Cách phòng tránh bất trắc trên đường khi tự lái ô tô đi du xuân

Thứ 6, 09.02.2024 | 15:02:28
502 lượt xem

Ngay cả với những người đã cầm lái lâu năm, việc chủ quan, thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng trước chuyến đi có thể dẫn tới nhiều phiền toái, tốn kém chi phí khi lái xe đường dài đi du xuân.

Tết Nguyên đán là dịp lý tưởng để mọi người đi du xuân cùng bạn bè hoặc người thân. Không chọn phương án đi máy bay, nhiều người muốn tự lái ô tô đi đường dài, để có thể chủ động ghé thăm nhiều địa điểm hơn.

Nếu bạn cũng nằm trong số đó thì có thể tham khảo một số lưu ý dưới đây để đảm bảo an toàn cho bản thân cùng người đồng hành.

Trước khi xuất phát

Kiểm tra xe

Để mọi thứ vận hành trơn tru, tránh tình trạng xe "nằm đường", một vài ngày trước khi lên đường, chúng ta nên kiểm tra ô tô thật kỹ ở các bộ phận như ắc-quy, đèn chiếu sáng, bugi, lọc gió, lốp xe, phanh, dầu nhớt, nước làm mát động cơ, nước rửa kính, gạt nước…

Đổ đầy nhiên liệu/Sạc đầy pin xe điện

Hiện nay, dọc các tuyến đường có khá nhiều cây xăng hoặc trạm sạc pin xe điện VinFast, nhưng việc chủ động đổ đầy bình nhiên liệu hoặc sạc đầy pin xe điện sẽ giúp hành trình suôn sẻ hơn, tiết kiệm thời gian.

Cách phòng tránh bất trắc trên đường khi tự lái ô tô đi du xuân - 1

Với xe động cơ đốt trong, việc tiếp nhiên liệu dù nhanh cũng phải mất 5-10 phút, còn với ô tô điện, thời gian vào trạm sạc pin thường mất tối thiểu 30 phút (Ảnh minh họa: VinFast).

Với ô tô điện của các hãng khác, việc tìm chỗ sạc sẽ mất nhiều thời gian hơn, vì không sẵn có tại nhiều trạm xăng dọc đường từ Bắc vào Nam như trụ sạc như của VinFast.

Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ

Đừng quên mang theo các loại giấy tờ cần thiết như: căn cước công dân, giấy khai sinh hoặc hộ chiếu của con nhỏ, bằng lái xe, đăng ký xe, chứng nhận bảo hiểm, sổ đăng kiểm,...

Tìm hiểu đường đi

Việc tìm hiểu trước đường đi sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được nhiều thời gian, khi lựa chọn lộ trình và tính toán các điểm dừng nghỉ hợp lý.

Cách phòng tránh bất trắc trên đường khi tự lái ô tô đi du xuân - 2

Đường cao tốc thường được những người mới cầm lái ưu tiên lựa chọn, trong khi những người đã cầm lái lâu năm (Ảnh minh họa: MBV).

Nếu không thạo đường, chúng ta có thể dựa vào sự hỗ trợ của các ứng dụng chỉ đường, thiết bị định vị hoặc thiết bị dẫn đường.

Trên đường đi

Tuyệt đối không sử dụng đồ uống có cồn 

Việc sử dụng bia, rượu không chỉ khiến người cầm lái thiếu tỉnh táo, dễ có cảm giác buồn ngủ, dẫn tới nguy cơ tai nạn, mà còn đối diện với khung phạt nặng.

Người điều khiển ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn có thể bị phạt tiền cao nhất tới 40 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 năm. 

Tránh lái xe vào các khung giờ "buồn ngủ"

Tài xế có xu hướng buồn ngủ khi lái xe đường dài ở những đoạn đường thẳng và vắng (thường là đường cao tốc, quốc lộ), hoặc lái xe vào các khoảng thời gian nhịp sinh học của cơ thể cần nghỉ ngơi (từ 10h tối đến 5h sáng hoặc từ 13h đến 15h chiều, đặc biệt là sau bữa cơm trưa). 

"Nhất chạng vạng, nhì rạng đông" là một trong những khẩu quyết giúp việc lái xe an toàn hơn. Theo đó, chạng vạng và rạng đông là hai khoảng thời gian tài xế dễ rơi vào "giấc ngủ trắng" - tình trạng ngủ tạm thời sau vô lăng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Cách phòng tránh bất trắc trên đường khi tự lái ô tô đi du xuân - 3

Chạng vạng và rạng đông là hai thời điểm không an toàn để lái xe (Ảnh minh họa: Nhật Minh).

Chạng vạng là lúc trời về chiều, mặt trời vừa lặn, ánh sáng yếu nhưng đèn đường và đèn xe có thể chưa bật, làm ảnh hưởng đến khả năng quan sát của tài xế. Ngoài ra, vào buổi xế chiều, con người thường mệt mỏi, tinh thần không tỉnh táo.

