe điện pin nhiên liệu) hay CN (nhiên liệu trung hòa carbon)...
Tuy nhiên, dù cách tiếp cận là gì, hệ truyền động của xe là gì thì mục tiêu quan trọng vẫn là trung hòa carbon. Tại châu Á, cơ cấu năng lượng chủ yếu vẫn là nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo không chiếm quá 30%, trong khi hạ tầng là thách thức.
Để giải quyết vấn đề này, Toyota hướng tới nguồn năng lượng sạch tiềm năng sẵn có tại mỗi quốc gia, mỗi thị trường. Hãng có nhắc tới cây mía tại Ấn Độ, dầu cọ của Malaysia hay Thái Lan mới đây đã đi vào hoạt động thiết bị sản xuất hydro có nguồn gốc từ khí sinh học (cụ thể là chất thải của các trang trại).
Tại Việt Nam, Toyota đang thúc đẩy dòng xe hybrid khi loạt ô tô ra mắt gần đây đều có phiên bản sử dụng loại động cơ này. Gần nhất là Innova Cross, Yaris Cross và trước đó có Corolla Cross, Corolla Altis, Camry… Lợi thế của xe hybrid là không yêu cầu bất kỳ thay đổi nào trong hành vi sử dụng xe của tài xế, tức không phải sạc.
Theo dantri.com.vn