Điểm chung của các mẫu xe trong danh sách này đều là doanh số kém, khó cạnh tranh với các đối thủ cùng phân khúc, thậm chí thường xuyên xuất hiện trong top xe bán chậm hàng tháng.
Thị trường ô tô Việt Nam từ đầu năm 2024 đến nay không bùng nổ tiêu thụ, có giai đoạn ảm đạm nhưng nhìn chung vẫn sôi động, khi nhiều sản phẩm và hãng xe mới được giới thiệu tới người dùng. Tuy nhiên, vẫn có những mẫu xe âm thầm "biến mất", tạm nói lời chia xa với thị trường.
Toyota Yaris
Đầu tháng 7, Toyota Yaris bất ngờ biến mất khỏi danh mục sản phẩm trên trang web của Toyota Việt Nam. Nguyên nhân được cho là bởi mẫu xe này không còn sức hút với khách Việt, chỉ bán được tổng cộng 8 xe trong 5 tháng đầu năm 2024, trong đó có 3 tháng (3, 4 và 5) không bán ra chiếc nào.
Trước khi "biến mất", Toyota Yaris được phân phối với 1 phiên bản duy nhất cùng giá niêm yết 684 triệu đồng, được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan (Ảnh: TVN).
Mức giá 684 triệu đồng của Toyota Yaris ngang với nhiều mẫu SUV hạng B trên thị trường như Hyundai Creta (599-699 triệu đồng) hay Mitsubishi Xforce (620-705 triệu đồng). So với mẫu xe được phát triển chung nền tảng là Vios, Yaris đắt hơn tới 139 triệu đồng.
Tuy nhiên, thiết kế và trang bị của Yaris đã có phần "lỗi thời" khi lần cuối cùng được nâng cấp là ở năm 2020.
Suzuki Ciaz
Cuối tháng 6, Ciaz không còn xuất hiện trong danh mục xe du lịch của Suzuki Việt Nam. Theo một số nguồn tin, đời 2024 của mẫu xe này đã bị ngừng nhập khẩu về từ tháng 5, hãng không có kế hoạch tiếp tục phân phối mẫu xe này.
Suzuki Ciaz chỉ có duy nhất 1 phiên bản, nhập Thái, giá 534,9 triệu đồng (Ảnh: Nguyễn An).
Suzuki Ciaz là cái tên thường xuyên góp mặt trên danh sách xe bán chậm nhất thị trường. Tương tự Toyota Yaris, mẫu xe này chỉ bán được 8 chiếc trong 5 tháng đầu năm 2024.
Dù thường xuyên có khuyến mại lớn tại đại lý nhưng mẫu xe này khó trở thành lựa chọn của số đông do thiết kế không bắt mắt, trang bị chỉ dừng ở mức cơ bản. Trong khi đó, phân khúc sedan hạng B đang có xu thế chạy đua công nghệ an toàn, với 2 sản phẩm nổi bật là Hyundai Accent và Honda City.
Giới chuyên gia cho rằng, việc Suzuki Ciaz bị "khai tử" có lẽ chỉ là vấn đề thời gian. Nguyên nhân là bởi hãng xe Nhật sẽ chấm dứt hoạt động sản xuất tại Thái Lan vào cuối năm 2025, nơi xuất khẩu Ciaz và Swift sang Việt Nam.
Nếu vẫn tiếp tục phân phối tại Việt Nam từ năm 2026, Suzuki Ciaz sẽ phải thay đổi nguồn cung. Tuy nhiên, mẫu sedan hạng B này không được lắp ráp tại Indonesia nên nhiều khả năng sẽ nhập khẩu từ Nhật Bản hoặc Ấn Độ.
Điều này sẽ khiến giá xe tăng mạnh, do chịu thuế nhập khẩu khoảng 50-70% thay vì 0% như các quốc gia thuộc khối ASEAN. Do đó, việc tiếp tục phân phối Ciaz tại nước ta sẽ không mang lại lợi ích cho hãng xe Nhật Bản.
Mazda BT-50
Tương tự Toyota Yaris hay Suzuki Ciaz, Mazda BT-50 bán kém nhất ở phân khúc cạnh tranh (bán tải). Mẫu xe này biến mất khỏi danh mục sản phẩm của hãng từ cuối tháng 4, đại lý cho biết BT-50 tạm ngừng phân phối để chờ phiên bản mới, nhưng thông tin này chưa được THACO xác nhận.
Trước khi biến mất, Mazda BT-50 chỉ được phân phối với 2 phiên bản cùng giá niêm yết dao động 554-614 triệu đồng (Ảnh: THACO).
Có giá bán khá cạnh tranh nhưng Mazda BT-50 lại gặp khó khi các sản phẩm cùng phân khúc như Ford Ranger hay Mitsubishi Triton lại "ghi điểm" hơn ở thiết kế và trang bị. Trong bối cảnh xe bán tại Việt Nam được coi như một mẫu xe "chơi" thì "đất diễn" của những sản phẩm kém bắt mắt ngày càng thu hẹp.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, Mazda BT-50 chỉ bán được 5 xe, thua Isuzu D-Max (139 chiếc) và không thể so được với Ford Ranger (6.301 xe).
Theo dantri.com.vn