Trong khi đó, rạng đông là lúc mặt trời đang mọc, thường là khoảng 4-5 giờ sáng, lúc cơ thể theo nhịp sinh học dễ chìm vào giấc ngủ sâu. Do đó, lái xe vào thời điểm này dễ có cảm giác mệt mỏi, không tỉnh táo để xử lý tình huống.

Tài xế cũng dễ buồn ngủ nếu lái xe sau một đêm ngủ ít hơn bình thường, hoặc sau khi uống các loại thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ, ví dụ như thuốc cảm.

Còn một nguyên nhân nữa ít người chú ý đến nhưng cũng khiến tài xế buồn ngủ; đó là tình trạng thiếu ôxy bên trong xe, do chế độ gió điều hòa không hợp lý. Do đó, tài xế có thể hạ cửa kính một khoảng để không khí bên ngoài có thể lọt vào trong khoang cabin, hoặc điều chỉnh điều hòa lấy gió ngoài.

Dừng xe hoặc đổi lái khi cảm thấy mệt

Cách phòng tránh bất trắc trên đường khi tự lái ô tô đi du xuân - 4

Có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ngủ gật mà bạn nên chú ý khi đang lái xe (Ảnh minh họa: Freepik).

Không ít tài xế biết bản thân mệt mỏi hoặc buồn ngủ nhưng lại chủ quan cho rằng có thể xua cơn ngủ gật bằng cách mở cửa sổ xe hoặc bật to nhạc trong xe. Tuy nhiên, thực tế là cả hai trường hợp đều có thể khiến lái xe ngủ gật bất cứ lúc nào, đặt bản thân và những người đi cùng trên xe vào vòng nguy hiểm. 

Trong trường hợp này, thay vì cố lái tiếp, chúng ta hãy dừng xe lập tức, hoặc đổi lái cho người tỉnh táo hơn, để đảm bảo an toàn.

Nếu không có người đổi lái, cách xử lý tốt nhất là tấp ngay vào vị trí an toàn (điểm nghỉ) và ngả ghế nhắm mắt thư giãn hoặc hẹn giờ đồng hồ ngủ một giấc ngắn 10-15 phút, để cho cơn buồn ngủ trôi qua. 

Tuy nhiên, không nên dừng xe ở lề đường, làn khẩn cấp trên đường cao tốc hoặc những chỗ quá vắng vẻ. Trạm xăng hay trạm dừng/nghỉ trên đường là những chỗ an toàn nhất.

Mỗi khi dừng xe, để nghỉ ngơi hoặc nạp nhiên liệu/sạc pin, hãy chú ý khóa cửa xe cẩn thận, tránh những nơi hẻo lánh, để phòng nguy cơ bị trộm cắp hoặc thậm chí cướp xe.

Tuân thủ luật giao thông 

Cách phòng tránh bất trắc trên đường khi tự lái ô tô đi du xuân - 5

Tài xế cần nắm vững luật giao thông cũng như có ý thức chấp hành nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như người đồng hành (Ảnh minh họa: Nhật Minh).

Giống như uống rượu bia, việc không tuân thủ luật giao thông vừa đặt chúng ta vào nguy cơ gặp tai nạn giao thông, vừa dễ bị phạt.

Chú ý văn hóa giao thông

Ngoài việc tuân thủ các quy định pháp luật, chúng ta còn cần lưu ý cả cách ứng xử văn minh khi tham gia giao thông, tránh những cãi vã, xô xát trên đường. 

Nhiều người quan niệm rằng chỉ cần đi đúng luật, hoặc cần "dằn mặt" cảnh cáo người đi sai. Tuy nhiên, khi tham gia giao thông nói chung và lái xe đường dài nói riêng, cần hạn chế xung đột. Thay vào đó, hãy cố gắng nhường nhịn để đảm bảo an toàn.

Cách phòng tránh bất trắc trên đường khi tự lái ô tô đi du xuân - 6

Tham gia giao thông với thái độ ứng xử văn minh sẽ mang lại tâm lý vui vẻ, dễ chịu cho người lái xe đường dài, hạn chế nguy cơ rơi vào tình huống "sử dụng nắm đấm" để giải quyết xung đột (Ảnh minh họa: Ford Việt Nam).

Ví dụ, khi xe phía sau ra tín hiệu xin vượt, nếu thấy an toàn, hãy bật xi-nhan và chuyển sang làn bên phải để nhường đường, thay vì cố tình ép trái hoặc tăng ga để cản đường, dù có thể bạn không sai về lý.

Chúc các bạn có hành trình du xuân an toàn!


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/o-to-xe-may/cach-phong-tranh-bat-trac-tren-duong-khi-tu-lai-o-to-di-du-xuan-20240209004723037.htm

  • Từ khóa