Sự sụp đổ cần thiết của bóng đá Trung Quốc

Thứ 5, 04.03.2021 | 14:32:05
423 lượt xem

Gạt sang những bi quan hiện tại về sự sụp đổ của nhà vô địch Super League Giang Tô, bóng đá Trung Quốc có thể sẽ bước sang một chặng đường mới bền vững hơn.

CĐV Giang Tô mừng chức vô địch Super League 2020. Ảnh: Xinhua.

CĐV Giang Tô mừng chức vô địch Super League 2020. Ảnh: Xinhua.

Nếu Liverpool là một nhà vô địch tồi tệ, người ta tự hỏi Roy Keane sẽ nhiếc móc Giang Tô như thế nào khi ngừng hoạt động chỉ ba tháng sau chức vô địch Super League đầu tiên. Tuy nhiên, những lãnh đạo của nền bóng đá Trung Quốc còn những lo lắng lớn hơn.

Giang Tô không phải CLB đầu tiên lâm vào tình trạng này ở Trung Quốc. Tháng 5/2020, Thiên Hải Thiên Tân bị phá sản. Đội bóng cùng thành phố Tân Môn Hổ Thiên Tân, dù chưa đệ đơn chính thức, cũng ở rất gần việc bị xóa sổ khỏi bản đồ bóng đá. Đó là những ví dụ tiêu biểu trong làn sóng nhấn chìm 16 CLB ở ba hạng đấu chuyên nghiệp của Trung Quốc.

Khi Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra yêu cầu chấm dứt tình trạng suy thoái của nền bóng đá Trung Quốc kéo dài một thập niên, nhiều tập đoàn và các doanh nghiệp có vốn nhà nước đã lấn sân vào lĩnh vực này. Họ hào hứng tham gia, dù không thể biết điều gì đang chờ đợi trước mắt.

Tô Ninh, một gã khổng lồ bán lẻ, có hàng nghìn cửa hàng trên khắp Trung Quốc, gia nhập cuộc chơi tương đối muộn, vào năm 2015. Tuy nhiên, họ nhanh chóng khiến mọi người hoa mắt vì các khoản chi tiêu. Ramires đến từ Chelsea. Alex Teixeira từ chối Liverpool để đến đất nước tỷ dân. Cũng trong khoảng thời gian này, đội bóng còn được dẫn dắt bởi HLV danh tiếng Fabio Capello.

Trước khi lên ngôi vô địch Trung Quốc, Giang Tô đã chiếm trọn sóng truyền thông quốc tế. Hè 2019, họ được cho là đạt thỏa thuận chiêu mộ Gareth Bale, nhưng vào phút chót, giao kèo đổ bể. Ngày ấy, đa phần CĐV Giang Tô cảm thấy tiếc nuối vì CLB vồ hụt một ngôi sao đẳng cấp thế giới. Nhưng đến lúc này, đó lại là cuộc tẩu thoát có lợi cho cả đôi bên.

Giang Tô, với lượng khán giả trung bình mỗi trận khoảng 27.000 người, bắt đầu lâm vào tình cảnh thua lỗ từ mùa 2019-2020, do ảnh hưởng của Covid-19. Nhưng "bầu sữa" của họ - Tập đoàn Tô Ninh - đã bỏ một lượng lớn vốn vào việc thâu tóm Inter năm 2016. Nhà khổng lồ bán lẻ tiếp tục kế hoạch khuếch trương hình ảnh khi sở hữu PPTV, một kênh phát sóng trực tuyến các trận đấu thuộc khuôn khổ Ngoại hạng Anh tại Trung Quốc.

Việc thâm hụt doanh thu định kỳ khiến dư nợ của Giang Tô ngày một phình to. Chủ sở hữu, Tập đoàn Tô Ninh, vốn đã lao đao vì khối bán lẻ ngày càng bị thu hẹp vì dịch bệnh, không có biện pháp khắc phục trong ngắn hạn. Tháng trước, Trương Cận Đông - cổ đông lớn nhất của Tô Ninh, thông báo rằng công ty sẽ cắt giảm các hoạt động kinh doanh phi bán lẻ, trong đó có CLB Giang Tô. Dù vậy, họ không thể tìm được người đỡ đầu cho đội bóng dù giá chào bán chỉ là một xu.

Vấn đề nằm ở khoản nợ, bao gồm cả lương, thưởng, lũy kế lên tới 93 triệu USD mà Giang Tô đang gánh. Không một doanh nghiệp nào tại Giang Tô có thể gánh được con số ấy giữa thời Covid-19. Mất nơi nương tựa, và bị lãnh đạo tỉnh quay lưng, nhà vô địch phải chịu cái kết thảm.

Ramires (phải) từng vô địch Champions League cùng Chelsea, là đội trưởng Giang Tô khi CLB ngừng hoạt động. Ảnh: REX.

Ramires (phải) từng vô địch Champions League cùng Chelsea, là đội trưởng Giang Tô khi CLB ngừng hoạt động. Ảnh: REX.

