Thương hiệu Aletra đến từ thị trường đông dân nhất khu vực Đông Nam Á chọn cách bắt tay với các thương hiệu Trung Quốc nhằm rút ngắn thời gian phát triển và chế tạo ô tô - đặc biệt là xe điện.
Trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ Ô tô Gakindo Jakarta 2024, Aletra chính thức trình làng dòng ô tô thuần điện đầu tiên của mình mang tên L8 EV tại thị trường đông dân nhất Đông Nam Á.
Aletra được giới thiệu là hãng xe con nội địa trực thuộc công ty chuyên lắp ráp, phân phối xe khách danh tiếng tại Indonesia là Sinar Armada Globalindo (SAG). Sau đó, nhãn hàng này hợp tác với Livan Auto - liên doanh giữa tập đoàn Lifan và Geely từ Trung Quốc để bán xe dưới cái tên Aletra.
L8 EV chính là kết quả đầu tiên từ mối quan hệ này khi xe được xem như một biến thể "xịn" hơn của chiếc MPV chạy điện (MPEV) Livan 8 - sản phẩm đầu tiên của Livan được bán bên ngoài quốc gia tỷ dân.
Ngoại trừ tem chữ ở đuôi xe của Aletra, toàn bộ logo xuất hiện từ ngoài vào trong đều là của Livan (Ảnh: Oto).
Aletra không ngần ngại chỉ rõ đối thủ của L8 EV là BYD M6, mẫu MPV thuần điện cỡ trung và cũng là ô tô điện bán chạy nhất "xứ vạn đảo". Tuy nhiên, mức giá 445-488 triệu Rupiah (tương đương 680,8-746,6 triệu đồng) cho phiên bản L8 và L8s thậm chí còn cao hơn đáng kể so với mức 429 triệu Rupiah (656 triệu đồng) của M6 bản cao cấp nhất. Người dùng cần chi thêm 10 triệu Rupiah (khoảng 15,3 triệu đồng) nếu muốn có bộ sạc theo xe.
Chế độ bảo hành pin 8 năm hoặc 500.000km đối với bản L8s, trong khi bản tiêu chuẩn bị rút ngắn còn 8 năm hoặc 200.000km.
Trả lời CNN, ông Djoko Purwanto, lãnh đạo đội ngũ phát triển kỹ thuật của Aletra, khẳng định Aletra và L8 EV sinh ra cho người dân Indonesia: "Chúng tôi không chỉ đổi logo mà còn thực hiện nhiều điều chỉnh quan trọng để sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Indonesia, để chiếc L8 EV thật sự Indonesia".
So với M6, chiếc Aletra dài và rộng hơn 90-100mm, đạt thông số dài x rộng x cao lần lượt là 4.812 x 1.909 x 1.699(mm). Chiều dài cơ sở 2.807mm tương đương đối thủ, khoảng sáng gầm 160mm.
Cụm đèn hậu LED vắt ngang đuôi xe vuông vức trông khá ấn tượng (Ảnh: GridOto).
Diện mạo của L8 EV có phần cứng cáp, phức tạp hơn mẫu xe "đồng hương" với nhiều đường nét cắt xẻ và dập nổi, thể hiện qua góc 3/4 phía sau và chính diện đuôi xe. Toàn bộ đèn ngoại thất sử dụng công nghệ LED có hiệu ứng chào mừng và tính năng tự động bật/tắt, gạt mưa cũng là loại tự động. Ô cửa sổ bên hông liền mạch với kính hậu, tạo hiệu ứng mui lơ lửng.
Bộ mâm 18 inch 5 chấu to bản, phanh đĩa trên bốn bánh xe và hệ thống treo trước/sau dạng MacPherson/liên kết đa điểm là cấu hình mặc định. Công nghệ Active Comfort Suspension được hãng quảng cáo là tăng cường khả năng xử lý dao động khi xe di chuyển qua các đoạn đường không bằng phẳng.
Vào bên trong xe, người nhìn sẽ cảm thấy công thức bày trí đậm chất Trung Quốc: ít nút bấm cơ học, màn hình trung tâm 12,4 inch đặt nổi hỗ trợ kết nối Apple CarPlay/Android Auto không dây và sạc không dây 50W được lót nỉ và tích hợp khe thông gió - tương tự Omoda C5 vừa "chào sân" Việt Nam.
Hệ thống điều hòa tự động hai vùng độc lập có lọc bụi mịn PM2.5 và tạo ion âm được điều khiển thông qua cụm phím bấm riêng, thuận tiện hơn M6 vốn tập trung toàn bộ tính năng vào màn hình cảm ứng.
Nội thất cầu kỳ hơn BYD M6 với táp-lô uốn lượn có những mảng ốp vân gỗ tối màu và da, nhựa mềm màu kem (Ảnh: GridOto).
Một số tiện nghi nổi bật của mẫu xe đa dụng này còn có vô-lăng ba chấu vát đáy bọc da, bảng đồng hồ kỹ thuật số 7 inch, phanh tay điện tử tích hợp Auto Hold và đèn viền nội thất 72 màu. Ghế ngồi bọc da hai tông màu, riêng hàng ghế trước chỉnh điện 6 hướng. Khu vực "yên ngựa" được phân hai tầng để thêm không gian chứa đồ.
Khách hàng mua xe chỉ có duy nhất cấu hình chỗ ngồi 2+2+3 với hàng ghế giữa được bố trí cặp ghế độc lập chỉnh cơ tích hợp bệ tỳ tay. Cửa gió điều hòa và đèn đọc sách LED nằm dọc hai rìa trần xe, nhường chỗ cho trần kính toàn cảnh đi kèm rèm che nắng.
Khi đi đủ 7 hành khách, người dùng vẫn có thể mang theo 7 va-li xách tay (Ảnh: GridOto).
Phương diện an toàn trên sản phẩm đầu tay của Aletra dừng ở mức cơ bản: hỗ trợ phanh ABS/EBD/BA, cân bằng điện tử, kiểm soát lực kéo, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, cảm biến áp suất lốp, camera 360 độ hiển thị điểm mù hai bên và cảm biến lùi. Ngoài sự vắng mặt của gói ADAS, việc xe chỉ có 4 túi khí thay vì 6 cũng là điểm yếu của L8 EV khi đặt cạnh BYD M6.
Tất cả xe Aletra L8 EV được lắp một mô-tơ điện dẫn động cầu trước, sản sinh công suất tối đa 161 mã lực và mô-men xoắn cực đại 240Nm - kém BYD 70Nm. Năng lượng cho động cơ được trữ trong bộ pin LFP 50,4 kWh (L8) hoặc Lithium Ternary 64,74 kWh (L8s), tương ứng với phạm vi hoạt động tối đa lần lượt 431km và 540km sau mỗi lần sạc đầy (chuẩn CLTC).
Aletra giữ kín thông tin liên quan đến tốc độ sạc. Tham khảo mẫu xe "sinh đôi" Livan 8, người dùng sẽ cần 30-40 phút (tùy theo phiên bản) để nạp pin từ 30-80% bằng trụ sạc DC. Cổng sạc đặt chính giữa đầu xe.
Xe không có chế độ lái, thay vào đó người lái có thể tùy chỉnh mức độ phản hồi của vô-lăng theo ba cấp.
Chiếc MPV nặng hơn 1,8 tấn tăng tốc 0-100km/h trong 10,7 giây, vận tốc tối đa 160km/h (Ảnh: GridOto).
Tại Việt Nam, "sân chơi" MPV thuần điện hoàn toàn được chiếm giữ bởi của các cái tên đến từ Trung Quốc: BYD M6 (756 triệu đồng) và Haima 7X-E (1,23 tỷ đồng).
Giới chuyên gia đánh giá phân khúc MPEV cỡ nhỏ và trung là "miếng bánh" tương đối hấp dẫn do lượng lớn khách hàng mua xe ba hàng ghế có mục đích kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, quan tâm nhiều đến tối ưu chi phí vận hành - vốn là ưu điểm của ô tô điện. Tuy nhiên, hạ tầng trạm sạc công cộng còn rất hạn chế khiến người tiêu dùng trong nước dè dặt khi cân nhắc ô tô thuần điện của hầu hết thương hiệu làm công cụ kiếm tiền.
Phân khúc này đứng trước cơ hội bứt phá khi đại diện của VinFast vừa hé lộ kế hoạch tung ra dải sản phẩm mới mang tên Green, hướng đến đối tượng chính là các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, trong đó có mẫu LimoGreen - MPV chạy điện 7 chỗ phục vụ nhu cầu xe dịch vụ cao cấp.
Bản vẽ phác thảo chiếc MPV 05 từng được VinFast công bố (Ảnh: VinFast).
Theo dantri.com.vn