Tân Môn Hổ Thiên Tân, một trong những CLB lâu đời nhất Trung Quốc, thuộc sở hữu của Teda từ năm 1998. Tuy nhiên, từ mùa giải 2021, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) yêu cầu phi thương mại hóa tên các đội bóng chuyên nghiệp. Teda Thiên Tân bị buộc đổi thành tên như hiện tại. Lập tức, tập đoàn này đã loại bỏ toàn bộ khoản đầu tư vào đội bóng, khiến "những chú hổ non" có nguy cơ chết lưu. Trước đó, vào tháng 2/2021, Lỗ Năng Sơn Đông cũng bị loại khỏi AFC Champions League do chưa thanh toán hết nợ lương nhân viên.

Giúp các CLB mang tính địa phương nhiều hơn, thông qua việc xóa bỏ tên các công ty tài trợ, là hành động nhiều ẩn ý từ phía CFA. Những người làm bóng đá xứ sở này muốn chấm dứt sự lệ thuộc - gần như toàn bộ - vào việc bơm tiền từ các doanh nghiệp lớn, đồng thời buộc các CLB phải hoạt động bền vững và chuyên nghiệp hơn.

Nhiều biện pháp quyết liệt đã được CFA áp dụng từ năn 2017. Đầu tiên là thuế chuyển nhượng 100% đánh vào các CLB mua ngoại binh, giúp thị trường chuyển nhượng cầu thủ hạ nhiệt. Kế đó, là trần lương dành cho ngoại binh, bắt đầu từ mùa 2021. Trong mùa giải mới, được khởi tranh vào tháng 4, thu nhập tối đa mà một cầu thủ nhận được là 3,6 triệu USD một năm - con số tương đương Carlos Tevez kiếm được một tháng hồi 2017, khi ký hợp đồng với Thân Hoa Thượng Hải.

Tổng thư ký CFA Lưu Dịch nói vào tháng 12/2020: "Bội chi ngân sách và thất thoát vốn ra nước ngoài không nằm trong định hướng của chúng tôi. Trong số 180 triệu USD (số tiền các CLB Trung Quốc chi cho chuyển nhượng trong năm 2019), phải đến 80% chảy vào túi cầu thủ. 70% số ấy thuộc về cầu thủ ngoại".

Oscar, cầu thủ đắt giá nhất lịch sử bóng đá châu Á, hiện là ngôi sao số một Super League. Ảnh: AFP.

Oscar, cầu thủ đắt giá nhất lịch sử bóng đá châu Á, hiện là ngôi sao số một Super League. Ảnh: AFP.

Dù mạnh tay, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan tới tiền bạc ở bóng đá Trung Quốc. Chẳng hạn như Cảng Thượng Hải, họ kịp đàm phán hợp đồng mới với Oscar và Marko Arnautovic ngay trước khi quy định về trần lương được áp dụng. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc cũng tạm yên tâm khi CLB từng sở hữu Hulk (vừa trở về Brazil chơi bóng đầu năm nay) chỉ "rón rén" mang về hậu vệ người Croatia, Ante Majstorovic với giá bốn triệu USD trong kỳ chuyển nhượng này. Đó là bản hợp đồng đắt giá nhất đầu 2021, nhưng chưa bằng 1% tổng chi chuyển nhượng của các CLB Super League bốn năm trước.

Theo Xinhua, nền bóng đá bong bóng hiện tại sẽ vỡ nhanh hơn dự kiến. Hãng tin này cũng nhấn mạnh rằng "đã tới lúc phải tôn trọng luật bóng đá, tôn trọng cơ chế thị trường, đào tạo trẻ và phát triển một cách lâu dài". Bên cạnh đó, Xinhua coi những gì đang xảy ra "có thể là tín hiệu tốt".

Việc đầu tư quy mô lớn vào phát triển bóng đá trẻ, vốn trải rộng khắp hàng nghìn trường học Trung Quốc sẽ được tiếp tục. Chủ nhà của Asian Cup 2023 lạc quan rằng cách làm này sẽ đơm hoa kết trái vào cuối thập niên 2020. Cũng trong thời gian này, Trung Quốc sẽ tiếp tục tham gia đấu thầu giành quyền đăng cai một vòng chung kết World Cup. Ngoài ra, họ cũng đặt tham vọng dự World Cup 2026, với nền móng là những cầu thủ nhập tịch gốc Brazil như Ricardo Goulart và Elkeson.

Về lâu dài, bức tranh bóng đá ở Trung Quốc vẫn có nhiều gam màu sáng, nhưng kết quả sau cuối phụ thuộc chặt chẽ vào cách làm bóng đá trước mắt. Tự bản thân các CLB phải thoát khỏi nợ nần, tự đứng vững trên đôi chân và tránh phụ thuộc vào hầu bao doanh nghiệp. Họ không đơn độc trên con đường ấy, dù cú sốc về nhà vô địch Giang Tô còn lâu mới nguôi ngoai.


Thắng Nguyễn/vnexpress.net

https://vnexpress.net/su-sup-do-can-thiet-cua-bong-da-trung-quoc-4242890.html

  • Từ khóa